"Thảm án" trên biển miền Trung: Đau dưới biển xót trên bờ

Thứ Bảy, 23/04/2016, 22:14
Sau khi cá biển chết hàng loạt trôi dạt đầy bờ, các bãi biển du lịch nổi tiếng như: Cửa Lò, Thiên Cầm, Nhật Lệ, Cửa Tùng, Cửa Việt, Lăng Cô... không bóng du khách. Ngư dân cho tàu thuyền gác bãi vì hải sản đánh bắt được chẳng biết bán cho ai. Nỗi xót xa từ biển đang trùm lên cuộc sống của hàng vạn người dân.

Cá biển chết hàng loạt trải dài trên bãi biển Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình.

* Đìu hiu chợ hải sản

Sáng 24-4, chúng tôi rớm nước mắt khi đến chứng kiến cảnh đìu hiu của những dãy hàng bán hải sản nổi tiếng ở chợ Đồng Hới, Quảng Bình. Hàng loạt tiểu thương bán hải sản vây lấy phóng viên trút tâm tư trong nước mắt vắn dài. Những dãy hàng cá, tôm, mực xếp hàng dài không bóng người mua. Tâm tý lo sợ ăn đồ hải sản bị ngộ độc nên người dân tẩy chay đồ biển.

Chị Nguyễn Thị Tý cho biết, chị bán hải sản ở chợ Đồng Hới trên 20 năm nhưng chưa bao giờ chị buồn như những ngày này. Mình chị Tý gồng gánh cùng gánh cá nuôi 6 đứa con ăn học. Nhưng giờ cá bán không được chị chẳng biết bấu víu vào đâu.

Nhiều ngư dân và người dân bán hàng thủy hải sản ở chợ Đồng Hới phản ánh tâm tư và những khó khăn do cá biển chết với phóng viên Báo CAND.

Dãy hàng cá ở chợ Đồng Hới, Quảng Bình không bóng người mua chỉ có những người bán than vắn thở dài.

Nhiều đại lý thủy hải sản ở Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh… cho biết, cá biển chết chủ yếu là các loại cá sống gần bờ, còn tàu đánh bắt thủy hải sản xa bờ của ngư dân như cá ngừ, cá thu, mực…đều còn sống, tươi nhưng vẫn không bán được vì tâm lý lo sợ ăn đồ biển.

Chúng tôi về Bảo Ninh, Quảng Bình nơi có đến 90% người dân sống bám vào nghề biển, nhưng này làng mạc đìu hiu, hàng trăm tàu thuyền nằm gối bãi. Người dân chỉ biết nhìn nhau lo lắng vì “biển chết”. Dọc đường Trương Pháp chạy dài theo biển Nhật Lệ hàng trăm nhà hàng luôn tấp nập du khách thì nay vắng tanh, vắng teo.

Chủ nhà hàng Mai Văn Cày than thở, nhà hàng của ông luôn có đến gần 50 bàn, dịp này năm ngoái không đủ sức để phục vụ du khách nay thì lác đác mỗi ngày chỉ có một vài bàn khách ngồi uống nước dừa nhìn biển, tuyệt nhiên không ai gọi đồ ăn.

Những thiệt hại về kinh tế đối với các tỉnh Bắc miền Trung từ khai thác thủy hải sản, kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng…không thể tính được cụ thể bằng những con số.

Mùa du lịch biển nhưng bãi biển vắng tanh, chỉ có phóng viên đi thực tế tìm hiểu để viết bài.

Đau đáu tâm tư người dân

Tất cả người dân chúng tôi gặp để tìm hiểu viết bài từ người ngư dân luôn vẫy vùng trên biển, đến chị bán cá, chủ nhà hàng, khách sạn đều có chung một ước muốn có được các câu trả lời “Vì sao cá biển chết”?.

Chính vì các ngành chức năng chưa đưa ra được câu trả lời thỏa đáng nên gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong chính người dân. Anh Nguyễn Văn Hải ở Nhân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình cho biết, tàu cá của anh cùng hơn 10 ngư dân đánh bắt từ biển xa đưa tàu cập bờ với 5-7 tấn cá, toàn cá tươi, ngon nhưng khổng thể bán được.

Vào mùa cao điểm du lịch nhưng nhiều khách sạn, nhà hàng ở các bãi biển nổi tiếng Bắc miền Trung đều cửa đóng, then cài, sắp bàn vì không có khách.

Một chủ nhà hàng trên bãi biển ngồi nhìn ra biển với xót lòng vì cá chết, không có khách.

Cá không bán được, ngư dân không ra biển đánh bắt nhiều hệ lụy sẽ kéo theo. Để tìm hiểu câu trả lời vì sao cá biển chết, những ngày gần đây dư luận cũng như nhiều cơ quan truyền thông đều tập trung vào nghi vấn nghi ngờ hệ thống đường ống dẫn nước thải công nghiệp khổng lồ dưới đáy biển Vũng Áng của dự án Formosa Hà Tĩnh.

Hàng loạt tàu thuyền của ngư dân neo bờ vì cá đánh bắt được về bờ không thể tiêu thụ được.

Được biết, hệ thống ống xả nước xuống biển của Formosa có cách đây hơn 2 năm, nhưng xả mạnh và có dấu hiệu lạ bắt đầu từ ngày 29/3 đến 4/4. Đường ống nước được chôn dưới đất chạy từ dự án Formosa chảy ra biển dài khoảng 1,5 km; đường kính 1,1 m.

Song đại diện của Formosa lại khẳng định với giới truyền thông, việc cá chết hàng loạt không liên quan tới công ty, bởi trong khu vực cống xả thải, cá vẫn sống bên trong rất nhiều, thậm chí rất khỏe!?. 

Mới đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ các thông tin “Nghi vấn ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng”, nếu đúng, yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời đề xuất giải pháp xử lý, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Dương Sông Lam
.
.
.