Lan tỏa phong trào hiến đất làm đường
Đi cùng chúng tôi, bà Nguyễn Thị Kim Định, Phó Chủ tịch UBND xã Quế Phong phấn khởi cho biết, tuyến đường bê tông ĐH26 có chiều dài gần 1,5km, rộng 7m được khảo sát xây dựng từ cuối năm ngoái. Để mở rộng, xây dựng tuyến đường đã ảnh hưởng đến 2.050m2 đất ở, đất sản xuất; hàng chục mét tường rào và rất nhiều cây cối, hoa màu của 18 hộ dân thôn An Long 2.
“Ban đầu khi khảo sát tuyến đường cũng có một số hộ dân không đồng tình việc hiến đất và đòi đền bù. Sau đó chính quyền xã đã mời họp và vận động, nói về lợi ích của việc làm đường thì mọi người đều vui vẻ đồng ý”, bà Định cho biết.
Gặp chúng tôi, kể lại chuyện hiến đất làm đường, bà Trần Thị Thảo (62 tuổi, trú thôn An Long 2) bày tỏ rằng, vợ chồng bà đã già nên hằng ngày chỉ quanh quẩn ở nhà để trồng vườn rau, nuôi heo, gà… Họa hoằn lắm khi có việc cần lắm thì mới đi bộ ra trung tâm xã.
Thế nhưng, khi đại diện chính quyền xã về khảo sát để làm đường bê tông đi ngang qua khu vực vườn nhà bà, vợ chồng bà đã tự nguyện hiến 110m tường rào cột bê tông kéo lưới B40 và rất nhiều cây cối để phục vụ cho việc làm đường. “Có đường vợ chồng tui mừng. Từ xưa đến nay, vợ chồng tui chưa từng nghĩ sẽ có một con đường khang trang, to đẹp đến trước ngõ nhà”, bà Thảo cười nói.
Về thôn Thạnh Hòa 1, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, chúng tôi chứng kiến tuyến đường giao thông nông thôn của thôn này đang trong giai đoạn đổ đất san nền, chuẩn bị đổ bê tông. Tuyến đường dài gần 4,7km, mặt đường rộng 4,5m.
Ông Trương Hạo (71 tuổi) là người dân ở thôn này cho biết, để làm đường, 91 hộ dân thôn Thạnh Hòa 1 đã tự nguyện hiến 2053m2 đất ở, đất sản xuất, tường rào, cổng ngõ, cây cối… “Trước đây, thôn Thạnh Hòa 1 cũng đã có đường bê tông nhưng rất nhỏ, các loại xe tải nhỏ cũng không thể đi vào được nên rất khó khăn cho việc xây nhà, phát triển kinh tế.
Vì vậy, khi nghe địa phương có chủ trương xây dựng và mở rộng tuyến đường giao thông, gia đình tui đồng ý ngay, mặc dù tuyến đường đi qua đám ruộng của tui. Dù tuyến đường bê tông này làm mất hơn 100m2 đất ruộng của nhà tui, nhưng ngược lại nó sẽ giúp thay đổi bộ mặt nông thôn, giúp cho người dân quê tui có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình nên mọi người không chần chừ mà đều tự nguyện hiến đất làm đường”, ông Hạo vui vẻ nói.
Anh Trương Công Phương (36 tuổi) vừa hiến gần 60m2 đất và 25m tường rào để phục vụ cho việc mở rộng tuyến đường, cho hay, khi được Ban dân vận của xã Tam Đàn đến tuyên truyền về lợi ích của việc xây dựng và mở rộng tuyến đường giao thông, gia đình anh đã đồng ý hiến diện tích đất ở và hàng rào để phục vụ cho việc làm đường.
“Bây giờ để xây dựng lại được bức tường rào kiên cố như vậy tốn ít nhất cũng vài ba chục triệu đồng. Nhưng mà bà con ở đây làm sao thì mình vậy thôi. Hiến đất thì sau này mình có đường lớn để dễ dàng đi lại, bà con sản xuất nông nghiệp cũng sẽ thuận tiện hơn”, anh Phương bày tỏ.
Ông Hồ Văn Trị, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Đàn, xác nhận, khi có quyết định xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu tại thôn Thạnh Hòa 1, địa phương đã xây dựng phương án mở rộng tuyến đường giao thông của thôn, tiến hành họp dân để tuyên truyền và vận động người dân hiến đất làm đường. Toàn thôn Thạnh Hòa 1 có 265 hộ dân, trong đó có 91 hộ dân bị ảnh hưởng khi mở rộng tuyến đường giao thông nông thôn.
Ban đầu có một số hộ dân chưa đồng ý hiến đất vì lo ngại không có kinh phí xây lại tường rào mới. Nhưng sau nhiều lần vận động thì đa số người dân cũng đồng ý hiến đất làm đường. Địa phương cũng đã xây dựng phương án hỗ trợ kinh phí để các hộ dân bị ảnh hưởng tường rào, cổng ngõ sớm xây dựng lại…
Nói về sự lan tỏa phong trào hiến đất làm đường, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đánh giá rằng, các địa phương trong tỉnh đang trong giai đoạn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn đã trở nên khang trang, sạch đẹp nối liền các thôn, xã; xe ôtô có thể vào tận ngóc ngách xóm, làng. Để có được kết quả trên, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành địa phương, còn nhờ sự đồng thuận, tự nguyện hiến đất làm đường của người dân…