Kiên quyết với việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Chủ Nhật, 10/01/2016, 09:16
Sau những nỗ lực đấu tranh với nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thời gian gần đây, tình trạng sử dụng các chất này đã có chiều hướng giảm mạnh.

Đặc biệt, nhờ sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an, hàng loạt cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi vi phạm đã bị xử lý thích đáng.

Tuy nhiên, để tiếp tục “truy quét” nạn sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, năm 2016 đã được Bộ NN&PTNT xác định nhiệm vụ trọng tâm vẫn là “tuyên chiến” với thực phẩm bẩn.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, thời gian gần đây, tình trạng sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi đã giảm đáng kể. Mới đây, Bộ NN&PTNT phối hợp với C49 tiến hành thanh tra, kiểm tra 100 mẫu nhưng chỉ phát hiện 1 mẫu vi phạm ở tỉnh Bắc Giang. Ông Việt cho biết, nguồn cung chất Salbutamol trái phép ra thị trường đã được khống chế khi cơ quan chức năng kiểm soát và bắt giữ được đường dây cung cấp.

Lực lượng chức năng kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong các trang trại chăn nuôi và hộ gia đình. Ảnh minh họa.

Suốt trong năm 2015, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVTP) liên tục nhức nhối với tình trạng sử dụng tràn lan chất cấm, đặc biệt là hai chất Salbutamol và chất vàng ô, những chất có khả năng gây ung thư cho con người. Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn biến phức tạp, xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phía Nam như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Bình Dương… và một số tỉnh, TP phía Bắc như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên. 

Qua nhiều đợt thanh, kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện 16% trong số các mẫu thịt bị kiểm tra có chất tăng trọng, tạo nạc; 7,6% trong số các mẫu thịt bị kiểm tra có dư lượng chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép. 

Qua thanh tra, nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi bị phát hiện có sử dụng chất cấm hoặc thừa nhận đã từng sử dụng một loại chất cấm nào đó. 

Các đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được trên 40 tổ chức, cá nhân; phát hiện và xử lý 18 công ty có hành vi vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính trên 2,6 tỷ đồng; đang điều tra, xử lý tiếp tục 5 thương lái, 2 lò mổ tập trung, 2 cá nhân có hành vi sử dụng chất cấm và một số công ty dược cung cấp chất cấm Salbutamol trái phép.

Theo ông Việt, ngoài chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, hóa chất tồn dư trong thủy sản chủ yếu là chất xử lý môi trường và kháng sinh để chữa bệnh cho động vật cũng rất “nhức nhối”. Người dân lạm dụng nên việc tồn dư chất độc hại trong thực phẩm nhiều. Tuy nhiên, ông Việt cho rằng, xử lý tận gốc khá phức tạp, bởi Salbutamol chủ yếu nhập chính ngạch nhưng chất kháng sinh và hóa chất lần này chủ yếu nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc. 

Sau nhiều vụ việc sử dụng chất cấm trộn vào thức ăn chăn nuôi bị xử lý, tình trạng này đã giảm đáng kể.

“Mặc dù vậy, chúng ta đã có kinh nghiệm trong chiến dịch thanh, kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi nên trong thời gian tới, tôi tin rằng chúng ta sẽ vẫn làm tốt việc thanh tra, kiểm soát các chất gây hại trên”, ông Việt cho hay. Trong tháng 1-2016 này, các đoàn kiểm tra liên Bộ sẽ tiếp tục lấy khoảng 150 mẫu và tổng kết để đánh giá trong đợt cao điểm tình hình có chuyển biến như thế nào. Tuy nhiên, định hướng của Thanh tra Bộ NN&PTNT là sẽ giảm bớt thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và tăng cường thanh kiểm tra đột xuất.

Gần thời điểm Tết Nguyên đán, bên cạnh chất cấm trong chăn nuôi, chất lượng thịt nhập khẩu cũng đang là mối lo ngại bởi đây là thời điểm, số lượng tiêu thụ loại thực phẩm này tăng đột biến, cũng là thời điểm các đầu nậu tập trung “tuồn” hàng nhập lậu vào trong nước. 

Theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), mặc dù giữa Việt Nam và Trung Quốc không nhập khẩu chính ngạch sản phẩm nội tạng cũng như gia cầm và sản phẩm gia cầm nhưng trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương đã phối hợp, bắt giữ nhiều lô hàng nội tạng hôi thối từ Trung Quốc và toàn bộ mặt hàng chủ yếu là hàng nhập lậu. 

“Nếu chỉ đánh vào lực lượng bốc vác hàng thuê thì không làm xuể và cũng không giải quyết được vấn đề. Theo tôi, quan trọng là phải điều tra ra các đường dây, đầu nậu”, ông Thành khẳng định.

Chi Linh
.
.
.