Ngăn chặn người tâm thần gây án trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

Thứ Hai, 24/12/2018, 08:36
Thời gian gần đây, số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn tỉnh Hòa Bình do người tâm thần gây ra có chiều hướng gia tăng và diễn biến khá phức tạp. Tính chất của loại tội phạm này thường bất ngờ, người bị hại là người quen, người ruột thịt hay người lạ. Trong khi đó, vì bệnh lý không áp dụng được chế tài hình sự nên tiềm ẩn nguy cơ rất lớn đối với trật tự, an toàn xã hội.


Đã hơn 4 tháng trôi qua nhưng cái chết bất ngờ của bà Nguyễn Thị Hương vẫn khiến dư luận bàng hoàng. Rạng sáng 7-7-2018, Quách Đình Tịnh, 51 tuổi, ở thôn Phương Viên, xã Tân Thành, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình bất ngờ dùng dao chém nhiều nhát vào vợ làm bà Nguyễn Thị Hương tử vong. 

Theo Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội (Sở Y tế Hòa Bình), ông Tịnh là người mắc bệnh tâm thần, có hồ sơ quản lý từ năm 2014. Ông được cấp thuốc uống, một thời gian, sau đó bỏ điều trị.

Theo dõi tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây, Viện Kiểm sát tỉnh nhận định: Tội phạm nhìn chung có xu hướng giảm nhưng một số loại tội phạm cụ thể lại có diễn biến phức tạp, xu hướng tăng, gây thiệt hại lớn cho con người và xã hội. Đáng chú ý là các loại tội phạm do người mắc bệnh tâm thần hoặc rối loạn về nhận thức trước và trong khi thực hiện hành vi phạm tội gây ra. 

Công an TP Hòa Bình bắt giữ đối tượng bị “ngáo đá”.

Thống kê từ năm 2013 – 2017, toàn tỉnh Hòa Bình xảy ra 37 vụ án do người tâm thần gây ra với các loại tội như: giết người (15 vụ), hiếm dâm trẻ em, hủy hoại tài sản.. Đối tượng phạm tội chủ yếu từ 20 – 55 tuổi, nam phạm tội nhiều hơn nữ.

Người ruột thịt, họ hàng thân thích vốn nương cậy nhau nhưng một khi lên cơn, vắng ý thức, người tâm thần có thể hành động một cách dã man. Trong số 15 vụ giết người do các đối tượng tâm thần gây ra có 2 vụ con giết mẹ đẻ, 2 vụ chồng giết vợ, 1 vụ con giết bố đẻ, 1 vụ vợ giết chồng, 1 vụ bố giết con, 1 vụ em chồng giết chị dâu. 

Điển hình là các vụ Bùi Văn K, trú tại Yên Trị (Yên Thủy) dùng do, bồ cào có răng bằng kim loại bổ nhiều nhát vào người bố đẻ. Vụ Bùi Văn L, trú tại xã Quy Hậu (Tân Lạc) dùng gậy gỗ đánh chết mẹ đẻ. Vụ Nguyễn Văn Đ, trú tại xã Hợp Thành (Ky Sơn) dùng dao chém chết vợ. Vụ Bùi Văn H, trú tại xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) hiếp rồi dùng gậy đánh cháu P ngất đi và dùng lá cây đốt. Vụ Bùi Văn La, trú tại Ngổ Luông (Tân Lạc) dùng dao cứa cổ vợ tử vong... Kết quả giám định của cơ quan chức năng, các đối tượng bị tâm thần trong khi gây án.

Ông Vũ Trung Thành – Trưởng khoa Tâm thần, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Hòa Bình cho biết: Bệnh tâm thần là do hoạt động não bị rối loạn gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, tác phong, hành vi, tình cảm. Toàn tỉnh có 2.101 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 1.114 bệnh nhân động kinh, 34 bệnh nhân trầm cảm đang được điều trị. Số bệnh nhân điều trị ổn định đạt 91 – 93%. 

Các bệnh nhân sử dụng thuốc không đều, bỏ trị, rối loạn hành vi, mãn tính là nhóm đối tượng dễ gây ra các hành động mất kiểm soát. Môi trường xã hội càng căng thẳng, áp lực công việc, rối loạn tâm thần càng tăng. Người bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến mãn tính, khi đó dùng thuốc nhưng vẫn có các triệu chứng như: áo giác, ý thức lờ mờ, mất kiểm soát hành vi… Trong khi đó, số người mắc bệnh tâm thần trên thực tế ở nhiều thể khác nhau chiếm khoảng 10% dân số. 

