Người tâm thần trở thành sát nhân máu lạnh, vì đâu nên nỗi?

Thứ Bảy, 04/08/2018, 17:27

Do không làm chủ được hành vi của mình, những người tâm thần đã ra tay bộc phát, hành động trong vô thức. Nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian ngắn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về người tâm thần phạm tội khi sống trong cộng đồng dân cư hiện nay. 

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh đã làm thủ tục trưng cầu giám định tâm thần đối với Đặng Văn Trường (50 tuổi, ngụ huyện Châu Thành). Trường là hung thủ sát hại bà Giang Thị Phận (68 tuổi) rồi nhét thi thể vào lu cám. Trường từng có vợ con, nhưng thường xuyên “lên cơn” khiến gia đình ly tán. 

Chiều 2-7, Trường thấy bà Phận đi qua nhà liền bóp cổ, dùng vật cứng đánh vào đầu khiến nạn nhân tử vong, rồi giấu thi thể vào lu đựng cám. Một tuần sau, thi thể bốc mùi nên người dân phát hiện trình báo cơ quan Công an. 

Theo Trung tá Sơn Việt Hùng, Phó trưởng Phòng CSHS Công an Trà Vinh, quá trình lấy lời khai, Trường cho rằng nạn nhân hiến xác cho mình (!?). Sau khi gây án, Trường sợ người người khác lấy thi thể nên giấu vào lu. Thậm chí, Trường còn đòi Công an trả tiền công cho những ngày giấu thi thể. “Trường có tiền sử mắc bệnh tâm thần từ nhỏ nhưng gia đình không quan tâm điều trị, dẫn đến hậu quả rất đáng tiếc” - Trung tá Sơn Việt Hùng cho biết… 

Thạch Sà Khên  - đối tượng gây ra vụ đâm chém kinh hoàng ở Bạc Liêu, khiến 12 người thương vong. 

Mới đây nhất, tại Bạc Liêu, một người tâm thần vác dao đâm chém loạn xạ, khiến 12 người thương vong, gây chấn động trong dư luận. 

Theo đó, lúc 15h ngày 24-7, Thạch Sà Khên (35 tuổi, bị bệnh tâm thần, ngụ xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), bất ngờ cầm dao bầu và một khúc gỗ truy sát nhiều người ở ấp Đay Tà Ni, xã Hưng Hội, khiến 3 người chết, 9 người bị thương. 

Được biết, Khên là người địa phương, đã có gia đình nhưng ly dị mấy tháng nay. Anh ta chuyển đến Trà Vinh sinh sống và mới quay về quê được ít ngày thì xảy ra sự việc. 

Đề cập đến vấn đề quản lý người bị tâm thần trên địa bàn, theo bà Mã Mỹ Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hội, nếu những người có biểu hiện của bệnh tâm thần thuộc đối tượng được bảo trợ thì gia đình sẽ liên hệ đến chính quyền địa phương để làm hồ sơ. Một tháng địa phương sẽ đưa ra xét duyệt một lần, nếu đủ điều kiện thì địa phương đề nghị huyện hỗ trợ theo quy định. 

Đối với Thạch Sà Khên, ông Lâm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Hưng Hội, cho biết: “Khên là đối tượng không nằm trong diện quản lý của địa phương vì khi có vợ anh ta về quê vợ ở Trà Vinh sinh sống. Lâu lâu Khên mới về quê một vài ngày rồi lại đi. Bên cạnh đó, khi phát hiện Khên bị bệnh tâm thần, gia đình cũng không khai báo với chính quyền địa phương”.

Liên quan đến việc người tâm thần gây án, Đại tá, TS Bùi Bé Năm - Trưởng phòng CSHS Công an An Giang phân tích, việc quản lý người bị bệnh tâm thần sống trong cộng đồng hiện nay còn rất nhiếu bất cập. Chưa có một văn bản nào quy định về trường hợp cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đưa người bị tâm thần chưa thực hiện hành vi phạm tội đến cơ sở khám chữa bệnh điều trị. Việc chữa bệnh bắt buộc chỉ được áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi đã có hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Đây là một “khoảng trống” của luật. 

