Lựa chọn thai nhi khiến mất cân bằng nghiêm trọng giới tính

Thứ Bảy, 12/10/2019, 09:44
Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đang có xu hướng tiếp tục tăng và lan rộng, cả nông thôn, thành thị và tại tất cả các vùng miền.

Cả nước đã có 55/63 tỉnh thành có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 108/100. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ.

Cấm chẩn đoán giới tính thai nhi – thực hiện nửa vời

Cấm chẩn đoán giới tính thai nhi là một trong những hành vi bị nghiêm cấm, nhưng việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đang thực hiện nửa vời, thậm chí là buông lỏng. Ở tại nhiều phòng khám sản phụ khoa, siêu âm thai, tiết lộ giới tính thai nhi diễn ra khá phổ biến. 

Tại Hà Nội, nhiều phòng khám của bác sĩ sản khoa, càng nổi tiếng các bà bầu lại tìm tới càng đông vì siêu âm giới tính thai nhi có độ chính xác cao. Phòng khám B.T trên đường Giải Phóng, khi chúng tôi tới nơi, có khá nhiều sản phụ tới siêu âm, có người vừa siêu âm xong gọi điện ngay cho người thân khoe “con trai rồi nhé”. 

Sản phụ Nguyễn Minh Hiền (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Muốn biết giới tính thai nhi thì siêu âm ở phòng khám ngoài, trong bệnh viện có hỏi bác sĩ cũng không nói”. Theo chị Hiền, khi mang thai tuần thứ 13, chị đã biết giới tính thai nhi nhờ siêu âm tại phòng khám M.K trên đường Trường Chinh. Trong các lần khám sau đó, lần nào siêu âm bác sĩ cũng nói giới tính thai nhi cho chị biết.

Không chỉ siêu âm giới tính, mà các dịch vụ bị nghiêm cấm khác như: Hướng dẫn, tư vấn, cung cấp dịch vụ lựa chọn, xác định giới tính trước khi sinh trong các cơ sở y tế, tại cộng đồng và trong toàn xã hội vẫn diễn ra. Có người vì muốn sinh con trai, đã chọn biện pháp sàng lọc tinh trùng. Có người lại đến thầy thuốc đông y được hướng dẫn cách tính sinh con trai bằng việc chế độ ăn, tính ngày rụng trứng, siêu âm thời điểm trứng rụng, kết hợp uống thuốc đông y.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Dân số-KHHGĐ, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh do lựa chọn giới tính thai nhi của các cặp vợ chồng. Mong muốn có con trai hiện nay không chỉ dừng ở biểu hiện tâm lý mà đã thể hiện thành hành động tìm kiếm con trai. 

Các quan niệm xã hội, phong tục đòi hỏi con trai phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên; con trai giúp củng cố địa vị của cha mẹ trong xã hội; đứa con sinh ra phải mang họ của bố; người chồng thường là chủ hộ trong gia đình, có quyền quyết định những việc lớn. 

Theo phong tục ở nhiều địa phương chỉ có con trai được thừa kế tài sản của cha mẹ, vị thế của người phụ nữ không được coi trọng, chính sách sinh ít con kéo dài... Tất cả những điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ. 

Văn hóa - xã hội phát triển ngày càng đa dạng, phong phú, nhiều phong tục cũ không còn phù hợp với xã hội hiện đại, tư tưởng bất bình đẳng giới cần phải được xóa bỏ.

Tỷ lệ trẻ trai và trẻ gái tại Việt Nam hiện đang mất cân bằng.

Triển khai ngay các giải pháp cấp bách

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 1999, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam là 107 bé trai/100 bé gái, 10 năm sau đến cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, tỉ số này là 110,5 và tăng lên 113,8 năm 2013, cho đến nay tỉ số này vẫn dao động xung quanh ngưỡng 114,8. Mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tiếp tục tăng và lan rộng, cả nông thôn, thành thị và tại tất cả các vùng miền. Cả nước đã có 55/63 tỉnh thành có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 108/100.

Theo bà Lan, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ. Mất cân bằng giới tính có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng. 

Sẽ tạo ra những hậu quả lâu dài về mặt xã hội và nhân khẩu học như gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm; làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái, bất bình đẳng, ly hôn; bất ổn xã hội, suy giảm sức khoẻ, sức khỏe sinh sản do những thất vọng về mặt xã hội và tình dục ở nam giới…

Vì thế, theo bà Lan, giải pháp then chốt là phải tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới. Cần có những hành động thiết thực bảo vệ trẻ em để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025, đến nay đã có 59/63 tỉnh, thành ban hành Kế hoạch thực hiện theo Đề án.

Tuy nhiên, để  giải quyết được căn cơ vấn đề, ngoài sự vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân, còn phải thúc đẩy mạnh mẽ việc thực thi nghiêm minh pháp luật về giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh, tăng cường lực lượng thanh tra, phát hiện và xử lý các hành vi hướng dẫn, tư vấn, cung cấp dịch vụ lựa chọn, xác định giới tính trước khi sinh trong các cơ sở y tế, tại cộng đồng và trong toàn xã hội.

Trần Hằng
.
.
.