Lão ông thất thập và "nghĩa địa" mũ bảo hiểm

Thứ Sáu, 11/05/2018, 12:39
Ít người biết rằng tại Hà Nội có một "nghĩa địa của mũ bảo hiểm", và càng ít người biết rằng người làm ra "nghĩa địa" thoạt nghe như có gì đó "gàn dở" lại là một ông lão ở tuổi thất thập.

Đã nhiều năm nay, cư dân phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông (Hà Nội) quen với cảnh tượng những chiếc mũ bảo hiểm hư hỏng, cũ nát được treo trên một thân cây lớn trên đường Trần Hưng Đạo. Người làm ra công trình "độc đáo" đó là ông Nguyễn Hữu Địch (76 tuổi).

Giải thích về hành động bị nhiều người coi là "gàn dở" này, ông Địch cho biết ông muốn tạo ra một "nghĩa địa mũ bảo hiểm" nhằm tuyên truyền mọi người chấp hành Luật giao thông đường bộ, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, đồng thời cảnh tỉnh mọi người về việc sử dụng chiếc mũ kém chất lượng sẽ phải chịu hậu quả ra sao nếu tai nạn xảy ra.

"Nghĩa địa mũ bảo hiểm" là danh từ mà người dân phường Nguyễn Trãi quận Hà Đông nói về những chiếc mũ bảo hiểm hỏng vỡ... gắn lên thân cây trên đường Trần Hưng Đạo.

Ở cái tuổi "xưa nay hiếm" ông Địch ngồi ngoài đường cảnh tỉnh người ta về chất lượng mũ. Đã nghỉ hưu được hơn 25 năm nay, nhưng ông lão này không chịu ngồi yên hưởng tuổi già, ông chọn cho mình một công việc ít người ở tuổi ông chịu làm "xe ôm". 

Cách "hành nghề" của ông cũng rất đặc biệt, khách đi xe ôm không phải mặc cả, thích trả bao nhiêu thì trả. Riêng những người nghèo, bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám, ông không lấy một đồng.

Người tạo ra khu "nghĩa địa" có một không hai này là ông Nguyễn Hữu Địch (76 tuổi). Theo ông Địch, "nghĩa địa" mũ bảo hiểm để người đi đường tránh mua phải những chiếc mũ kém chất lượng. Hình ảnh khiến nhiều người lấy làm lạ lẫm suốt thời gian qua

Không chỉ có thế, ông Địch còn khiến người ta thấy lạ lùng hơn bằng việc dành hẳn một góc nhà để chứa mũ bảo hiểm mà ông nhặt nhạnh mỗi ngày. Cứ sáng sớm, ngoài việc dành thời gian tập thể dục, ông Địch kiêm luôn việc nhặt mũ bảo hiểm. Cứ hễ thấy mũ người ta vứt đi mà còn dùng được là ông xách về nhà. Không phải một lúc mà ông nhặt được cả tá mũ chất đống ngay trên tầng 2 của nhà, mà thực chất ông đã làm việc này từ lâu.

Nhưng có lẽ ít người biết rằng, số mũ bảo hiểm mà nhiều người vứt bỏ lãng phí đó, ông thu thập về cho một mục đích rất tốt đẹp như đã kể ở trên. Ông còn sửa lại những chiếc mũ còn tốt bị hỏng quai, hay vỡ kính chắn gió người ta bỏ đi để đem tặng số mũ mình nhặt nhạnh được cho các trẻ em nghèo ở quê. (Quê ông Địch ở Hà Tĩnh).

"Mũ tốt mà người ta lại vất đi, tôi thấy tiếc nên nhặt về rồi đem cho các cháu học sinh nghèo. Không về quê được thì tôi gửi xe khách đem về".

Nhưng những việc kỳ lạ mà ông lão ở cái tuổi "xưa nay hiếm" này thực hiện không chỉ có thế. Trong nhiều năm qua, ngày ngày ông Địch đều đi thu thập những chiếc mũ bảo hiểm cũ.
Số mũ bảo hiểm cũ được chất đầy trong nhà ông. Nhiều người cho rằng ông "gàn dở", tuy nhiên ông giải thích rằng ông thu thập những chiếc mũ cũ còn tốt này để mang về quê cho các cho học sinh nghèo
Của người ta vứt đi nhưng ông giữ gìn rất cẩn thận.
Ông Địch gốc gác là người Thạch Hà - Hà Tĩnh nhưng gia đình đã 4 đời gắn bó với Hà Nội. Một năm ông về quê 1, 2 lần đúng dịp lễ Tết rồi tranh thủ mang quà về cho lũ nhỏ. Những lúc bận bịu, ông gửi xe khách từng thùng mũ bảo hiểm rồi nhờ người thân ở Hà Tĩnh nhận hộ mang đi phân phát.
"Các cháu đi học, rồi chăn trâu, kiếm củi, đội mũ bảo hiểm vào cũng an toàn hơn", ông Địch chia sẻ.

Không chỉ thu thập mũ bảo hiểm, ông lão gần 80 tuổi còn tích góp cả những quả cầu lông và bóng tennis cũ dành cho lũ trẻ gần nhà. "Mỗi lần chúng đi qua gọi ông ơi cho chúng cháu quả cầu tôi cảm thấy có một niềm vui khó tả", ông Địch nói về việc làm có phần "kỳ quặc" của mình.

Ngoài "tập hợp" những chiếc mũ, ông Địch còn có sở thích nhặt cầu lông và bóng tennis cho mấy đứa nhỏ trong xóm.
Theo ông Địch, những quả cầu, trái bóng tennis còn tốt nhưng nhiều người đã vứt đi quá phí phạm, ông tích trữ chúng rồi đem cho bọn trẻ cũng là một việc làm ý nghĩa.
Về hưu từ năm 1993 nhưng ông Địch vẫn làm việc thường xuyên, hiện ông đang đi xe ôm. Ông Địch cho biết, ông thường xuyên chở miễn phí nhiều người tới bệnh viện trong những năm vừa qua.
Thời trẻ, ông Địch từng tham gia Thanh niên xung phong và ông cho biết rất tự hào vì đã đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Nguyễn Trần
.
.
.