Nới khung thời gian làm thêm giờ: Đừng quên quyền lợi người lao động

Thứ Năm, 29/08/2019, 10:36
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) lấy ý kiến. Hai vấn đề liên quan đến thời gian lao động là giảm giờ làm việc xuống 44h/tuần và mở rộng khung thời gian làm thêm giờ đang nhận được rất nhiều ý kiến từ phía người sử dụng lao động và người lao động những ngày qua.


Có ý kiến cho rằng, tăng giờ làm thêm là đi ngược xu thế tiến bộ của xã hội, ý kiến khác lại nói đây là nhu cầu có thật. Doanh nghiệp không muốn giảm thời gian làm việc trong tuần, nhưng người lao động cũng cần có thời gian tái tạo sức lao động.

Những lý lẽ từ phía doanh nghiệp

Liên tiếp những ngày qua, hàng loạt hội thảo góp ý cho dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi được phía người sử dụng lao động tổ chức, khi thảo luận đến vấn đề mở rộng khung giờ làm thêm của người lao động lên tối đa 400 giờ/năm, phía doanh nghiệp đều tán thành bởi điều này sẽ vừa giúp doanh nghiệp bảo đảm được mục tiêu sản xuất kinh doanh, vừa giúp nâng cao thu nhập cho người lao động.

Tại Hội thảo lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về Dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào cuối năm 2019 vừa được tổ chức ngày 23-8, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Nguyễn Hoài Nam cho rằng, doanh nghiệp thủy sản hoạt động sản xuất phụ thuộc vào nguồn tài nguyên khai thác từ ngư dân. Đây là vấn đề có tính mùa vụ và khi nguồn tài nguyên này được đánh bắt về nhà máy là phải chế biến ngay, do đó không thể tháng nào cũng như tháng nào. Việc mở rộng khung giờ làm thêm cùng với bỏ giới hạn trong tháng bảo đảm sự linh hoạt cho người sử dụng, tăng khả năng cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực. 

Công nhân rất cần có thời gian tái tạo sức lao động và chăm sóc con cái.

Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, so với các quốc gia trong khu vực, số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp. Đề xuất tăng thời gian làm thêm giờ của Việt Nam là phù hợp với xu thế chung của các nước trong khu vực và trên thế giới. 

Cũng theo ông Lộc, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp than thở vì nhiều đơn hàng xuất khẩu bị lỡ do không thể huy động được lao động vì số giờ làm thêm đã vượt trần, do vậy quy định này có thể được xem như “cởi trói” cho một số doanh nghiệp thường xuyên phải sản xuất các đơn hàng theo thời vụ, mùa vụ. 

Nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị dự thảo nên xét tăng thời gian làm thêm tối đa hằng năm tăng từ 200 giờ lên 300 giờ đối với các ngành nghề bình thường. Riêng đối với một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động có thể tăng số giờ làm thêm lên đến 400 giờ, 500 giờ.       

Đề cập đến việc điều chỉnh thời gian làm việc trong tuần, nhiều doanh nghiệp không ủng hộ việc giảm giờ làm việc của người lao động từ 48h/tuần theo luật hiện hành xuống còn 44h/tuần. Nếu điều chỉnh thành 44h/tuần buộc doanh nghiệp phải tuyển thêm lao động, dẫn tới tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm, hạn chế tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong khi đó, thu nhập của người lao động không tăng thêm. Chưa kể việc tuyển dụng lao động hiện nay của các doanh nghiệp rất khó khăn và doanh nghiệp cũng không thể tăng ca quá giờ quy định.

