Không thể nói xả lũ "đúng quy trình" khi chưa thông báo cho dân
- Hãy chung tay ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung
- Xác định rõ nguyên nhân sự cố vận hành hồ thủy điện Hố Hô
- Rơi nước mắt những hình ảnh từ tâm lũ9
Trong câu chuyện mưa lũ lịch sử ở miền Trung, bên cạnh yếu tố thiên tai còn có yếu tố nhân tai, mưa lớn kéo dài kết hợp thuỷ điện xả nước khiến lũ chồng lũ.
TS Đào Trọng Tứ - nguyên Phó Tổng thư kí Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam cho biết, khi thiết kế thuỷ điện, đặc biệt là thuỷ điện có hồ chứa, trong tiêu chuẩn thiết kế phải đưa yếu tố đảm bảo an toàn cho hạ du lên đầu tiên.
Ngay cả trong tình huống bất khả kháng, lũ lớn vượt quá thiết kế thì vẫn phải có biện pháp chống đỡ và phải thông báo cho địa phương để di dân trong tình huống khẩn cấp. Năm 2012, thuỷ điện Hố Hô và tỉnh Hà Tĩnh đã thống nhất, khi hồ xả lũ phải thông báo cho tỉnh trước 2 ngày.
"Nếu cần phải xả nước khẩn cấp, chủ hồ phải thông báo bằng loa để người dân có thể kịp sơ tán, di chuyển đồ đạc. Không thể xả đột ngột với lưu lượng lên tới 1.800m3/s như vậy. Càng không thể nói tôi phải xả nước, không xả thì đập tôi vỡ. Cách nói như vậy là vô trách nhiệm và vô lương tâm. Đúng quy trình mà để hạ du thiệt hại, có người chết thì không thể là quy trình đúng". – TS Tứ nói.
TS Đào Trọng Tứ cho rằng, việc thuỷ điện Hố Hô nói xả lũ "đúng quy trình" là trốn tránh trách nhiệm và vô lương tâm. |
Theo chuyên gia này, bản thân thiết kế của thuỷ điện Hố Hô đã "có vấn đề". Nó đặt trên dòng sông khá hẹp, hai bên là sườn núi, khiến dòng nước dồn rất lớn gây lũ đột ngột.
"Lẽ ra không nên xây dựng thuỷ điện trên địa hình như vậy. Nhà máy chỉ có 14 MW mà gây thiệt hại lớn như thế. Hạ lưu của Hố Hô lại rất đông dân. Bao nhiêu năm nay người dân hạ lưu luôn phải sống thấp thỏm. Năm 2015, sản lượng doanh thu của Hố Hố là 45 tỉ đồng nhưng đóng thuế có gần 2 tỉ, vậy nhà máy này mang lại lợi nhuận cho ai?" – TS Tứ nhấn mạnh.
"Nếu muốn điều tiết lũ thì phải làm hồ chứa rất lớn nhưng ai bỏ tiền ra làm cái đập to như thế, rất tốn kém. Hiện nay, mới chỉ có các đập thuỷ điện lớn, điều tiết nhiều năm mới có chức năng này, còn các đập thuỷ điện nhỏ, điều tiết theo mùa thì hầu hết vẫn chỉ có chức năng phát điện" – ông Quảng cho hay.
GS.TS Vũ Trọng Hồng – Chủ tịch Hội thuỷ lợi Việt Nam khẳng định, việc phát triển thuỷ điện là chủ trương đúng nhằm giải quyết nhu cầu năng lượng của quốc gia. Tuy nhiên, việc quy hoạch, xây dựng và vận hành các nhà máy thuỷ điện vẫn còn lỏng lẻo, khiến cho tài nguyên quốc gia rơi vào tay một số doanh nghiệp. Đáng ngại hơn, trong những năm gần đây đã xảy ra nhiều sự cố an toàn đập khiến người dân hạ du cảm thấy lo lắng, bất an. Trong mùa lũ, các thuỷ điện không khác gì các "quả bóng nước khổng lồ" treo lơ lửng trên đầu hàng vạn người dân.
"Cần có kế hoạch phòng ngừa thảm hoạ do thuỷ điện gây ra, đặc biệt là sự cố vỡ đập. Các phương án đối phó với tình huống khẩn cấp cũng cần được xây dựng và phổ biến công khai cho nhân dân vùng ảnh hưởng" – GS Hồng nói.
Theo GS Hồng, các con sông ở miền Trung đều ngắn và dốc. Điều này khiến cho việc xây dựng thuỷ điện khá dễ dàng, sản lượng điện cao nhưng lại gây mối nguy hiểm lớn cho hạ du.
Nhiều nơi ở Hà Tĩnh vