Nhiều địa phương bị cô lập, Công an đội mưa giúp dân vượt lũ
- Lực lượng Công an nhân dân chủ động ứng phó với bão số 3
- Giám sát chặt chẽ và xả lũ thích hợp trong bão số 3
- Chiều tối nay, bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp từ Thái Bình đến Hà Tĩnh
- Bão số 3 - Sơn Tinh đang có diễn biến rất phức tạp
Cơn bão số 3 (bão Sơn Tinh) trong khoảng từ 22h đến 24h đêm 18-7 đã đổ bộ trực tiếp vào vùng đất liền của các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, trong đó trọng tâm là Nghệ An.
Tại Nghệ An, trọng điểm xảy ra gió và mưa lớn là ở các huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu. Lượng mưa đêm 18-7 lớn, vào khoảng 250 mm, gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 8, ở đảo Hòn Ngư có gió giật cấp 9.
Đặc biệt tại các địa bàn miền núi phía Tây, mưa lớn từ nhiều ngày cùng với ảnh hưởng của cơn bão số 3 khiến mực nước các sông suối dâng lên cao trong ngày hôm nay.
Công an các huyện miền Tây Nghệ An ra quân giúp đỡ người dân di chuyển tài sản, phương tiện ra khỏi vùng bị cô lập. |
Trong khi đó, các nhà máy thủy điện tiếp tục xả lũ càng khiến mực nước dâng cao hơn, cuốn trôi nhà cửa, sập mố cầu treo khiến giao thông bị chia cắt, nhiều bản làng đang bị cô lập.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cùng với cấp ủy chính quyền các địa phương đang gồng mình cùng nhân dân chống lũ với phương châm 4 tại chỗ.
Lực lượng công an các huyện Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quế Phong, Tương Dương… đã huy động lực lượng, phương tiện giúp đỡ người dân di chuyển tài sản, phương tiện qua các đoạn đường bị ngập nước, khó đi đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai các biện pháp tiêu úng, thoát lũ để sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Tại Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của bão số 3, những ngày qua trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có mưa rất to. Lượng mưa lớn cộng với hệ thống thoát nước đang được xây dựng sửa chữa nên gây ngập lụt cục bộ một số nơi.
Tin từ sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, đến ngày 19-7, trên địa bàn vẫn còn hơn 10.000 ha lúa hè thu và hoa màu của người dân bị ngập nước.
Giúp dân dựng lại nhà bị sập mái. |
Theo đó, huyện Hương Sơn bị ngập trên 850 ha lúa hè thu, Nghi Xuân gần 200 ha, Hương Khê ngập gần 420 ha, Can Lộc bị ngập trên 1550 ha, Đức Thọ trên 1700 ha…Riêng hoa màu các loại trên địa bàn Hà Tĩnh bị ngập 2.078 ha đậu, 587 ha ngô, 551 ha rau.
Trước, trong và sau bão, tỉnh Hà Tĩnh đã cắt cử lãnh đạo các sở, ban, ngành về phối hợp với chính quyền các địa phương tìm giải pháp chống bão, chống ngập cho lúa, hoa màu để giúp đỡ người dân.
Do lượng mưa lớn lại rút chậm nên đến chiều ngày 19-7, tại xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn nước lũ vẫn còn cô lập, chia cắt các tuyền đường liên xã, liên thôn. Xã Sơn Tiến vẫn còn 17 ngôi nhà và 7 nhà văn hóa thôn bị ngập từ 0,5 đến 1m.
Ngay trong sáng 19-7, lực lượng Công an tỉnh Hà Tĩnh do đồng chí Võ Trọng Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác đã xuống các địa bàn đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả; thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại và động viên các lực lượng giúp đỡ nhân dân khắc phục sau trận lốc xoáy tại xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân.
Nước ngập chia cắt nhiều nơi. |
Gần 300 cán bộ, chiến sỹ Công an Hà Tĩnh được chia thành các tổ, đội về các vùng người dân bị ảnh hưởng nặng sau bão để giúp đỡ bà con.
