Làng bánh chưng tất bật vào vụ Tết

Thứ Sáu, 20/01/2017, 11:20
Hơn 200 hộ dân tại làng Tranh Khúc thì quá nửa làm và sống bằng nghề truyền thống gói bánh chưng. Những ngày giáp Tết, có hộ sản xuất đến cả 3 – 4 vạn còn hộ bình thường cũng tầm 1 vạn hay mấy nghìn cái là chuyện thường.


Về làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) những ngày cuối năm, men theo triền đê nối giữa nội đô và vùng ngoại thành Hà Nội, thật không khó để nhận ra Tranh Khúc - ngôi làng với truyền thống làm nghề gói bánh chưng.

Hai người thợ đang tước “sống lưng” lá để khi gói bánh lá không bị gẫy.

Ngay từ đầu làng, người ta đã thấy xe tải chở lá dong, bánh chưng ra vào nhộn nhịp, người rửa lá, xếp lá, người đồ đỗ xanh, đánh nhuyễn đỗ, người chế biến, pha thịt lợn... trong từng căn bếp nhỏ mùi hương từ nồi bánh chưng bay ra tỏa đi khắp làng. Tết ở đây luôn đến sớm hơn các địa phương khác cả tháng.

Không ai biết, người làng Tranh Khúc có nghề tự bao giờ. Chỉ biết rằng, từ khi sinh ra, người dân nơi đây đã gắn bó với sợi lạt, lá dong và đậu đỗ. Dân làng Tranh Khúc gói bánh quanh năm, bắt đầu từ 20 tháng Chạp âm lịch, người dân làm bánh theo số lượng lớn. Khách chủ yếu là dân nội đô và các vùng lân cận khác như: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình…

Cô Nguyễn Thị Thu – chủ một hộ sản xuất bánh ở đây làm nghề gói bánh chưng đến nay đã gần 30 năm.

“Tết đến, có hộ sản xuất nhiều đến cả 3 – 4 vạn còn hộ bình thường cũng tầm 1 vạn hay mấy nghìn cái” - ông Nguyễn Hồng Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết. Đặc biệt, vào thời điểm này, nhà nào ở Tranh Khúc cũng phải huy động hết nhân lực, thuê thêm nhân công, bởi số lượng bánh được đặt hàng thường nhiều gấp năm, thậm chí gấp mười lần so với ngày bình thường.

Hộ sản xuất kinh doanh của cô Thu phải thuê thêm 5 nhân công để phục vụ sản xuất dịp giáp Tết.

Ông Nguyễn Xuân Thắng cần mẫn làm việc ở đây đã hơn chục năm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
“Những ngày cận Tết, nhu cầu tăng cao, bà con phải thuê thêm nhân công ở ngoài về, nhà nào ít thì 5 người, nhiều phải tầm 10 người về rửa lá, vo gạo, nấu đỗ và đun nấu” - ông Đức nhấn mạnh.

“Tôi vốn làm thợ xây, đã 10 năm nay, cứ tầm 20 tháng Chạp hàng năm tôi lại về làng làm bánh để kiếm thêm thu nhập, công làm ở đây được 200 nghìn/ngày” - ông Nguyễn Xuân Thắng (50 tuổi, quê Hưng Hà - Thái Bình) chia sẻ.

Để có một chiếc bánh chưng ngon, người làng Tranh Khúc đã phải rất tỉ mẩn trong việc lựa chọn nguyên liệu.

Người nấu bánh chưng Tranh Khúc thường chọn lá dong ở Tràng Cát (Hà Nội), thậm chí nhập về từ Thanh Hóa, Nghệ An hoặc ở vùng cao Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang. Loại giang để chẻ lạt buộc bánh được ưa thích là ở vùng núi Lương Sơn (Hoà Bình) còn nếp cái hoa vàng thì phải chọn ở Hải Hậu (Nam Định) mới đảm bảo.

Nhân bánh được vo thành từng nắm nhỏ.
Gạo được rửa sạch, đãi sạn cẩn thận đựng trong thúng để mang đi làm bánh.
Thịt được thái miếng, ướp sẵn muối tiêu.
“Muốn giữ nghề thì phải làm thật. Mình buôn bán lấy chữ tín làm đầu, lừa lọc sớm muộn cũng bị phát hiện thôi cháu ạ. Tết nhất mình lại càng phải làm đảm bảo nếu không nhỡ có chuyện gì thì không chỉ họ mà ngay cả mình ăn Tết cũng chẳng ngon” – Cô Nguyễn Thị Thu, chủ hộ sản xuất bánh chưng ở đây, tâm sự.

Trước đây, bánh chưng Tranh Khúc được luộc bằng bếp củi hoặc bếp than. Hiện nay, nhiều gia đình sử dụng bếp điện hoặc nồi hơi để luộc bánh, vừa tiết kiệm thời gian vừa hạn chế tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường.

Chiếc nồi ga được dân Tranh Khúc dùng để luộc thịt làm nhân và luộc bánh số lượng nhỏ.

Tùy theo nhu cầu khách hàng, một chiếc bánh chưng có giá dao động từ 35.000 -  50.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, vào dịp Tết, giá thành trên thị trường thường dao động từ 40.000 – 60.000 đồng/chiếc do chi phí phát sinh.

Với hơn 200 hộ dân tại Tranh Khúc hiện có 30 hộ dân sản xuất và kinh doanh bánh chưng quanh năm, nhất là dịp Tết số lượng này tăng lên gấp nhiều lần. 90% người dân trong làng từ người già đến trẻ nhỏ đều có thu nhập từ nghề làm bánh chưng. Thu nhập bình quân của mỗi hộ dân lên đến 10 triệu đồng.

Năm nay, bánh chưng Tranh Khúc lại đắt khách, đi khắp các vùng miền, đem lại thu nhập cao cho người dân nơi đây.

Một số hình ảnh khác về hoạt động sản xuất bánh chưng ở làng Tranh Khúc:

Lá dong được chọn là loại dong rừng, xanh đậm bản to. Sau khi được rửa và lau sẽ được xếp thành bó dùng dần.
Hình ảnh một cụ bà đang tước gân lá.
Đỗ được đánh nhuyễn vo thành nắm kèm thịt ở giữa làm nhân.
Người Tranh Khúc gói bánh bằng tay rất khéo, bánh chắc chắn, vuông vắn và đều tăm tắp.
Sau khi gói xong, bánh được xếp ngay ngắn để chờ cho vào nồi luộc.
Ông Nguyễn Hồng Đức (Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Hàng tháng, chúng tôi đi kiểm tra thường xuyên, đặc biệt là thứ 7, chủ nhật cuối tuần, liên ngành của huyện Duyên Hà và các tổ công tác của Ủy ban xã cùng với cán bộ chuyên môn xuống kiểm tra về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu cơ sở kinh doanh nào vi phạm, xã sẽ lập biên bản và hồ sơ để xử lý hành chính”.
Mai Chi
.
.
.