Làm gì để thoát hiểm khi ôtô khách cháy?

Chủ Nhật, 19/02/2017, 08:33
Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nửa đầu tháng 2, trên cả nước đã xảy ra gần 10 vụ cháy xe, đa phần là xe khách và xe tải. Nơi xảy ra vụ hỏa hoạn là tại các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và cao tốc. Để hạn chế tối đa sự cố cháy gây thiệt hại về người và tài sản, Cảnh sát PC&CC đã có những biện pháp phòng ngừa tại một số bến xe khách trên địa bàn.


Đầu tháng 2, vụ cháy xe khách đầu tiên là loại 42 chỗ (giường nằm, thuộc nhà xe Tây Nguyên) do anh Thái Văn Lợi làm lái xe, xuất phát từ Gia Lai đi Quảng Bình. Xe lưu thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh và đến đoạn qua xã Phước Xuân (huyện Phước Sơn), bất ngờ bốc cháy dữ dội; tài xế nhanh chóng hô hoán để hành khách thoát ra ngoài. Vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi toàn bộ chiếc xe.

Gần đây nhất xảy ra vào trưa 14-2, chiếc xe tải biển số Lào bốc cháy dữ dội khi lưu thông trên Đại lộ Thăng Long (xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Lái xe nhanh chóng cho xe vào lề và tung cửa tháo chạy ra ngoài. Phương tiện bị lửa làm hư hỏng phần cabin.

Tình huống giả định lái xe khách dùng bình bọt dập tắt đám cháy.

Theo Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội, hơn một nửa nguyên nhân cháy xe là do sự cố về điện, còn lại 20% do các yếu tố kỹ thuật, 15% do phát sinh bên ngoài như rơm rạ quấn vào bô và ngoài ra có các nguyên nhân như do sự bất cẩn của lái xe, cố tình bỏ qua những quy định về an toàn.

Để ngăn ngừa cháy xe, điều quan trọng nhất là ý thức của các chủ phương tiện. Nếu như chủ xe chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà xem nhẹ công tác đảm bảo an toàn kỹ thuật của phương tiện thì sự cố cháy xe vẫn sẽ còn tái diễn, tiềm ẩn nhiều rủi ro đến tài sản và tính mạng con người. Ngoài ra, chủ phương tiện cũng phải thường xuyên được tham gia tập huấn về PCCC và CNCH.

Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 8, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết, trước những thực trang cháy xe khách xảy ra liên tiếp trong thời gian qua đã gây thiệt hại về tài sản, hơn nữa còn gây mất an toàn giao thông. Phòng Cảnh sát PC&CC số 8 đã chủ động lên các kế hoạch tập huấn nâng cao kỹ năng CNCH, thoát nạn cho nhà xe và hành khách tại các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm và Công ty Xe buýt Thăng Long.

Anh Nguyễn Ngọc Xuân, một hành khách tâm sự: “Trước đây, chưa bao giờ tôi được chứng kiến, thực hành khi xảy ra cháy, nổ… Thấy lực lượng Cảnh sát PC&CC, tôi tưởng xe khách mình đang ngồi cháy thật. Lúc đầu cũng hoang mang nhưng sau được các anh hướng dẫn các kiến thức cơ bản khi xe khách gặp hỏa hoạn, tôi thấy rất cần thiết”.

Hành khánh chạy ra ngoài khi xảy ra cháy trên xe.

Mặc dù là tập huấn nhưng lực lượng chức năng không báo trước mà đưa ra những tình huống bất ngờ để nắm bắt xem phản ứng của lái xe cũng như hành khách. Thông qua đó, nâng cao khả năng chiến đấu của cả lực lượng làm nhiệm vụ lẫn hành khách đi xe. Sau đó, bằng những trực quan sinh động, các lực lượng CNCH sẽ hướng dẫn lái xe và hành khách kỹ năng thoát nạn an toàn.

Cùng với đó, lực lượng cứu hỏa đã phổ biến nhiều kỹ năng, biện pháp an toàn cho phương tiện chuyên chở nhiều hành khách để mỗi chuyến xe được an toàn trên cung đường.

“Đây là biện pháp tuyên truyền hiệu quả về công tác an toàn PCCC đối với người dân. Qua những đợt tập huấn, nhiều nhà xe đã nhận thức rõ trách nhiệm công dân về an toàn PCCC cũng như xác định rõ việc trang bị các trang thiết bị an toàn PCCC, dụng cụ phá cửa thoát nạn, cách hướng dẫn khách thoát nạn… cho phương tiện của mình” - Đại tá Châu cho biết thêm.

Trước tình hình phức tạp về an toàn PCCC tại các địa bàn cũng như trên các phương tiện ôtô, xe khách hay xảy cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa cháy, nổ như diễn tập PCCC cho lái xe và hành khách, còn đưa ra những khuyến cáo và cách xử trí khi xảy ra cháy, nổ xe.

Theo đó, khi phát hiện thấy có khói, nhiệt độ cao bất thường, mùi khét, người điều khiển xe cần bình tĩnh tắt khóa điện, đỗ, dựng xe ở lề đường xa nơi có nhiều người, nhiều chất dễ cháy. Khi cháy ôtô, cần tìm mọi cách để đưa người ra khỏi xe và chữa cháy.

Cần khóa ngay bình xăng nếu có thể (đối với các xe có thiết kế khóa xăng). Dùng bình chữa cháy, cát, nước để chữa cháy, đồng thời hô hoán để mọi người đến trợ giúp, gọi báo ngay cho Cảnh sát phòng cháy chứa cháy theo số điện thoại 114 hoặc cho Công an, chính quyền địa phương,... nơi gần nhất để phối hợp chữa cháy, điều tra xác định nguyên nhân, kịp thời có biện pháp xử lý.

Trường hợp không có khả năng dập tắt đám cháy cần nhanh chóng rời xa phương tiện đang cháy đến vị trí an toàn. Và quan trọng nhất, mỗi người dân cần phải tự giác nâng cao ý thức PCCC sẽ hạn chế được thiệt hại về người và tài sản. 

M.Hiền – X.Trường
.
.
.