“Dưới góc độ pháp lý, tôi nhận thấy người bị bệnh tâm thần là người không có năng lực trách nhiệm hình sự. Do vậy, dù hậu quả họ gây ra mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng nhưng việc không truy cứu trách nhiệm hình sự của họ là đúng với tinh thần của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, điều cần bàn đối với các đối tượng bị bệnh tâm thần là khi họ chưa thực hiện hành vi phạm tội, phải có biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người bị bệnh”- Đại tá Bùi Bé Năm cho biết. 

Để ngăn ngừa việc này, theo Đại tá Bùi Bé Năm là cần phải quy định về sự phối hợp giữa các nhóm nói trên, xây dựng quỹ hỗ trợ người nhà có người bị bệnh để họ đưa người thân của mình đi điều trị. 

Các cơ quan, đoàn thể ở địa phương cần quan tâm giúp đỡ người bệnh và gia đình nhiều hơn nữa. Nếu thấy dấu hiệu bệnh nhân không thuyên giảm, có những hành động mất kiểm soát, đe dọa đến ANTT, cần nhanh chóng phối hợp, động viên gia đình đưa những trường hợp đó đến các bệnh viện tâm thần để điều trị.

Theo luật sư Nguyễn Văn Đức – Phó trưởng Văn phòng luật sư Vạn Lý (TP Cần Thơ), việc người mắc bệnh tâm thần phạm tội không phải là chủ đề, hay sự kiện mới mà đã có từ rất lâu. Tuy nhiên, thời gian gần đây việc người mắc bệnh tâm thần liên tục gây ra những tổn hại trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí cướp đi mạng sống người khác là sự kiện đáng báo động. 

Việc khắc phục, chung tay góp sức nhằm giảm thiểu hiện tượng trên cần có sự tham gia từ nhiều phía, như: gia đình; tổ chức khám và điều trị bệnh; cơ quan quản lý nhà nước; công tác vận động tuyên truyền. 

Đối tượng Trường sau khi sát hại bà Phận đã nhét thi thể nạn nhân vào lu đựng cám.

“Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng không quản lý được người bệnh trước hết là do xã hội còn định kiến với bệnh tâm thần mà thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc với họ. Ngoài ra, nhiều gia đình có người mắc bệnh tâm thần không đưa bệnh nhân đến bệnh viện điều trị mà thường tự điều trị ở nhà hoặc thậm chí có tâm lý mặc kệ cho những người tâm thần thích làm gì thì làm, không hề có sự quan tâm, chăm sóc hay có một cơ chế giám sát, theo dõi diễn tiến bệnh tật phù hợp. 

Cá biệt, có những gia đình còn từ chối cung cấp thông tin hoặc giấu tình trạng của người bệnh. Trong khi đó, việc chấp nhận để người bệnh được vào danh sách Nhà nước quản lý hay không, thì lại phải chờ tới sự cho phép của gia đình người bệnh. 

Về thời gian cố định trong việc điều trị cho bệnh nhân tâm thần hiện nay chưa được ghi nhận trong bất kỳ văn bản pháp quy nào của chúng ta” – luật sư Nguyễn Văn Đức, phân tích.

Theo các chuyên gia pháp lý, người mắc bệnh tâm thần được chia làm hai dạng, đó là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hay người bị mất năng lực hành vi dân sự. Việc xác nhận họ bị hạn chế hay bị mất năng lực hành vi dân sự dựa trên quyết định của Tòa án trên cở sở yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan. 

Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì theo quy định pháp luật Hình sự họ không phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 21 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015). 

Trong trường hợp người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự (Khoản 2, Điều 49 BLHS năm 2015).

Hiện, người mắc bệnh tâm thần được quản lý, theo dõi, điều trị tại gia đình chiếm tỷ lệ lớn. Bởi do văn hóa, lối sống, đạo đức và thuần phong của người Việt có từ lâu. Tuy nhiên, việc giao cho gia đình quản lý đối tượng này đang hết sức khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với cộng đồng xã hội; đây là lỗ hổng trong việc quản lý cũng như quy định pháp luật.

Theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta hiện có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến; 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Chỉ tính riêng 10 bệnh tâm thần thường gặp nhất, như: trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt... đã có trên 13 triệu người mắc, trong đó khoảng 40% bệnh nhân ở độ tuổi dưới 30. Tuy nhiên, số người bệnh được chữa trị còn rất thấp, cứ 10 người thì chỉ có từ 2 đến 3 người được điều trị.



Đức Văn
.
.
.