Mưa lũ trắng trời, hàng nghìn người dân cuống cuồng chạy lũ

Thứ Bảy, 21/07/2018, 19:14

Mưa lũ những ngày qua khiến toàn miền Bắc chìm trong biển nước. Mặc dù bão số 3 khi đổ bộ đã không gây thiệt hại nhiều nhưng hoàn lưu sau đó lại gây mưa lớn khiến sạt lở đất và lũ quét liên tiếp xảy ra gây thương vong hàng chục người, ngập lụt nhiều tỉnh, thành. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 38 người thương vong, hàng nghìn ngôi nhà bị sập, trôi và nhiều địa phương vẫn đang bị cô lập.

Yên Bái tan hoang trong mưa lũ, thiệt hại hơn 200 tỷ đồng

Chỉ tính riêng Yên Bái, mưa lũ đã làm 29 người chết, mất tích và bị thương; 3.877 ngôi nhà bị thiệt hại, 1.915 ha diện tích nông nghiệp cùng nhiều công trình thủy lợi, giao thông, viễn thông bị ảnh hưởng. 

Thiệt hại ban đầu khoảng 200 tỷ đồng. 29 người thương vong gồm: 10 người chết (Văn Chấn 4, Mù Cang Chải 5, Trấn Yên 1), 8 người mất tích (Vãn Chấn 6 người, Vãn Yên 2 người), 11 người bị thương (Vãn Chấn 7 người, Trấn Yên 4 người). Trong số người chết có ông Đặng Phúc Tài, Phó bí thư thường trực xã Nậm Mười (huyện Văn Chấn). 

Nhận được thông tin có 1 bé trai 7 tuổi bị mắc kẹt trong 1 ngôi nhà, bao quanh là nước lũ. Khi đến hiện trường, ông Tài đã một mình bơi ra nhà cháu bé. Tuy nhiên, đúng lúc đó, nước lũ tràn về cuốn trôi cả ngôi nhà, cháu bé và ông Tài.

Yên Bái huy động tổng lực khắc phục hậu quả mưa lũ

Toàn tỉnh Yên Bái có 3.877 ngôi nhà bị thiệt hại. Trong đó: bị sập, trôi hoàn toàn 97 nhà; bị thiệt hại rất nặng (50-70%) 189 nhà; bị ngập nước, sạt lở taluy, tốc mái, hư hỏng 3.591 nhà; đã di dời khẩn cấp 691 nhà trong vùng đặc biệt nguy hiểm đến nơi an toàn. 

Về nông nghiệp, khoảng 1.915 ha diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại (Trấn Yên 930 ha, TP Yên Bái 500 ha, Văn Yên 289ha, Văn Chấn 121 ha, Yên Bình 50 ha, thị xã Nghĩa Lộ 10 ha, Trạm Tấu 3 ha); 1.236 con gia súc, gia cầm bị chết (trong đó: 216 con gia súc,  1.020 con gia cầm). 

Mưa lũ cùng làm thiệt hại 260 ha nuôi thủy sản (Trấn Yên 132 ha, Nghĩa Lộ 1 ha, thành phố Yên Bái 120 ha, Yên Bình 2 ha).

Mưa lũ nhấn chìm nhiều ngôi nhà của huyện Văn Chấn (Yên Bái)

Về giao thông, 21 tuyến đường giao thông, 5 cầu đã bị hư hỏng. Ngập úng, tắc đường nhiều điểm trên các tuyến đường tỉnh 163, 166, 172, 175 với nhiều điểm ngập sâu trên dưới 1m. 

Tại thành phố Yên Bái, mưa lớn đã gây ngập úng, chia cắt nhiều thôn, tổ. Toàn thành phố cỏ trên 2.500 hộ bị ảnh hưởng phải di dời tạm thời để đảm bảo an toàn. 

Mưa to kéo dài khiến nước từ đầu nguồn chảy về suối Ngòi Lâu qua địa phận thôn Đắng Con, xã Âu Lâu, TP Yên Bái dâng cao khoảng gần 3 m trong nhiều giờ đã nhấn chìm nhiều tài sản và của Đội Kiểm lâm Cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).

Công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do mưa vẫn tiếp tục kéo dài

Chống chọi với mưa lũ, Yên Bái đã huy động trên 17.000 người, tập trung tối đa các phương tiện, thực hiện đồng bộ các biện pháp tìm kiếm người mất tích. 

Trong đó, tỉnh đã huy động trên 3.000 cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội, dân quân tự vệ; các huyện, thị xã, thành phổ huy động lực lượng tại chỗ trên 15.000 người; Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã kịp thời cử gần 300 chiến sỹ đến cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. UBND tỉnh Yên Bái cũng đã quyết định hỗ trợ 10 triệu đồng/người đối với hộ gia đình có người chết, mất tích; hỗ trợ 3,0 triệu đồng đối với người bị thương; hỗ trợ 25 triệu đồng đối với gia đình có nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; hỗ trợ 10 triệu đồng đối với gia đình có nhà bị hư hỏng nặng; hỗ trợ các gia đình có nhà bị sập đổ hoàn toàn 15 kg gạo/khẩu/tháng (trước mắt trong thời gian 01 tháng) để người dân ổn định cuộc sống và sản xuất.  

