Mưa lũ vẫn còn gây khó khăn ở một số địa phương

Chủ Nhật, 11/08/2019, 05:42
Những ngày qua, các tỉnh Tây Nguyên đã phải hứng chịu một trận lũ lụt lớn nhất từ trước đến nay. Với tinh thần quyết tâm cao nhất, Công an các tỉnh Tây Nguyên đã nỗ lực cao độ làm nhiệm vụ bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do trận lũ gây ra...


Từ 20h ngày 6 đến trưa 7-8, những cơn mưa như trút nước bất ngờ đổ ập xuống vùng biên giới huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk khiến nhiều buôn làng chìm trong biển nước.

 Để đảm bảo an toàn cho người dân, cùng với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trên địa bàn, Công an huyện Ea Súp đã huy động toàn bộ lực lượng phối hợp với các cơ quan chức năng khác khẩn trương triển khai các phương án ứng cứu, di dời dân ở những vùng ngập nặng đến nơi an toàn.

Hàng trăm CBCS Công an, Quân đội ở Đắk Nông nỗ lực tìm kiếm 3 nạn nhân bị đất, đá vùi lấp.

Ông Tràng A Páo (trú tại xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) cho biết, mưa lớn kéo dài khiến lũ lụt dâng lên quá nhanh nên gia đình ông và bà con trong khu vực không kịp chạy lũ. Họ chỉ kịp dọn tài sản đưa lên gác rồi trèo lên mái nhà chờ lực lượng chức năng đến cứu.

Không quản ngại mưa to, nước lũ đang dâng cao, ngay trong đêm, hàng chục CBCS Công an đã dùng phương tiện đến từng hộ gia đình bị ngập sâu ở xã Ia Lốp và các khu vực lân cận, di dời tài sản và người dân lên chỗ cao ráo, an toàn.

Thượng tá Cao Tiến Phu, Trưởng Công an huyện Ea Súp cho biết, khoảng 3h sáng 7-8, nhận được tin báo hàng trăm người dân trên địa bàn 2 xã Ia Rvê và Ia Lốp đang bị nước lũ cô lập, an nguy đến tính mạng, Công an huyện đã lập tức cắt cử hàng chục CBCS dùng phương tiện chuyên dụng vào vùng lũ để cứu dân.

“Lũ dâng lớn, nước chảy xiết, trời tối khiến nhiều phương tiện chuyên dụng không thể tiếp cận nên buộc các lực lượng cứu hộ phải dùng dây thừng, CBCS bám theo dây ngâm mình trong nước để tiếp cận người dân. Với sự nỗ lực không quản ngại nguy hiểm, đến sáng 7-8, Công an huyện đã di chuyển được hơn 50 hộ dân tại địa bàn 2 xã Ia Lốp và Ia Rvê đến nơi an toàn”, Thượng tá Phu nhớ lại.

Còn tại Lâm Đồng, từ 4h sáng 8-8, Công an tỉnh Lâm Đồng nhận được thông tin từ cơ sở có 41 người đang bị mắc kẹt trong một khu vực sản xuất nông nghiệp tại thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương. Bao quanh những người này là dòng nước dữ đang cuồn cuộn chảy xiết, đe dọa tới tính mạng từng người.

Lãnh đạo Công an tỉnh Lâm Đồng đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH tỉnh điều động CBCS tới hiện trường khẩn trương giải cứu 41 nạn nhân giữa dòng nước dữ. Sau hơn 8 giờ đồng hồ vật lộn với mưa lớn, lũ dữ, lần lượt 41 người, trong đó có nhiều trẻ em được đưa qua sông an toàn bằng dây cáp.

Cơn lũ lịch sử cũng đã cuốn trôi, gây ngập lụt hàng trăm nóc nhà, hàng nghìn hécta hoa màu tại tỉnh Đắk Nông. Đặc biệt, trong đợt lũ này, trên địa bàn thôn 14, xã Đắk Sin, huyện Đắk Rlấp đã xảy ra một vụ sạt lở đất nghiêm trọng làm 3 người trong một gia đình bị vùi lấp.

