Miền Tây “mùa”… sạt lở

Thứ Sáu, 25/05/2018, 08:19
Các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào mùa mưa, sạt lở đất bờ sông diễn ra hết sức phức tạp. Những ngày qua, sạt lở liên tiếp xảy ra cuốn trôi hàng chục căn nhà, gây thiệt hại lớn về tài sản, giao thông chia cắt…


“Mùa” chạy lở

Hằng năm, bước vào đầu mùa mưa, người dân sống cặp bờ sông tại các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang… luôn sống trong tâm trạng lo sợ không biết nhà bị nước cuốn trôi lúc nào. Từ sáng 8-5 đến nay, bờ kinh Hai Quý (phường Thành Phước, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) xảy ra sạt lở đất dài hơn 100m, ăn sâu vào đất liền đến 8m, uy hiếp nhà dân, chia cắt đường giao thông. Chính quyền địa phương di dời khẩn cấp gần 30 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

“Sạt lở nhanh quá, chỉ trong tích tắc nguyên mảng đất lớn, đường sá đổ sụp xuống sông, lở tới chân rào”, ông Lâm Thành Thái hộ dân bị ảnh hưởng nói.

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa công bố thiên tai do sạt lở bờ kinh Hai Quý và chủ động triển khai phương án hỗ trợ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Trong ngày 20-5, tại huyện Long Hồ và Vũng Liêm cùng lúc xảy ra 2 vụ sạt lở. Đoạn đường giao thông dài gần 30m, ăn sâu vào đất liền 6m tại ấp Phước Lợi A (xã Phước Hậu, huyện Long Hồ) đổ sụp xuống sông.

“Khoảng 4h sáng, tôi nghe ầm ầm nên chạy ra thì toàn bộ mặt đường đã tuột xuống sông”, ông Phạm Hồng Quang kể lại. Dọc theo tuyến sông Vũng Liêm đoạn thuộc ấp Phong Thới (thị trấn Vũng Liêm) cũng sạt lở dài 50m, ăn sâu vào đất liền từ 10-15m, cuốn theo 3 căn nhà.

Sạt lở bờ sông Ô Môn (TP Cần Thơ), 39 hộ dân buộc phải di dời khẩn cấp.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, sạt lở bờ sông thường xảy ra trong các tháng đầu mùa mưa. Hàng chục điểm được cảnh báo nguy cơ sạt lở cao trên sông Tiền, sông Cổ Chiên và sông Long Hồ qua các huyện Long Hồ, Vũng Liêm, Mang Thít và khu vực thượng lưu cầu Mỹ Thuận thuộc 2 xã Tân Hòa và Tân Hội (TP Vĩnh Long). Riêng trên sông Hậu, sạt lở từ xã Tân Quới (Bình Tân) đến xã Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh), khu vực cù lao Tròn (huyện Trà Ôn), đuôi đê bao Mỹ Hòa (xã Lục Sỹ Thành, Trà Ôn)

Tại Đồng Tháp, từ đầu năm 2017 đến nay xảy ra sạt lở hơn 36km bờ sông, ăn sâu vào bờ từ 0,5 - 30m, tăng 8,3km. Hiện nay, số điểm đang sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao là 66 điểm, tăng 10 điểm so với cùng kỳ, xảy ra tại các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Châu Thành, TP Cao Lãnh. Tỉnh Đồng Tháp đã di dời 258 hộ đến nơi an toàn. Đồng Tháp kiến nghị xây dựng 12 cụm, tuyến dân cư di dời trên 2.400 hộ dân trong vành đai sạt lở đặc biệt nguy hiểm, với kinh phí 657 tỷ đồng…

Tài sản cả đời, trôi sông 5 phút

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết: Từ đầu tháng 5-2018, bờ sông Ô Môn (quận Ô Môn) sạt lở nghiêm trọng. Vụ gần đây nhất là vào sáng 21-5, làm sụp hoàn toàn 7 căn nhà, 14 căn khác sạt lở một phần và đe dọa 20 căn nhà lân cận. Chính quyền địa phương di dời 39 hộ dân đến nơi ở tạm.