Tính đến chiều nay, các địa phương đã tìm được 10 thi thể và cứu hộ kịp thời 7 người bị cô lập tại xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn về nơi an toàn. Các quốc lộ, tỉnh lộ và tuyến đường đến trung tâm xã đã cơ bản được khắc phục, đảm bảo giao thông thông suốt. Đảm bảo nơi ở tạm thời cho các hộ dân bị mất nhà, phải di dời.

Như vậy, tính đến thời điểm này, đã có 38 người thương vong do mưa lũ. Cụ thể: Yên Bái 18 người; Thanh Hóa 4 người; Phú Thọ 2 người chết và mất tích. Ngoài ra có 14 người bị thương.

Mưa trắng trời, nhiều tỉnh, thành miền Bắc ngập sâu trong biển nước

Đợt mưa lũ lịch sử xảy ra tại tỉnh Phú Thọ đã khiến 2 người chết, nhiều đường sá, vật nuôi, hoa màu, công trình công cộng bị nước cuốn. Nhiều nơi ngập sâu, buộc hàng ngàn người dân phải di chuyển lánh nạn trước sức nước cuồn cuộn. Lũ đã “cuốn” trôi 1 cầu treo, đánh sập mố cầu Văn Luông. 

Theo đó cây cầu treo nối giữa các xã ở Văn Luông, huyện Tân Sơn với huyện Thanh Sơn bị hư hỏng hoàn toàn. Còn với cây cầu Văn Luông (xã Văn Luông, huyện Tân Sơn) bị sập ngay mố cầu bên địa phận xóm Bến Gạo. Sự việc xảy ra khoảng 10h sáng nay, rất may không gây thiệt hại về người. 

Hiện chính quyền địa phương đã làm barie, bóng điện, máy phát điện và dùng lưới B40 chắn rào cách 50 - 70m để tránh người dân đến gần. Việc lưu thông của người dân đang gặp nhiều khó khăn. Xã Văn Luông có 8000 dân với gần 30km2 nhưng mỗi xóm hiện như 1 ốc đảo, mênh mông nước. 

Trên địa bàn thị xã Phú Thọ, huyện Yên Lập, huyện Thanh Ba, nước lũ vẫn đang lên gây ngập lụt, chia cắt nhiều xã, hư hỏng các tuyến giao thông.

Thị trấn Thanh Sơn ngập trong nước lũ

Tại Ninh Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan Trần Văn Sính cho biết, mưa kéo dài đã gây ra tình trạng ngập lụt tại một số địa phương, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và giao thông của người dân. 

Trước tình hình trên, huyện đã huy động lực lượng, triển khai các biện pháp phòng chống mưa lũ. Tại tuyến đê bao sông Na thuộc địa bàn các xã Gia Thủy, Gia Lâm xảy ra tình trạng tràn đê với chiều dài khoảng 0,5 km, huyện đã cử 150 cán bộ kịp thời xử lý, đắp kè sự cố tràn trên tuyến đê bao sông Na. 

Nghệ An cũng có số địa phương trong tỉnh đang bị cô lập, đến tối 20/7, nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn và đường nội thôn bản ở tỉnh Nghệ An vẫn đang bị ách tắc do nước ngập, sạt lở đất đá, hư hỏng. Quảng Ninh cũng ngập sâu ở ngay nội đô TP Cẩm Phả. 

Nước dâng ở khu vực dốc Đèo Bụt, km15 phường Quang Hanh, TP.Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã dâng cao tới trên 2m. Giao thông trên quốc lộ 18A đoạn đi qua khu vực trên tạm thời tắc nghẽn.

Nhiều ngôi nhà phường Bãi Cháy, TP Hạ Long ngập nước, ngập bùn.

Thủy điện Hòa Bình mở 4 cửa xả, nhiều sự cố đê điều

Trong đêm qua, lưu lượng về hồ Hòa Bình tăng đột biến so với dự báo từ 6.880 m3/s lúc 19h00 ngày 20-7 lên đến 9.680 m3/s (tăng 2.860 m3/s) và có khả năng tăng tiếp do diễn biến mưa phức tạp. 

Sáng nay, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chồng thiên tai đã ban hành hai công điện yêu cầu thủy điện Hòa Bình mở thêm 2 cửa xả đáy. Trước đó, hồ Hòa Bình đã mở hai cửa xả đáy. Hiện các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Mã, sông Cả ở dưới mực nước cho phép. 

Các hồ chứa thủy lợi Bắc Bộ đạt 35-65% dung tích thiết kế, riêng các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Bắc Giang, Hòa Bình, Ninh Bình - nơi có mưa lớn thời gian qua, nhiều hồ chứa đã tích đầy nước. 

Vụ Quản lý đê điều (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đã xảy ra 18 sự cố ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Các địa phương đang gia cố, khắc phục. Tại huyện Yên Thành (Nghệ An), đập hồ chứa nước Lim, xã Đồng Thành, đang thi công sửa chữa bị vỡ 5 m đập. 

Đập Lùng, xã Thịnh Thành, khi có mưa, nước về hồ nhanh tràn qua đỉnh đập làm sạt lở 4 m phía vai trái tràn. Các sự cố không ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.


Ngọc Yến (tổng hợp)
.
.
.