Không tiếc tiền mua thực phẩm sạch

Thứ Sáu, 13/05/2016, 12:06
Trước thực trạng thực phẩn “bẩn” đang tràn lan trên thị trường, trong thời gian gần đây, người dân Thủ đô Hà Nội đã đổ xô đến các địa chỉ chuyên cung cấp thực phẩm “sạch”, an toàn. 


Mặc dù giá cả của các mặt hàng thực phẩm này cao hơn so với thực phẩm bán trôi nổi, không nguồn gốc xuất xứ nhưng việc đảm bảo bữa cơm an toàn cho cả gia đình đã trở thành ưu tiên số một của người tiêu dùng.

Khoảng một tháng trở lại đây, gia đình chị Thu Loan, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã chuyển sang dùng các loại thực phẩm do cửa hàng Ecomart, số 8 ngõ 347 đường Hoàng Quốc Việt phân phối. Đây đều là các loại nông sản được canh tác hữu cơ với những tiêu chuẩn khắt khe như sử dụng phân bón tự nhiên, nhổ cỏ bằng tay, sử dụng côn trùng, các loại thảo mộc có ích… để kiểm soát sâu bệnh hại… và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng trên bao bì sản phẩm. 

Người dân chọn tìm mua các loại thực phẩm an toàn.

Chị Thu Loan cho biết: So với giá các loại rau củ đang bán tại các chợ thì rau củ, thịt ở đây có giá cao hơn gần gấp đôi. Như rau ăn lá có giá trung bình 30.000-40.000 đồng/kg; các loại rau thơm, xà lách là 50.000 đồng/kg, thịt lợn có giá từ 140.000 đồng/kg tùy loại, thịt bò là khoảng 320.000 đồng/kg… nhưng chị Loan không tiếc tiền bỏ ra để mua các loại thực phẩm “sạch” phục vụ mâm cơm gia đình hàng ngày. 

“Thông thường, mỗi tháng nhà tôi chỉ phải chi khoảng 1 triệu đồng tiền mua rau, củ nhưng khi sử dụng các loại rau an toàn chi phí sẽ lên khoảng 2 triệu đồng”, chị Loan chia sẻ.

Cùng suy nghĩ như chị Thu Loan, gia đình anh Nguyễn Hữu Cảnh ở phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội cũng đã chuyển hẳn sang sử dụng các loại rau củ quả được canh tác hữu cơ. 

Anh Cảnh cho biết: “Những loại rau hữu cơ nhìn bề ngoài không được mướt, non tươi như rau đang bán trên thị trường thậm chí là có bề ngoài xấu. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn yên tâm về chất lượng và độ an toàn mà những thực phẩm này mang lại vì đây đều là những sản phẩm đã có chứng nhận an toàn cũng như nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”. 

Hiện nay, địa chỉ được gia đình chị lựa chọn để mua thực phẩm là cửa hàng Tân Đạt, số 68 Linh Lang, một trong 19 địa chỉ bán rau an toàn trên địa bàn Hà Nội đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chứng nhận.

Người tiêu dùng sẵn sàng "dốc hầu bao" để được dùng thực phẩm sạch.

Là một trong những đơn vị cung cấp nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP cho thị trường Hà Nội, Công ty cổ phần Vietrap đầu tư thương mại, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đang liên kết các vùng sản xuất nông sản với diện tích hơn 600ha tại nhiều vùng miền từ Lào Cai, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Ninh Bình… 

Do được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nên những sản phẩm nông sản do Công ty Vietrap cung cấp có giá cao hơn giá nông sản đang bán tự do trên thị trường. Tuy nhiên, với việc người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi trong nhận thức về việc sử dụng các loại thực phẩm an toàn khiến cho nguồn cung cấp nông sản của công ty luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu”. 

Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Kinh doanh của công ty cho biết, nếu như cuối năm 2015, sản lượng nông sản cung cấp ra thị trường của công ty khoảng 1 tấn/ngày thì hiện nay đã lên con số 2,5-3 tấn/ngày. Là 1 trong gần 100 gian hàng đang được trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại Trung tâm triển lãm Nông nghiệp, đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội, trung bình mỗi ngày, sản lượng rau-củ-quả tiêu thụ của gian hàng do công ty mở ra đã lên đến 3-4 tạ. 

Cùng chung cảnh “cung không đủ cầu” là các sản phẩm nông sản FVF do Tập đoàn TH cung cấp. Anh Phạm Minh Ngọc, nhân viên kinh doanh thương hiệu nông sản FVF chia sẻ: Các sản phẩm nông sản sạch FVF hiện có mặt tại khoảng hơn 30 cửa hàng trên địa bàn Hà Nội và TP Vinh, Nghệ An. Sản lượng tiêu thụ nông sản ở cả 2 thị trường này là khoảng từ 4-6 tấn/ngày. 

Còn tại cửa hàng Ecomart tại số 8, ngõ 347 đường Hoàng Quốc Việt, khoảng mấy tháng nay, lượng khách cũng như lượng nông sản tiêu thụ tăng đáng kể so với trước đây. Trung bình mỗi ngày, cửa hàng tiêu thụ khoảng 1 tạ các loại nông sản được trồng theo phương pháp hữu cơ. 

“Khách mua hàng thường có thói quen đặt trước để tránh hết hàng vào cuối ngày”, chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, phụ trách cửa hàng cho biết.

Như vậy có thể thấy, người tiêu dùng hiện nay đã có những thay đổi tích cực trong việc chọn lựa và sử dụng các loại thực phẩm an toàn. Đây cũng là việc làm đồng nghĩa với việc tẩy chay, nói không với các loại thực phẩm “bẩn” trôi nổi, không nguồn gốc xuất xứ trên thị trường.

Người dân chọn tìm mua các loại thực phẩm an toàn.
Nguyễn Hương
.
.
.