Tại xã Xuân Phổ nơi lốc xoáy làm 13 nhà dân bị tốc mái, Công an Hà Tĩnh đã cắt cử 30 cán bộ, chiến sỹ khẩn trương triển khai nhanh chóng giúp dân sửa chữa lại nhà ổn định cuộc sống. Đồng thời lực lượng Công an tiến hành dọn dẹp, vệ sinh môi trường các trường học trên địa bàn, chặt cây đổ ngã ở các tuyến đường giao thông để đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông.
Tại Thanh Hoá, đến chiều tối 19-7, lượng mưa tại tỉnh Thanh Hóa đã giảm so với những ngày trước. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, mưa lớn trên diện rộng những ngày qua cũng đã gây thiệt hại cho nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với hơn 13.292 ha lúa bị ngập, trong đó diện tích lúa ngập trắng là 4.233 ha, diện tích lúa ngập sâu là hơn 9.000 hecta
Nhiều nơi tại Thanh Hóa bị cô lập. |
Lúa ngập chủ yếu tập trung ở các huyện Tĩnh Gia, Đông Sơn, Triệu Sơn, Hoằng Hoá, Thiệu Hoá... Hơn 100ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập nặng tại các huyện Hoàng Hóa, Tĩnh Gia... Mưa lũ cũng đã làm gần 470 ngôi nhà và 16 điểm dân cư bị ngập. Tại tuyến đường QL513 (cảng Nghi Sơn) đoạn trước cổng Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã bị ngập sâu cả mét, ước tính dài hơn 2 km. Tại xã Trú Lâm, huyện Tĩnh Gia, nước ngập trắng băng, nhiều nhà dân đã bị chìm nghỉm.
Một người dân ở huyện Tĩnh Gia cho biết năm nay bão vào gió không lớn nhưng mưa to. Nhiều gia đình phải hái dưa hấu để chạy bão, chạy lũ nhưng cũng không kịp vì đã bị ngập toàn bộ.
Tại một số huyện miền núi, mưa lớn đã khiến một số bản ở các xã Xuân Chinh, Xuân Lẹ, Xuân Lộc của huyện Thường Xuân bị chia cắt. Riêng xã Luận Khê bị cô lập cả xã, do nước lớn gây ngập lụt cầu Cửa Dụ, thuộc Luận Thành 1, nằm trên thuộc Quốc 15c. Đây là tuyến đường duy nhất từ Luận Khê đi các nơi khác.
Ngày 19-7, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cũng đã phát đi cảnh báo về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở một số huyện miền núi Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy và ngập úng tại các huyện vùng trũng. Ngoài ra yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện việc tiêu úng để bảo vệ lúa và hoa màu cho bà con nhân dân.
Công an các huyện bị ngập đã triển khai lực lượng, thu hoạch nông sản giúp bà con vùng ngập. CSGT tích cực phân luồng, hướng dẫn giao thông để các phương tiện đi lại an toàn.
Tại Quảng Ninh, sáng 19-7, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh), nước lũ đã lên cao gây ngập lụt các cầu tràn và điểm thấp trũng.
Công an hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi an toàn. (Ảnh Trung Thạo) |
Đáng chú ý thị trấn Ba Chẽ đã chìm trong biển nước, nhiều nhà dân bị ngập lụt. Cả 3 tuyến tỉnh lộ 330, 330B, 329 nối trung tâm huyện Ba Chẽ với các xã vùng cao, thành phố Cẩm Phả và huyện Tiên Yên đã bị chia cắt hoàn toàn.
Trước tình hình trên, huyện Ba Chẽ đã huy động lực lượng đến từng nhà để di dời khẩn cấp 800 người dân (khoảng 300 hộ), đến nơi an toàn là các nhà văn hoá, trường học.
