Lợn “dính” chất cấm vẫn ngoài vòng kiểm soát

Thứ Hai, 02/10/2017, 08:49
“Lượng thịt lợn cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh ở chợ đầu mối chiếm 80%, hệ thống kinh doanh hiện đại chiếm 16-17%... Vì vậy, nếu kiểm soát được nguồn gốc thịt lợn nhập vào các chợ đầu mối, gần như kiểm soát được nguồn thịt cung ứng cho thị trường này”, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết.


Tuy nhiên, vụ kiểm tra bất ngờ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi) vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện 3.750 con lợn đã tiêm thuốc an thần chờ đưa vào lò giết mổ, trong đó hầu hết là lợn có đeo vòng nhận diện, truy xuất nguồn gốc. Như vậy, việc truy xuất nguồn gốc thịt lợn khi đưa vào TP Hồ Chí Minh chỉ mới kiểm soát được từ trang trại đến cơ sở giết mổ, còn từ cơ sở giết mổ đến tay người tiêu dùng (NTD) vẫn còn bất cập.

Bình quân mỗi ngày, hai chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền nhập 8.400 con lợn đến từ nhiều địa phương. Tuy nhiên, trong số đó phần lớn lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nhằm quản lý nguồn gốc, chất lượng thịt lợn, TP Hồ Chí Minh đã triển khai “Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn”, có hiệu lực từ ngày 31-7-2017.

Theo đó, thịt lợn từ các địa phương  đưa vào các chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh bắt buộc phải có đeo vòng nhận diện, truy xuất được thông tin nguồn gốc từ điểm xuất phát là cơ sở chăn nuôi, đến lò giết mổ, đưa ra thị trường trước khi tới tay NTD. 

Thịt lợn bán tại chợ lẻ chưa kiểm soát được nguồn gốc.

Quy trình này được thực hiện khép kín, trong quá trình vận chuyển lợn từ cơ sở chăn nuôi đến đưa ra thị trường tiêu thụ đều được niêm phong và có sự kiểm tra, giám sát của cán bộ thú y. Mặc dù quy định đã được ban hành hai tháng, nhưng hiện các chợ đầu mối không phải 100% lợn đều có đeo vòng nhận diện. 

Tại chợ đầu mối Hóc Môn, tỷ lệ lợn có thông tin truy xuất nguồn gốc đạt tỷ lệ cao gần 100% so với chợ Bình Điền. Lý giải điều này, một cán bộ Sở Công Thương cho biết: “Do lượng lợn về chợ Hóc Môn chủ yếu được giết mổ tại cơ sở Xuyên Á nên việc giám sát của Thú y TP Hồ Chí Minh và việc tập huấn cho các thương nhân kinh doanh ở chợ được thực hiện khá tốt. Còn lượng thịt lợn về chợ Bình Điền, chủ yếu được giết mổ tại các cơ sở giết mổ ở tỉnh Long An nên việc thực hiện chưa nghiêm, ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh”.

Điều đó cho thấy, các thương lái đã lợi dụng sơ hở của cán bộ thú y trong việc kiểm tra để tiêm thuốc an thần cho lợn trước khi đưa vào giết mổ.  

Nói về việc phát hiện 3.750 con lợn tiêm thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh nhìn nhận: “So với trước, thủ đoạn của các đối tượng hiện nay đã thay đổi. Trước đây, các đối tượng tiêm thuốc an thần cho lợn thường thời điểm trước khi vận chuyển lợn đến lò mổ, nên lực lượng kiểm tra rất dễ phát hiện. Nhưng nay, các đối tượng chọn lúc lợn bị lùa nhốt tại khu lưu trữ của cơ sở giết mổ để tiêm nên khó phát hiện. Đồng thời có người cảnh giới nên lực lượng kiểm tra gặp khó khăn”. 

Ông Phát thừa nhận, vụ phát hiện tiêm thuốc an thần cho lợn nói trên là rất nghiêm trọng, Chi cục đã yêu cầu các cán bộ thú y làm việc tại cơ sở giết mổ Xuyên Á cũng như lãnh đạo có liên quan giải trình, báo cáo sự việc. Nếu có đầy đủ chứng cứ phát hiện nhân viên thú y có hành vi tiếp tay, nhận tiền để bỏ qua sai phạm thì Chi cục cũng sẽ có hình thức xử lý theo quy định.

Ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, đơn vị cung cấp kỹ thuật cho đề án “truy xuất nguồn gốc thịt lợn” của TP Hồ Chí Minh cho rằng, đơn vị đã chuẩn bị dữ liệu đối với số lượng lợn đưa vào cơ sở Xuyên Á ngày 28-9 để cung cấp cho cơ quan chức năng. Hệ thống dữ liệu này xác định cụ thể của từng con lợn từ trại nuôi cho đến lò giết mổ. Vì vậy, trên lộ trình vận chuyển, việc kiểm tra kiểm soát bị lỗi ở khâu nào thì sẽ phát hiện được ngay để truy được trách nhiệm". 

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết: Việc truy xuất nguồn gốc lợn từ cơ sở chăn nuôi tới lò mổ được thực hiện khá tốt. Nhưng khi thương lái đưa heo từ lò mổ ra chợ tiêu thụ lại không chịu khai báo và kích hoạt tiếp thông tin để hoàn thành chuỗi truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, cần yêu cầu thương lái thực hiện việc khai báo để thông tin của họ gắn vào từng mảnh heo nhằm hạn chế vi phạm.

Theo ghi nhận thị trường trong 2 ngày 29 và 30-9, do ảnh hưởng vụ ngưng giết mổ hơn 4.000 con lợn tại cơ sở Xuyên Á nên lượng thịt về chợ giảm mạnh. Trong ngày 29, lượng lợn về chợ đầu mối Hóc Môn chỉ 2.000 con, trong khi trước đây mỗi ngày lượng lợn về chợ khoảng 5.500 con. Thịt khan hiếm đã đẩy giá tăng mạnh. 

Tại chợ Hóc Môn, giá thịt bình thường xoay quanh mức 35.000 - 42.000 đồng/kg, nhưng nay giá tăng gần gấp đôi. Chợ đầu mối Bình Điền, lượng lợn về ổn định nhưng “ăn theo” tình hình chung thị trường nên giá cũng đẩy lên khá cao, tăng hơn 10.000đồng/kg.

Thúy Hà
.
.
.