Khai mạc Lễ hội đền Gióng 2019

Chủ Nhật, 10/02/2019, 17:19
Sáng 10-2 (tức mùng 6 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019), lễ hội Gióng chính thức được khai mạc tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc (huyện Sóc Sơn).

Theo truyền thống mọi năm, lễ hội Gióng năm 2019 đón nhận 8 lễ vật được các địa phương cung tiến. Lần lượt là giò hoa tre của thôn Vệ Linh (xã Phù Linh), ngựa sắt của thôn Phù Mã (xã Phù Linh), voi chiến của thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược), trầu cau của thôn Đan Tảo (xã Tân Minh), ngà voi của xã Đức Hòa, cỏ voi của thôn Yên Sào (xã Xuân Giang), kiệu tướng của thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) và cầu húc của thôn Xuân Dục (xã Tân Minh).

Đúng 7 giờ sáng 10-2 (tức mùng 6 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019), lễ hội Gióng chính thức được khai mạc.

Là nơi thờ tự Phù Đổng Thiên Vương - một trong tứ bất tử theo truyền thuyết của dân tộc Việt Nam, lễ hội Gióng tại đền Sóc hàng năm còn rất nổi tiếng với tục “cướp giò hoa tre” và “trầu cau”. 

Tuy nhiên trong những năm trước đó, việc phát “giò hoa tre” và “trầu cau” cho Nhân dân và du khách thập phương lấy may đầu năm thường xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, đôi khi là cả tranh cướp vẫn diễn ra, khiến hình ảnh lễ hội bị ảnh hưởng. Vì vậy từ năm 2018, Ban tổ chức đã quyết định thay đổi phương thức triển khai.

Phương thức phát lộc được thay đổi, theo đó sau lễ cung tiến, “giò hoa tre” và “trầu cau” được di chuyển vào hậu cung, sau đó được chuyển với số lượng vừa đủ xuống đền Hạ, đền Mẫu để thờ cúng. Ngoài ra, hàng trăm cán bộ chiến sĩ công an, tình nguyện viên cũng đã được huy động để bảo vệ lễ vật trong quá trình rước nhờ đó mà tình trạng lộn xộn tranh cướp lễ vật đã không diễn ra.

8 lễ vật được cung tiến tại lễ hội Gióng 2019.

Tại lễ hội Gióng 2019,  lực lượng an ninh ở Sóc Sơn (Hà Nội) còn phải cõng bảo vệ cô bé 11 tuổi đóng vai "Tướng bà" để khỏi bị bắt cóc. Theo truyền thống, "Tướng bà" phải xuất thân trong gia đình mẫu mực, gương mặt ưa nhìn, sáng sủa, học giỏi. Với nhiều gia đình dòng họ có con em được đóng vai tướng bà là một niềm hãnh diện.

Năm nay, “tướng bà” - lễ vật được thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú lựa chọn cung tiến có tên là cô bé Nguyễn Thị Thùy Linh (11 tuổi), học lớp 5 Trường Tiểu học Bắc Phú (Sóc Sơn, Hà Nội).Các kiệu rước lễ vật dừng tại sân đền Thượng, "Tướng bà" cùng đoàn tháp tùng vào hậu cung làm lễ, trút bỏ chiến bào rồi cùng đoàn bảo vệ xuống đền Hạ.

Giò hoa tre được chuẩn bị cho lễ hội theo phong tục từ xưa.
Nhiều thanh niên khiêng giò hoa tre vào trong sân Rồng, đền Thượng để làm lễ
Ngoài ra còn có voi chiến và ngựa sắt được người dân địa phương cung tiến cho Đền Gióng trong lễ hội..
Nhưng quan trọng nhất trong Lễ hội Gióng là nghi thức rước “Tướng bà” bằng kiệu.
Năm nay vinh dự đóng vai "tướng bà" là cô bé Nguyễn Thị Thùy Linh (11 tuổi), học lớp 5 Trường Tiểu học Bắc Phú (Sóc Sơn, Hà Nội).
Đoàn rước kiệu "Tướng bà" có đầy đủ các thành phần gồm các cụ cao tuổi, cán bộ đoàn thể trong xã và 12 thanh niên trên 18 tuổi khiêng kiêm bảo vệ kiệu.
Được làm "tướng bà" là cả một vinh dự rất lớn với bản thân và gia đình cô bé này.
Rước kiệu "tướng bà" là phần quan trọng nhất của lễ hội và cũng là nghi thức thu hút đông đảo người dân theo dõi nên công an địa phương đã triển khai lực lượng bảo vệ tránh xảy ra tình trạng lộn xộn.
Các kiệu rước lễ vật dừng tại sân đền Thượng, "Tướng bà" cùng đoàn tháp tùng vào hậu cung làm lễ.
Sau khi trút bỏ chiến bào, cô bé Linh được Công an xã Yên Phú bảo vệ đưa về nhà.
Lễ hội Gióng 2019 tại Khu di tích lịch sử văn hoá đền Sóc diễn ra trong 3 ngày, từ 10 - 12-2 (tức mùng 6 - 8 tháng Giêng năm Kỷ Hợi).
Bình-Ngọc
.
.
.