Mưa lũ khiến nhiều nơi ở Quảng Ninh bị cô lập. |
Đại diện chính quyền huyện Ba Chẽ cho biết nước trên các sông vẫn tiếp tục dâng cao gây ngập trên diện rộng.
Chiều 19 - 7, UBND huyện đã phải huy động gần như toàn bộ lực lượng của công an huyện dùng xuồng đưa người dân đến các điểm an toàn, đồng thời cung cấp lương thực, thực phẩm trong thời gian tránh trú.
Ghi nhận đến chiều ngày 19-7, nước trên vùng cao Ba Chẽ tiếp tục tràn xuống địa bàn huyện Tiên Yên liền kề, gây ngập lụt tại các xã Tiên Lãng, Đồng Rui, Hải Lạng.
Nhiều tuyến phố như tổ 1, phố Hòa Bình, thị trấn Tiên Yên, ngập lụt tới trên 1m nước; trục Quốc lộ 18A, đoạn qua địa bàn xã Hải Lạng ngập gần 50cm; khu phố Long Châu (thị trấn Tiên Yên), thôn Xó Nương, thôn Cống To (xã Tiên Lãng) nước từ hồ Cây Trám cũng đã tràn vào một số nhà dân.
Trước tình hình trên, Công an tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt huy động hàng chục cán bộ chiến sĩ tuần tra dọc tuyến quốc lộ khu vực miền Đông để đảm bảo an toàn giao thông.
Tại Hoà Bình, ngày 19-7, Công an tỉnh Hòa Bình đã có công điện yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện chặt chẽ diễn biến của mưa lũ sau bão; trực tiếp phân công cán bộ đến những vũng nguy hiểm, các nơi bị sạt lở đất, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, sự cố do mưa, lũ gây ra… 100% các đơn vị ứng trực 24/24h.
Một điểm sạt lở ở Hoà Bình. |
Mưa lớn khiến lũ tràn về rất nhanh. |
Theo Công an tỉnh Hòa Bình, do mưa lớn, đường quốc lộ 6 đoạn qua huyện Mai Châu giáp ranh tỉnh Sơn La đã có 6 tuyến đường bị sạt lở, trong đó nghiêm trọng là tuyến đường tỉnh 405 (Phúc Sạn - Ba Khan) bị sạt lở nhiều điểm với khối lượng đất đá ước tính 400 m3, gây ách tắc giao thông.
Công an huyện Mai Châu phối hợp với đơn vị chức năng đã tập trung lực lượng phương tiện, thông được 1 điểm sạt lở đoạn địa phận xã Pà Cò; tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết đống đất, đá sạt lở từ trên núi xuống tại một số địa điểm khác giáp ranh với tỉnh Sơn La.
Ngoài ra, một số huyện như Đà Bắc, Kim Bôi các tuyến đường ngập nhiều nước. Trong đó, huyện Đà Bắc bị sập 100m2 mái chợ đầu mối nông sản; một số xã của của huyện bị cô lập về đường bộ. Hiện, trên tuyến đường quốc lộ 6 đoạn Hòa Bình các lực lượng gồm Công an TP Hòa Bình, Công an huyện Kỳ Sơn, Cảnh sát giao thông Công an tức trực chốt chặt tại các điểm ngập lụt. Công an tỉnh Hòa Bình cũng khuyến cáo các phương tiện không nên lưu thông trên đường nơi có khu vực cảnh báo nguy cơ sạt lở lớn vào thời điểm này.
Cùng ngày, Công an huyện Kim Bôi đã cứu được một người dân bị nước lũ cuốn trôi khi đia qua ngầm tại thị trấn.
Mưa lớn gây nhiều thiệt hại tại nhiều địa phương của tỉnh Hòa Bình, đơn cử huyện Kỳ Sơn có hơn 20 ha lúa bị ngập úng. Huyện Tân Lạc có hơn 10 ha ngô bị ngập, 2 điểm ta luy đường tại xã Mỹ Hòa và xã Địch Giáo bị sạt lở…