Ngành du lịch sẽ "phất" nếu trả lời được hàng loạt câu hỏi vì sao?

Thứ Sáu, 07/10/2016, 23:47
Tại hội thảo khoa học “Phát triển du lịch bền vững từ thực tiễn các tỉnh, thành phía Nam” do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức sáng 7-10 tại tỉnh Bình Phước, ông Phạm Đình Đảng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, chiến lược đến năm 2020, du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ  thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. 


Sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và trên thế giới. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển. Để đạt mục tiêu, du lịch phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực phát triển KT-XH.

Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm. Phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế, chú trọng du lịch quốc tế đến, tăng cường quản lý du lịch ra nước ngoài. 

Bên cạnh đó, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước cho phát triển du lịch. Mặt khác, phát huy tiềm năng, lợi thế quốc gia về yếu tố tự nhiên và văn hóa dân tộc, thế mạnh đặc trưng các vùng, miền trong nước, tăng cường liên kết phát triển du lịch.

Các đại biểu dự hội thảo tham quan, mua sắm các sản phẩm du lịch của tỉnh Bình Phước.

Theo ông Đảng, mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng ngành du lịch các tỉnh, thành phía Nam vẫn còn nhiều bất cập, đòi hỏi các cơ quan hoạch định phương hướng, tìm tòi giải pháp phù hợp với xu thế mới, tình hình mới. Vấn đề cấp bách là kiến giải các câu hỏi "vì sao?".

Đó là vì sao sự liên kết giữa các địa phương chưa thể hiện rõ và nếu để địa phương phát triển tự phát sẽ là rào cản, là điểm nghẽn, thậm chí sẽ tàn phá tiềm năng? 

Phạm vi liên kết trong xúc tiến, quảng bá điểm đến, liên kết trong thiết kế sản phẩm, trong tổ chức phục vụ khách, xây dựng chuỗi giá trị đang còn hạn chế, nhưng vì sao sự giao lưu học hỏi giữa các địa phương về sự phát triển du lịch chưa mang tính đột phá?

Và khi sự phát triển du lịch không có tính liên kết sẽ dẫn đến sản phẩm du lịch ở mỗi địa phương không có tính đặc thù, đơn điệu và trùng lắp, các địa phương chỉ dừng lại mức độ khai thác các giá trị tài nguyên có sẵn, chất lượng sản phẩm chưa cao, có sức cạnh tranh các sản phẩm bị hạn chế thì vì sao câu trả lời trước vấn đề đặt ra là cần giải quyết 4 yếu tố quyết định thành công là đi đâu, ở đâu, ăn cái gì và chơi gì vẫn chưa được tương xứng?

Bên cạnh đó, vì sao hiện nay có một số dự án giao thông trọng điểm đang triển khai rất chậm so với qui hoạch? Ông Đảng nêu ví dụ, hệ thống giao thông có vai trò quan trọng trong sự liên kết phát triển tại khu vực phía Nam, thế nhưng việc triển khai và thi công chậm tiến độ đường vành đai 3, vành đai 4 ở khu vực TP Hồ Chí Minh đã gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa của các tỉnh ra cảng, đẩy chi phí vận chuyển lên cao.

Hay tiến độ dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành – Dầu Giây, dù đây là trục xương sống nối Long Thành với các tỉnh miền Tây và TP Hồ Chí Minh, nhưng tiến độ chậm khiến việc lưu thông rất khó khăn. Điểm đáng nói nữa là tính chung cả khu vực phía Nam hiện chỉ có hơn 100km đường cao tốc - đây là con số rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.

Hội thảo cũng nhận được hơn 100 bài tham luận có chất lượng từ các cán bộ lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Các tham luận đi sâu đánh giá đúng thực trạng du lịch của địa phương, vùng và một số tỉnh, thành trong nước. Mặt khác, đã rút ra được những bài học kinh nghiệm có giá trị thiết thực trong phát triển du lịch, đồng thời nêu lên một số kiến nghị, đề xuất giải pháp phát triển du lịch thời gian tới, góp phần đưa ngành du lịch các tỉnh, thành phía Nam phát triển bền vững và góp phần quan trọng đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo các báo cáo được trình bày tại hội thảo, du lịch Việt Nam những năm qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tổng doanh thu từ khách du lịch tăng bình quân 21%/năm, khách quốc tế đạt 7,9 triệu lượt năm 2015; riêng 6 tháng đầu năm 2016, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt 4.706.324 lượt khách, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2015; khách nội địa đạt 32,4 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 200.339 tỉ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Đức Trí
.
.
.