Các trường hợp mắc bệnh trong tỉnh đã được phát hiện ở thể F20-F29: tâm thần phân liệt, các rối loạn phân liệt, rối loạn hoang tưởng. Người bệnh khi lên cơn vắng ý thức có thể hoang tưởng người bên cạnh muốn đánh đập, giết mình nên hành động. Có lần, cán bộ khoa đi khảo sát tại cộng đồng ở huyện Lương Sơn, Cao Phong… bị đối tượng vác gậy đuổi phải bỏ chạy.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người mắc bệnh tâm thần phạm tội do gia đình và xã hội không quản lý, theo dõi, chăm sóc, điều trị thường xuyên. Mặt khác, số lượng người tâm thần chưa được đưa vào danh sách quản lý, cấp thuốc điều trị  hiện đang sinh sống tại cộng đồng còn nhiều, xã hội còn định kiến với bệnh tâm thần. 

Đặc biệt có gia đình từ chối cung cấp thông tin hoặc giấu tình trạng của người bệnh. Khi áp dụng các biện pháp bắt buộc đưa người bệnh đến các trung tâm chữa trị, có gia đình không đủ kinh phí hoặc cơ quan điều tra giao chính quyền địa phương quản lý, trong khi chính quyền không phải lúc nào cũng theo dõi. 

Một số đối tượng do lạm dụng rượu, bia trong thời gian dài dẫn đến bị ảo giác, không làm chủ được hành vi, chưa kể những đối tượng sử dụng ma túy bị “ngáo đá”, hành động mất kiểm soát.

Từ thực tế trên, đồng chí Vũ Đức Hòa, Trưởng phòng 2, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho rằng: Để giải quyết vấn đề người tâm thần trong cộng đồng gây án đòi hỏi vai trò quan trọng từ sự quản lý của gia đình cùng lực lượng y tế cơ sở, chính quyền địa phương. Khi trên địa bàn hoặc gia đình báo có người tâm thần, trạm y tế, chính quyền cơ sở cần tổ chức những đợt kiểm tra đánh giá năng lực, hành vi của người bệnh, cấp thuốc cho họ nếu trong diện điều trị ngoại trú. Trường hợp bệnh nhân quá năng chuyển cơ sở y tế cao hơn để có biện pháp xử lý.

Rối loạn tâm thần dù nặng hay nhẹ đều làm giảm chất lượng cuộc sống, dễ gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội. Phòng để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh tâm thần là cách tốt nhất. 

Song, đáng chú ý những năm gần đây, số lượng bệnh tâm thần được phát hiện mới trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng (thời điểm tháng 8-2014 có 1.881 bệnh nhân tâm thần, 903 bệnh nhân động kinh). Từ đầu năm 2018 đến nay, đã phát hiện mới 37 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 27 bệnh nhân động kinh. 

Hiện nay, thuốc điều trị cho bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng được cấp miễn phí. Mỗi huyện, thành phố có 1 cán bộ chuyên trách về sức khỏe tâm thần cộng đồng thuộc trung tâm y tế. Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh cấp thuốc điều trị cho tuyến huyện theo nhu cầu và cấp bổ sung kịp thời khi có bệnh nhân mới cần điều trị. Tuyến huyện cấp thuốc cho tuyến xã 1 lần/tháng, xã cấp thuốc cho bệnh nhân 2 – 4 lần/tuần.

Theo Trưởng khoa Tâm thần, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Vũ Trung Thành, nếu bệnh nhân tâm thần được gia đình giám sát chặt chẽ, cho uống thuốc đều đặn sẽ giảm thiểu được nguy cơ gây nguy hại cho gia đình, cộng đồng. Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe để ngươi dân hiểu về các loại bệnh tâm thần, cách phòng tránh, điều trị, chăm sóc. Vai trò của người nhà là quan trọng vì gần gũi nhất với người bệnh. Gia đình bệnh nhân chấp hành tốt chỉ định của thầy thuốc cho bệnh nhân uống đều, sau 2 – 3 tháng điều trị hầu hết bệnh nhân có tiến triển tốt…

Hoàng Việt
.
.
.