Trở lại hiện trường vụ sạt lở tại vào sáng 21-5, người dân sống cặp bờ sông Ô Môn vẫn còn bàng hoàng. Chị Bùi Thị Nga (45 tuổi), người phát hiện sạt lở và thông báo cho cả xóm thoát ra khỏi nhà kể lại: “Sáng sớm, hai vợ chồng tôi dọn đồ ăn ra bán thì nghe tiếng “răng rắc”, đất nứt. Tôi kêu ông xã dọn đồ đạc ra khỏi nhà rồi chạy đi la làng khắp xóm cho mọi người cùng biết”, chị Nga nói và khẳng định, khoảng 5 phút sau hàng loạt căn nhà bị nhấn chìm xuống sông.

Bà Phạm Thị Cam (54 tuổi), hộ dân bị thiệt hại nặng nề khi căn nhà và xưởng may vừa đầu tư khoảng 1 tỷ đồng trôi xuống sông trong vụ sạt lở. “Từ nhỏ đến giờ, tôi mới chứng kiến sạt lở khủng khiếp như vậy. Tôi vẫn còn bàng hoàng, không ngờ nhà mình bị trôi sông nhanh như vậy”, bà Cam nói trong nước mắt.

Anh Nguyễn Hoàng Thông (41 tuổi) cho biết, gia đình sống cặp bờ sông hàng chục năm nay và lần đầu chứng kiến trận sạt lở kinh hoàng. “Tài sản tích góp bấy lâu, xây căn nhà gần tỷ bạc mới sống được 2 năm đã rôi theo dòng nước”, anh Thông nói.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, khi xảy ra vụ sạt lở vào ngày 7-5, Thành phố đã nhờ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khảo sát địa hình, địa chất… đánh giá các nguyên nhân và có biện pháp lâu dài. “Hiện nay, sạt lở ngày càng diễn ra phức tạp, gia tăng trên diện rộng.

Cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi, cảnh báo những nơi có nguy cơ sạt lở cao và di chuyển người dân đến nơi an toàn”, ông Hè nói. PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) phân tích: “Sạt lở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng, gia tăng về số điểm và diện tích sạt lở. Trung bình mỗi năm, ĐBSCL mất khoảng 400ha đến 500 ha đất ven sông và bờ biển. Sạt lở ảnh hưởng rất nặng nề đến sản xuất, cư trú của người dân, tạo ra tâm lý rất đáng ngại đến môi trường sống”.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, nhiều nguyên dân dẫn đến sạt lở hiện nay là phù sa về ĐBSCL ngày càng ít, hoạt động khai thác cát gia tăng, mực nước ngầm khai thác quá mức, công trình xây dựng hai bên bờ sông ngày càng nhiều, giao thông thủy gia tăng và biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy…

PGS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng, trước mắt cần phải xây dựng ngay các bản đồ cảnh báo sạt lở, giới hạn việc quy hoạch bố trí dân cư, khu công nghiệp và các công trình ven sông có nguy cơ sạt lở cao. Cùng với đó là kiểm soát việc khai thác cát, ngành xây dựng phải tính giải pháp hạn chế sử dụng cát trong công trình, trồng cây bảo vệ bờ sông để giữ đất ở những nơi bồi lắng...

Cùng quan điểm này, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL nhận định, khi thiếu phù sa, thiếu cát, sạt lở sẽ diễn ra trầm trọng hơn, khó cưỡng lại cho đến khi dòng sông tìm được điểm cân bằng mới. Vì thế, ngành chức năng cần phải quản lý khai thác cát, tránh khai thác tràn lan, quá mức. Lập bản đồ rủi ro sạt lở bờ sông để chủ động di dời người dân, tránh thiệt hại. Tránh những công trình lớn, can thiệp sai quy luật, đắt đỏ và kém hiệu quả… 

Như Anh
.
.
.