Đồng bằng sông Cửu Long sạt lở do khai thác cát

Thứ Ba, 17/04/2018, 09:05
Tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sạt lở đất bờ sông ngày càng phức tạp, diễn ra trên diện rộng. Nhiều diện tích đất sản xuất, bờ kè chống sạt lở bị cuốn xuống sông. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở được các chuyên gia xác định do việc khai thác cát vô tội vạ.


Rạng sáng 6-4, trên tuyến sông Ô Môn (khu vực Thới Bình, phường Thới An) xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng 3 ngôi nhà và điểm giữ xe của người dân. Khu vực sạt lở đang được thi công công trình kè chống sạt lở, với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. 

Bà Nguyễn Thị Hường, hộ dân bị ảnh hưởng kể: “Sáng hôm đó, một vùng đất khoảng 50m² trước nhà tôi bỗng sụp xuống sông. Tôi đang bồng đứa cháu, lúc nghe tiếng ầm ầm thì vội chạy ra ngoài. Vừa ra khỏi nhà thì cũng là lúc giàn giáo công trình đổ ập xuống, đè gãy cây cột điện trước nhà, sau đó đè sập luôn ngôi nhà của tui”.

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, số liệu quan trắc tại hiện trường cho thấy, nền đất khu vực này đang có hiện tượng bị sụt lún trung bình khoảng 15cm tại vị trí sát bờ sông, các vị trí khác cũng bị lún khoảng 3cm. 

Cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, bờ sông Hậu qua địa bàn khóm 3, phường Thành Phước (thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) liên tiếp xảy ra 3 đợt sạt lở, ăn sâu vào bờ khoảng 10m, dài hơn 100m. 

Có 20 hộ bị ảnh hưởng, trong đó nhiều căn nhà bị trôi xuống sông, nhà cửa những hộ còn lại xuất hiện vết nứt. Chính quyền địa phương phải sơ tán các hộ dân đến nơi an toàn. Cách đây 3 tuần, 18 căn nhà của người dân tiếp tục bị ảnh hưởng, sụp xuống nước.

Sạt lở đất bờ sông ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phức tạp. 

Từ năm 2017 đến tháng 3-2018, chỉ riêng xã Bình Thành (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) xảy ra 14 vụ sạt lở, với chiều dài 3km, gây ảnh hưởng đến đời sống của hơn 200 hộ dân. 

Theo ông Nguyễn Văn Thật, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Bình, khu vực sạt lở là do đoạn sông uốn cong. Chủ lưu dòng chảy sông Tiền ép sát vào bờ trái, kết hợp nền đất yếu gây sạt lở. Chính quyền địa phương đã khảo sát và đưa ra nhận định sạt lở liên tục do việc khai thác cát ở gần bờ sông, giáp với tỉnh An Giang. Hoạt động này diễn ra từ năm 2008 cho đến nay, khiến dòng chảy bị thay đổi, gây sạt lở nghiêm trọng tại Bình Thành.

Hiện hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Cổ Chiên, sông Tiền, sông Hậu, đặc biệt là khu vực giáp ranh giữa Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… diễn biến phức tạp. Những ngày qua, Công an các địa phương liên tiếp bắt giữ, xử lý hàng loạt phương tiện khai thác cát trái phép trên sông. 

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Trà Vinh cho biết: Ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi khai thác cát sông trái phép nhưng các đối tượng vẫn lén lút hoạt động. Nhiều trường hợp bị xử lý nhưng vẫn cố tình tái phạm.

Thượng tá Lưu Thanh Bào, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết: 

Trên địa bàn có 29 doanh nghiệp hợp tác xã được cấp phép, tập trung trên tuyến sông Hậu, sông Tiền và sông Cổ Chiên với hàng chục khu vực mỏ khai thác cát. Ngoài ra, nhiều đối tượng lợi dụng khu vực giáp ranh để khai thác trái phép, chủ yếu diễn ra vào “nửa đêm về sáng”. 

Khi phát hiện lực lượng chức năng kiểm tra họ rút vòi, cho phương tiện ra khỏi ranh giới của Vĩnh Long hoặc có thái độ chống đối, bất hợp tác. Năm 2017, Công an Vĩnh Long phát hiện 89 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt hành chính gần 1,7 tỷ đồng.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL nhân định, tình trạng khai thác cát tràn lan thời gian qua ở ĐBSCL đã làm mất đi khoảng 200 triệu tấn cát ở sông Tiền, sông Hậu, đồng thời hạ thấp 2 lòng sông này xuống khoảng 1,3m. Khai thác cát tạo thành những hố sâu, cát thô và cát trung bình về sẽ bị kẹt lại, không ra được cửa sông, cửa biển như quy luật thông thường của tự nhiên. Dòng chảy “đói” cát làm cho xói lở bờ sông, sạt lở bờ biển sẽ dữ dội. “Nếu những hố sâu dưới lòng sông do khai thác cát cứ hình thành, lòng sông mỗi ngày sâu hơn thì sạt lở sẽ càng hung hăng hơn”, thạc sĩ Thiện phân tích.

Qua khảo sát của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho thấy, từ đoạn sông bên dưới Phnom Penh tới Stung Treng (Campuchia), hoạt động khai thác cát diễn ra rất rầm rộ. 

“Campuchia khai thác cát bằng hoặc nhiều hơn lượng cát từ phía thượng nguồn đổ về thì còn đâu ra cát về ĐBSCL. Hiện nay lượng cát về không đủ và lượng cát hằng năm biển kéo đi quá nhiều nên thềm của ĐBSCL đang bị xói lở. Thềm lở thì sẽ đất sụp xuống. Mấy năm nay, bờ biển ở ĐBSCL lở kinh khủng do phần bù cát ít hơn phần biển lấy đi. Cái này hết sức nguy hiểm”, TS Dương Văn Ni, Trường ĐH Cần Thơ nói.

Như Anh
.
.
.