Kiểm soát chặt chất lượng thức ăn đường phố mùa lễ hội

Thứ Sáu, 15/02/2019, 08:30
Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trung bình mỗi ngày diễn ra khoảng 22 lễ hội. Điển hình là Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ) thu hút khoảng 7-8 triệu khách, Lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang) thu hút 2,5 triệu lượt khách, Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) thu hút khoảng 2 triệu lượt khách… 


Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong mùa lễ hội Xuân 2019, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm và các địa phương đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các lễ hội. 

Qua công tác kiểm tra cho thấy vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm. Đây chính là những nguy cơ tiềm ẩn gây ngộ độc thực phẩm trên quy mô lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân…

Còn nhiều vi phạm

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, tại Lễ hội Đền Sóc, huyện Sóc Sơn, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của thành phố đã tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại đây và đã phát hiện các vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm cần xử lý dứt điểm. 

Tại thời điểm kiểm tra, 3/9 cơ sở kinh doanh ăn uống tại khu vực Lễ hội Đền Sóc đều chưa xuất trình đầy đủ giấy tờ theo quy định. Đặc biệt có hộ kinh doanh ăn uống (bún, phở) không có tủ kính để thực phẩm chín; tủ bảo quản lạnh còn để lẫn thức ăn sống với nước uống dùng liền.

Các địa phương cần tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm mùa lễ hội Xuân 2019.

Đoàn kiểm tra thực hiện xét nghiệm 10 mẫu bát đựng bún, phở cho kết quả 2 mẫu bát chưa đạt yêu cầu; lấy mẫu xét nghiệm nhanh bún, phở đều không có hàn the; tương ớt không có phẩm màu. Đoàn đã lập biên bản xử lý những vi phạm theo quy định và yêu cầu Ban tổ chức Lễ hội Đền Sóc kiên quyết không để những cơ sở kinh doanh ăn uống không tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm hoạt động, ảnh hưởng tới sức khỏe du khách và nhân dân tham quan lễ hội đầu năm.

Tại lễ hội, Đoàn kiểm tra cũng đã lấy mẫu nước ăn và 1 mẫu rau xà lách, 1 mẫu rau cải tại bếp ăn của Trung tâm Quản lý di tích Đền Sóc để xét nghiệm và công bố kết quả trong thời gian tới. Theo đại diện Trung tâm quản lý di tích Đền Sóc, bếp ăn tập thể của Trung tâm có 3 nhân viên bếp, phục vụ hơn 120 suất ăn mỗi ngày…

Trước đó, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của Bộ Y tế đã kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa Lễ hội Xuân 2019 tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.

Kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, đoàn kiểm tra đã phát hiện 1 cơ sở sản xuất thực phẩm vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đoàn kiểm tra đã giao Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Ninh Thuận xử lý vi phạm theo đúng quy định.

Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm huyện Quang Bình (Hà Giang) đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các nhà phân phối, chế biến thực phẩm trên địa bàn huyện. Đoàn đã yêu cầu các cơ sở xuất trình những giấy tờ liên quan như: Giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm. 

Đoàn cũng tiến hành kiểm tra các sản phẩm như bánh kẹo, rượu bia, thực phẩm trong nước và nhập khẩu, hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác theo quy định; điều kiện bảo quản hàng hóa các cơ sở kinh doanh…

Qua công tác kiểm tra cho thấy, phần lớn các cơ sở kinh doanh đều chấp hành nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, một số cơ sơ vẫn vi phạm các lỗi như bảo quản thực phẩm không đúng quy định, để thực phẩm trực tiếp dưới nền đất, xi măng không có giá kệ, kinh doanh hàng hóa nhãn mác không rõ ràng. Đoàn đã tiến hành lập biên bản xử phạt đối với các cơ sở vi phạm và tiêu hủy tại chỗ các hàng hóa quá hạn theo đúng quy định của pháp luật…

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra

Theo thống kê của Bộ Y tế, dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, các cơ sở y tế trong cả nước đã tiếp nhận 3.738 trường hợp bệnh nhân đến khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn, trong đó 896 trường hợp được xác định là ngộ độc, say rượu, bia; 817 trường hợp khai do ngộ độc thức ăn tự chế biến. 

So với cùng kỳ Tết Mậu Tuất 2018, số ca khám, cấp cứu ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa giảm 14%, số ca ngộ độc (say) rượu, bia giảm 19% nhưng số ca ngộ độc thức ăn tự chế biến tăng 23%...

Trước thực trạng trên, để đảm bảo an toàn thực phẩm mùa Lễ hội Xuân 2019, tiếp tục thực hiện Kế hoạch của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa Lễ hội Xuân 2019, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong đã yêu cầu Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đà Nẵng, Bắc Ninh; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm tại các lễ hội, sự kiện lớn trên địa bàn trong mùa Lễ hội Xuân 2019.

Bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các lễ hội, sự kiện lớn trên địa bàn; bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố phục vụ nhân dân, du khách; lực lượng chức năng xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Các địa phương tiếp tục tham mưu cho Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm của tỉnh, thành phố triển khai Kế hoạch của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa Lễ hội Xuân 2019; báo cáo công tác bảo đảm an toàn thực phẩm mùa Lễ hội Xuân 2019 trước ngày 31-3-2019.

3 nhà hàng ở chùa Hương vi phạm an toàn thực phẩm

Ngày 14-2, Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm (ATTP) số 1 của TP Hà Nội do ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm Trưởng đoàn đã tái kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại Lễ hội Chùa Hương (huyện Mỹ Đức). 

Là lễ hội lớn nhất trong năm trên địa bàn Hà Nội, khu vực chùa Hương có gần 60 cơ sở kinh doanh thực phẩm nhưng đa phần là các cơ sở hoạt động thời vụ. Đoàn liên ngành số 1 đã kiểm tra thực tế 3 nhà hàng, qua đó phát hiện nhiều vi phạm về ATTP. Cụ thể, cả 3 nhà hàng được kiểm tra đều thực hiện bảo quản thực phẩm không đúng quy định, 2/3 nhà hàng vệ sinh bát ăn không đạt yêu cầu, 2/3 nhà hàng chưa xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm. 

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử lý vi phạm đối với 2 nhà hàng có nhiều vi phạm là nhà hàng Doanh Hạnh và nhà hàng Năm Thành. Tại nhà hàng Doanh Hạnh, qua xét nghiệm nhanh 10 mẫu bát thì có 9 bát rửa không sạch. Còn tại nhà hàng Năm Thành, tủ đựng những túi đá viên để chung thực phẩm sống. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu huỷ bỏ toàn bộ những túi đá này để tránh nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. (CL)

Nguyễn Bích Thủy
.
.
.