Nắng nóng, gia tăng các vụ ngộ độc thực phẩm

Thứ Năm, 02/07/2020, 10:29
Nắng nóng là điều kiện để thực phẩm, thức ăn đường phố dễ ôi thiu nếu không bảo quản tốt. Các ca ngộ độc thực phẩm tập thể trên cả nước liên tục xuất hiện, phần lớn đều do thức ăn không bảo quản tốt, thực phẩm chế biến sẵn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Tại Khoa chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng bệnh nhân nhập viện điều trị ngộ độc tăng cao, đặc biệt có ca ngộ độc nặng, sốc, suy thận hết sức hy hữu khi chỉ ăn 1 quả đào.

Ngộ độc hy hữu

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vừa cấp cứu điều trị cho bà Nguyễn Thị T (64 tuổi, ở Hà Nội) sau khi ăn 1 quả đào. Bà T được chuyển đến cấp cứu trong tình trạng sốc, tụt huyết áp và suy thận. Qua khai thác bệnh sử được biết, trước đó bà T mua đào từ gánh hàng rong, sau khi ăn được 30 phút thì bà T bị đau bụng, nôn, tiêu chảy liên tục và dẫn đến mất nước trầm trọng. Người nhà đưa bà T đến viện gần nhà nhưng do bệnh quá nặng, bênh nhân có biểu hiện sốc, tụt huyết áp và suy thận nên các bác sĩ đã chuyển tuyến bà T lên Bệnh viện Bạch Mai.

TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Căn nguyên việc ngộ độc của bệnh nhân T chưa được xác định rõ. Tuy nhiên dựa trên bệnh cảnh của người bệnh, chúng tôi đoán có thể do một trong hai nguyên nhân sau: Thứ nhất, nghi ngờ do hóa chất bảo quản. Có quá nhiều loại hóa chất hiện nay có thể bị tùy tiện sử dụng. Thứ hai, có thể do độc tố vi khuẩn trong trái đào (nguyên nhân này ít căn cứ hơn). Sau vài ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân T đã cải thiện tốt.

TS.BS. Trung Nguyên cho biết, ngộ độc thực phẩm có rất nhiều nguyên nhân và rải rác tất cả các mùa trong năm. Tuy nhiên, bệnh tập trung chủ yếu vào giai đoạn nắng nóng, mùa xuân sang hè. Căn nguyên của ngộ độc thực phẩm có thể do vi sinh vật, do hóa chất, do độc tố tự nhiên, đặc biệt là do vi sinh vật chiếm nhiều nhất. Tình trạng ngộ độc thực phẩm do hóa chất có nguy cơ tăng và phức tạp dần lên do ngày càng nhiều loại hóa chất và chúng ta còn gặp nhiều vấn đề về kiểm soát trước khi thực phẩm đến bàn ăn.

Người dân ăn rồi bị ngộ độc phải đi bệnh viện cấp cứu, bác sỹ chẩn đoán cũng gặp khó khăn do việc xét nghiệm độc chất cần các máy móc chuyên dụng mà các bệnh viện lại không có (thường các máy móc này chỉ được bố trí ở các cơ sở kiểm định, viện nghiên cứu, pháp y). Đây là một thực tế khó khăn.

Người tiêu dùng nên mua thực phẩm ở những nơi có đăng ký kinh doanh, sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Cần phải kiểm soát chặt chẽ ATTP

Thức ăn đường phố là một trong những nguy cơ mất VSATTP trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay. Dạo quanh một số nơi bán thức ăn đường phố ở Hà Nội, đặc biệt là cổng các bệnh viện, trường đại học, mới thấy rất nhiều nơi vi phạm 10 tiêu chí của thức ăn đường phố như: Thức ăn bán rong trên vỉa hè, không đảm bảo đủ nước để rửa bát, đũa; thức ăn để gần đường đi lại không có tủ kính che đậy, dễ ôi thiu, nhiễm bẩn; người bán hàng không đeo găng tay, không được tập huấn và kiểm tra sức khỏe định kỳ… Người tiêu dùng lo lắng tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực phẩm trên rau, củ, quả… khi chưa được kiểm soát.

Theo chia sẻ của một bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, sau chầu nhậu với bạn bè ở nhà hàng, về tới nhà bệnh nhân bị đau bụng dữ dội, nôn và tiêu chảy. “May nhà tôi gần bệnh viện nên cấp cứu kịp thời. Các món tôi ăn đều là thực phẩm chín, chỉ có rau sống và dưa chuột, tôi sợ mình ăn phải dưa chuột còn tồn dư hóa chất nên bị ngộ độc”, bệnh nhân cho biết.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn quốc ghi nhận 47 vụ ngộ độc thực phẩm làm 849 người mắc, 801 người nhập viện, 22 trường hợp tử vong. Nguyên nhân do vi sinh vật có 7 vụ, do độc tố tự nhiên 27 vụ và 13 vụ chưa xác định được nguyên nhân. Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng kiểm tra gần 282.000 cơ sở, phát hiện hơn 38.100 cơ sở vi phạm về ATTP; xử lý gần 6.800 cơ sở với số tiền phạt gần 15,8 tỷ đồng.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, ở các nước phát triển xứ lạnh, người dân được khuyên để thức ăn ở ngoài không quá 2-3 giờ. Còn ở nước ta trong điều kiện trời nóng như hiện nay thì thực phẩm nhanh ôi thiu là dễ hiểu. Qua nghiên cứu, các thực phẩm nhanh bị ôi thiu và dễ gây ngộ độc do vi khuẩn là các thực phẩm có nguồn gốc từ thịt, cá, trứng, sữa, giàu chất đạm, nhất là lại chế biến qua nhiều khâu, như: Tiết canh, lòng lợn, hải sản, canh cua, đậu phụ, patê, các thức ăn giàu chất đạm nhưng chứa nhiều nước (dạng nhão hoặc lỏng),…

Để phòng tránh ngộ độc, người dân cần ăn chín, uống sôi, cần nhớ nguyên tắc tách riêng thực phẩm sống và chín, kể cả các dụng cụ chế biến, chứa đựng và rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

Bác sĩ Nguyên đặc biệt lưu ý, người dân cố gắng tính toán nấu xong ăn hết, nếu còn thừa thì đun lại ngay sau ăn (vì khi ăn có lẫn thêm các vi khuẩn từ ngoài vào, việc này người dân không ai biết), để nguội nhanh và sau đó bảo quản lạnh. Những người có sức đề kháng yếu (giảm miễn dịch) như đái tháo đường, đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch (thuốc corticoid, thuốc chữa ung thư, các bệnh tự miễn dịch), người bị bệnh gan, người gầy yếu, suy dinh dưỡng, người già, trẻ nhỏ,… thì không nên ăn sống, đặc biệt thịt, cá sống, gỏi, hải sản sống, tiết canh. Vì nếu ăn vào thì dễ bị nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn thường nặng hơn, dễ tử vong hơn so với người khác.

Trần Hằng
.
.
.