Nhưng đừng quên quyền lợi và nguyện vọng của người lao động

Bàn về việc giảm thời gian làm việc trong tuần từ 48h xuống 44h, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) cho biết, quan điểm của Tổng LĐLĐVN muốn duy trì thời gian làm việc 44h/tuần. Theo ông Hiểu, theo quy định của Chính phủ khu vực nhà nước làm việc 40 giờ/tuần (nghỉ thứ Bảy, Chủ Nhật). Khu vực ngoài nhà nước thì làm việc 48 giờ/tuần (làm việc hết ngày thứ Bảy). “Người lao động có quá ít thời gian nghỉ ngơi để tái sản xuất sức lao động”.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, bàn về công nhân hôm nay nhưng cũng cần phải quan tâm đến con cái họ ngày mai. 10-15 triệu công nhân hôm nay là vài chục triệu lao động sau vài chục năm nữa. 

“Nếu những đứa trẻ sinh ra trong điều kiện thiếu dinh dưỡng, thiếu sự chăm sóc, suốt ngày chỉ xem tivi rồi bị tự kỷ. Đương nhiên sau đó xã hội phải đi lo những trung tâm bảo trợ xã hội. Không chỉ thế, rồi tội phạm từ những hành vi bị lệch chuẩn của những trẻ em không được sự quan tâm giáo dục của cha mẹ bởi suốt ngày chỉ xem tivi, mạng internet từ rất nhỏ. Giải quyết những vấn đề xã hội sau đó là câu chuyện không đơn giản. 

Tôi rất quan tâm đến vấn đề xã hội trong phát triển kinh tế. Nhiều địa phương chủ yếu chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế, phát triển dự án mà ít quan tâm đến phát triển con người, phát triển văn hóa. Trong khi đó xã hội bây giờ có nhiều vấn đề bất an. Kinh tế có phát triển bao nhiêu đi chăng nữa mà con người cảm thấy không an toàn thì không ổn. Loạn xã hội bất an hơn là nghèo. 

Do đó vấn đề con cái của công nhân chúng ta không bao giờ được quên. Họ cũng cần quan tâm cho con mình. Tiền đã không có mà đến chút thời gian cho con cũng không có. Có những công nhân làm việc từ sáng sớm, tăng ca đến 10 giờ đêm. Gần nửa đêm về đến nhà ăn vội bát cơm nhanh nhanh đi ngủ lấy sức để mai 6h sáng dậy sớm đi làm. Thời gian nào để lo cho con”, ông Hiểu trăn trở.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, tăng giờ làm thêm phải xem xét nhiều yếu tố. Đầu tiên là chính sách việc làm. Hiện số người trong độ tuổi lao động đang rất lớn, nếu cho phép thời gian làm thêm giờ tăng cao, doanh nghiệp có tâm lý không chịu tuyển dụng lao động mới mà ép người lao động tăng ca tối đa, dẫn đến tình trạng số lao động đang thất nghiệp vẫn hoàn thất nghiệp. 

Ông Quảng cho rằng, tăng thời gian làm thêm giờ không phải là một giải pháp dài hạn để tăng cường sản xuất. Thời gian làm việc dài trong một tuần (hơn 48 giờ/tuần) dẫn tới tình trạng mệt mỏi, dẫn tới các vấn đề về sức khỏe. Nếu làm thêm giờ qúa nhiều sẽ gia tăng sự nhầm lẫn khi làm việc và tai nạn lao động rình rập. 

Vậy nên theo ông Quảng, 1 tuần làm việc 48 giờ chưa kể làm thêm, nếu tăng thêm giới hạn thời gian làm thêm giờ thì cũng đồng nghĩa với việc tăng quỹ thời gian làm việc tối đa của người lao động, như thế là đi ngược lại xu thế của đất nước và thế giới. 

“Mấu chốt vấn đề không phải là việc tìm mọi cách tăng thời gian làm thêm giờ mà các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần có biện pháp để dần cải thiện, nâng tiền lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu cho người lao động. Bên cạnh đó, nếu có thay đổi về thời gian làm thêm giờ nên tiến hành từ từ, có bước đệm, lộ trình, không thể nói tăng là tăng gấp 3 lần như đề xuất như vậy sẽ gây ra sự xáo trộn, lo ngại trong dư luận và người lao động”, ông Lê Đình Quảng nói.

Phan Hoạt
.
.
.