Làm gì để sống chung với hạn, mặn

Thứ Hai, 14/03/2016, 08:52
Hiện toàn vùng ĐBSCL đang oằn mình đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử. Trong tình trạng “dầu sôi, lửa bỏng”, các bộ, ngành Trung ương và địa phương vùng đang bị ảnh hưởng đã đề xuất thực hiện hàng loạt giải pháp công trình mang tính chiến lược, lâu dài.

Song, từ thực tế nhiều công trình chống hạn, mặn từng được đầu tư tiền tỷ nhưng ít hoặc không phát huy tác dụng, các chuyên gia cảnh báo cần tính toán khoa học nhằm tránh lãng phí…

Tốn tiền tỷ để rồi chờ…“khai tử”!

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể nhìn nhận: “Trong điều kiện hiện nay, việc xây các cống, đập là cần thiết. Nguồn vốn ngân sách đầu tư cho xây dựng cơ bản vùng ĐBSCL không phải nhỏ nhưng cách làm hiện nay quá manh mún. Tỉnh nào cũng xây dựng hàng loạt công trình đê, cống thủy lợi nhưng chưa thể hiện được tính chất vùng”.

Một công trình cống bị “chết đứng” do thiếu vốn tại tỉnh Kiên Giang.

Sóc Trăng và Bạc Liêu là 2 tỉnh liền kề nhau. Trong khi Bạc Liêu cần lấy nước mặn nuôi trồng thủy sản thì Sóc Trăng lại cần nước ngọt để sản xuất lúa, trồng hoa màu. Tại Cà Mau, người dân vẫn bức xúc nhắc đến một số dự án thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt dù tốn khá nhiều tiền để đầu tư xây dựng nhưng kết cuộc, làm xong chỉ… để ngắm.

Dự án đầu tiên được nhắc đến là dự án âu thuyền Tắc Thủ đặt tại xã Khánh An, huyện U Minh và xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình. Công trình bê tông cốt thép, có hình chữ U với chiều dài 206m, chiều rộng âu thuyền là 14m. Đây là công trình thủy lợi có nhiệm vụ ngăn mặn xâm nhập, bảo vệ cho hơn 200.000ha đất thuộc vùng ngọt hóa. Vào thời điểm 14 năm trước, khi kinh tế đất nước còn khó khăn, với mức đầu tư trên 80 tỷ đồng, đây là công trình trọng điểm cấp vùng.

“Theo mục tiêu của dự án, âu thuyền Tắc Thủ có nhiệm vụ ngăn mặn xâm nhập từ phía Tây theo đường sông Ông Đốc, giữ ngọt trong mùa khô, tiêu úng vào mùa mưa kết hợp xả phèn đầu mùa mưa vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp và vùng U Minh nhưng từ 10 năm nay, nó không làm được nhiệm vụ đó. Thế là đi toi gần 80 tỉ bạc” – một cán bộ hưu trí xót xa.

Tương tự, dự án cống Cà Mau (đặt tại phường 4 và 5, TP Cà Mau) được đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng, với  mục tiêu hướng đến là ngọt hóa Quản lộ Phụng Hiệp. Từ ngày công trình này hoàn thành đến nay, ngành chức năng chỉ nhận được sự phàn nàn từ phía người dân, doanh nghiệp do “chẳng thấy lợi đâu, chỉ thấy sự bất tiện trong việc đi lại ngang đây”.

Đến thời điểm này, ngành chức năng tỉnh Cà Mau cũng khẳng định những công trình “tiên phong” vừa kể đã thật sự không hiệu quả khi nước ngọt của dòng Mê Kông thông qua sông Hậu không đủ sức đổ về tới Cà Mau. Sự tồn tại của âu thuyền Tắc Thủ và cống Cà Mau là không còn phù hợp, không cần thiết, rất cần phá bỏ để tránh gây cản trở dòng chảy, tạo thuận lợi trong phát triển giao thông đường thủy, phát triển sản xuất nông nghiệp.

Chỉ đầu tư những công trình cần thiết

Ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre – tỉnh chỉ còn 4 xã chưa bị nước mặn “tấn công”, cho biết hiện trên ba dãy cù lao của Bến Tre không có bất kì nơi nào có thể khoan được nước ngầm, cứ khoan xuống là mặn hoặc phèn không sử dụng được, kể cả cho tưới cây. Tỉnh đang cho đắp đoạn sông chỗ Thành Triệu và Cái Cỏ (Châu Thành) do đoạn này  lượng nước ngọt còn cao nhất.

Hiện có 40 xã của huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú phải mua nước ngọt của người dân giữ lại được dưới ao với giá từ 40.000 đồng đến 70.000 đồng/m3. Bến Tre đang cần tiền để làm 9 cống ở sông Hàm Luông và Cửa Đại để khép kín 2 cù lao Bảo và cù lao An Hóa. Ngoài ra, tỉnh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh xây dựng hồ chứa nước ngọt.

Ông Nguyễn Tiến Hải – Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, cần khẩn trương rà soát điều chỉnh quy hoạch sản xuất, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch khu vực rừng tràm U Minh Hạ, đưa nước ngọt về các tỉnh Nam Sông Hậu (trong đó có Cà Mau); tính toán quy hoạch đê sông, chống sạt lở cửa biển, bờ biển, nghiên cứu các giải pháp chống sạt lở đất. Chính phủ cần sớm cho chủ trương đầu tư hồ chứa nước ngọt trong khu vực Vườn Quốc gia U Minh Hạ theo quy hoạch để phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân kết hợp với phòng chống cháy rừng; sớm xây dựng các công trình ngăn mặn từ sông Cái Lớn, Cái Bé.

Tất cả các tỉnh ĐBSCL đang bị thiên tai hạn, mặn hoành hành cũng đã có hàng loạt kiến nghị, đề xuất Chính phủ quan tâm đầu tư hàng loạt công trình thủy lợi để ngăn mặn, giữ ngọt, phục vụ nhu cầu dân sinh.

Theo Bộ KH&ĐT, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các công trình thuỷ lợi theo Quy hoạch tổng thể thuỷ lợi ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng giai đoạn 2012-2030 khoảng 90.000 tỉ đồng, trong đó đã bố trí giai đoạn 2011-2015 khoảng 16.500 tỉ đồng, dự kiến giai đoạn 2016-2020 các nguồn đã rõ khoảng 31.000 tỉ đồng. Như vậy, nhu cầu tối thiểu đến 2030 cần khoảng 42.000 tỷ đồng, chưa kể nhu cầu vốn cho trồng rừng ngập mặn, bố trí dân cư, vốn bổ sung sau khi rà soát các quy hoạch vùng.

Thái Bình – Văn Vĩnh
.
.
.