CBCS Công an huyện Đắk Rlấp kịp thời đến hiện trường, bất chấp trời đang đổ mưa lớn, anh em vẫn dầm mình liên tục đào bới dưới lớp bùn đất với hy vọng mong manh tìm thấy nạn nhân trong thời gian sớm nhất. Do lượng đất đá đổ xuống quá lớn, cộng với trời mưa to khiến công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn nên phải mất nhiều thời gian mới tiếp cận được vị trí căn nhà nạn nhân.

“Tại đây, dấu vết được tìm thấy đầu tiên là những bộ quần áo và tấm chăn của gia đình. Từ dấu vết này, lực lượng cứu hộ đã dùng vòi nước giội bùn phát hiện thi thể của người vợ và cô con gái 3 tuổi đang ôm chặt lấy nhau. Khoảng 30 phút sau đó, thi thể của người chồng cũng được tìm thấy cách mẹ con nạn nhân khoảng vài mét”, vị cán bộ Công an huyện Đắk Rlấp cho biết.

Thượng tá Nguyễn Tường Vũ, Trưởng Công an huyện Đắk Rlấp nhớ lại, sau khi tìm thấy thi thể 3 nạn nhân và tiến hành đưa ra khỏi hiện trường, hàng trăm CBCS Công an, Quân đội mới chợt nhớ từ sáng sớm đến hơn 14h chiều, mình chưa có gì lót dạ.

“Mưa như trút nước, lượng đất đá, bùn đất đổ sập xuống lớn nên CBCS tham gia cứu nạn phải dầm mình trong bùn đất, ướt sũng bới từng mảng đất để tìm kiếm nạn nhân. Sau hơn 8 giờ đồng hồ dầm mình trong mưa, dưới lớp bùn đất thì các nạn nhân cũng được tìm thấy. Sau khi hoàn tất công tác tìm kiếm, anh em chỉ lót dạ vội ổ bánh mì ướt sũng trở về đơn vị”, Thượng tá Vũ nói.

Người dân cả nước đang hướng về nhân dân vùng lũ với nhiều cảm thông và sẻ chia sâu sắc. Bằng những tình cảm, trách nhiệm và việc làm cụ thể của mình, CBCS Công an các tỉnh Tây Nguyên đã và đang góp phần chung tay cùng các cấp, các ngành xoa dịu bớt nỗi đau, mất mát của người dân, để lại những hình ảnh đẹp, giàu tính nhân văn trong lòng người dân nơi vùng lũ.

Lãnh đạo Cục Phong trào chia buồn cùng gia đình Công an viên hi sinh khi chống lũ

Ngày 10-8, Đoàn công tác do Đại tá Hoàng Văn Toàn, Phó Cục trưởng Cục Phong trào (Bộ Công an) làm trưởng đoàn cùng Đại tá Đinh Xuân Huy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đến viếng, thăm hỏi, chia buồn cùng gia đình đồng chí Phạm Minh Tú (Công an viên thôn Tân Thịnh, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc) đã dũng cảm hi sinh, quên mình trong chống lũ, cứu giúp người dân.

Đại tá Hoàng Văn Toàn cùng đoàn công tác đã thăm hỏi, chia sẻ trước sự mất mát lớn lao của gia đình, người thân đồng chí Phạm Minh Tú. Đại tá Hoàng Văn Toàn đã đọc thư thăm hỏi của Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an tới gia đình đồng chí Tú. Bà Nguyễn Thị Trang (vợ đồng chí Tú) thay mặt gia đình đã gửi lời cảm ơn chân thành đến lãnh đạo Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Công an tỉnh Lâm Đồng và chính quyền địa phương.

Khắc Lịch- Văn Thành
.
.
.