Làng lụa Vạn Phúc bị “vạ lây” sau vụ Khaisilk

Thứ Sáu, 03/11/2017, 09:26
Vụ việc Khaisilk không chỉ làm tổn thương người tiêu dùng Việt Nam và hàng Việt Nam mà còn khiến các làng nghề truyền thống như lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), Nha Xá (Hà Nam) lao đao.

Nhiều tiểu thương bán lụa “made in Việt Nam” tại các làng nghề này đã bị vạ lây bởi người tiêu dùng luôn mang tâm lý nghi ngờ.

Khách mua thì ít, xem thì nhiều

Ngày 2-11, chúng tôi đến làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông bắt gặp ngay một không khí đìu hiu, vắng vẻ. Hầu hết các gian hàng đều không có khách ghé thăm. Các tiểu thương cho biết, nguyên nhân chủ yếu khiến khách vắng vẻ là do đang ở giữa tuần, thường cuối tuần lượng khách đông hơn.

Đáng nói, những ngày gần đây, lượng khách đến làng lụa Vạn Phúc vào dịp cuối tuần có phần đông hơn dạo trước. Tuy vậy, khách tìm đến mua hàng thì ít mà phần lớn vì tò mò thì nhiều, đến xem để phân biệt giữa lụa Việt Nam và lụa Trung Quốc như thế nào.

Kể từ khi được quy hoạch và sắp xếp lại, các gian hàng ở khu vực phố Lụa của làng lụa Vạn Phúc chỉ được bán hàng tơ lụa truyền thống của làng, không được bán đồ Trung Quốc. Còn các quầy hàng ở khu vực lân cận, ven làng vẫn có thể bán hàng truyền thống và hàng Trung Quốc, tùy theo nhu cầu của chủ hàng.

Chị Lan, một chủ cửa hàng buôn bán tại khu vực cổng làng Vạn Phúc cho biết: “Ở đây chúng tôi bán kèm hàng tơ lụa Trung Quốc từ khá lâu rồi, nhưng hàng Trung Quốc là hàng Trung Quốc, chúng tôi không nhập về rồi cắt mác, dập lại thành hàng “made in Việt Nam”. Bên cạnh hàng Trung Quốc, chúng tôi vẫn bán các sản phẩm tơ lụa truyền thống của làng làm ra”.

Lý giải nguyên nhân nhập các mặt hàng lụa Trung Quốc về bán là bởi “chúng cũng đẹp, bền mà giá rẻ, được khách mua nhiều hơn”. Chị Lan cũng cho biết thêm, từ hôm Khaisilk “lộ” chuyện “treo lụa ta, bán lụa Tàu”, khách tìm đến cửa hàng chị mua thì ít, xem rồi xét hỏi vặn vẹo, nghi ngờ thì nhiều. “Sự việc đáng xấu hổ của một thương hiệu mà làm làng lụa chúng tôi lao đao”, chị Lan thẳng thắn bày tỏ.

Tại làng lụa Vạn Phúc, giá những chiếc khăn lụa xuất xứ từ Trung Quốc rất phong phú, thấp nhất là 40.000 đồng/chiếc bán buôn, cao thì 100.000 – 125.000 đồng/chiếc, còn đóng hộp thì hơn 1 triệu đồng, thậm chí vài triệu đồng/chiếc. 

Bà Nguyễn Thị Tâm, chủ cơ sở lụa Mao silk, Vạn Phúc cho biết, hiện các công đoạn làm tơ lụa ở Vạn Phúc vẫn thủ công. Nét đặc trưng cơ bản của sản phẩm lụa Vạn Phúc là hoa văn được in trực tiếp trên vải. Mỗi cửa hàng đều có nhãn mác riêng, các chủ cơ sở này phải cam kết và chịu trách nhiệm bán đúng sản phẩm. 

Hiện cơ sở của bà Tâm có 10 khung dệt lụa, trung bình mỗi tháng, cơ sở này sản xuất được khoảng 2.500m lụa. Đề cập đến vấn đề cắt dán mác, bà Tâm cho rằng, việc cắt ghép nhãn mác sản phẩm lụa là vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp.

Làng lụa Vạn Phúc ế ẩm hơn từ sau vụ việc Khaisilk.

Không nhập nhèm!

Vạn Phúc hiện có khoảng hơn 150 cơ sở kinh doanh. Sản lượng lụa sản xuất mỗi năm từ 1,5 - 1,7 triệu mét lụa các loại. Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã làng lụa Vạn Phúc cho biết,  có khoảng 70 - 80% lụa Vạn Phúc được bày bán tại phố Lụa, còn lại là các sản phẩm bên ngoài, trong đó có hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, các sản phẩm đều được công khai nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ, không có chuyện nhập nhèm hàng Việt với các loại hàng khác.

Còn ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề lụa Vạn Phúc cho biết: “Những ngày này, làng lụa Vạn Phúc bỗng dưng được quan tâm chú ý, nhưng nó làm tổn hại đến danh tiếng làng lụa đã tồn tại hơn 1.000 năm lịch sử. Tại làng nghề lụa Vạn Phúc có bán cả sản phẩm Trung Quốc và các nơi khác nhập về nhưng từ trước tới nay, Hiệp hội Làng nghề chưa phát hiện trường hợp nào cắt mác Trung Quốc để dán mác lụa Hà Đông”.

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc khẳng định, tuy không liên quan, nhưng việc thương hiệu Khaisilk bị tố lừa dối khách hàng đã ảnh hưởng tiêu cực đến nghề lụa Vạn Phúc.

“Người ta lên án Khaisilk, đồng thời gần đây, những thông tin không tốt nhằm vào chúng tôi cho rằng, làng lụa Vạn Phúc chỉ nhập hàng về mà không còn sản xuất đã gây ảnh hưởng xấu đến làng nghề. Tôi khẳng định đó là những thông tin thiếu cơ sở, thiếu đạo đức”, ông Hà cho hay.

Ngoài việc bị liên lụy về việc mập mờ trong gắn mác thương hiệu lừa dối khách hàng, thì lụa Vạn Phúc cũng đứng trước rất nhiều khó khăn. Giá thành mua tơ ngày một đắt, lụa công nghiệp từ khắp nơi, đặc biệt từ Trung Quốc ngày một nhiều đẩy nghề lụa thủ công luôn gặp khó ở khâu đầu ra.

Ngọc Yến
.
.
.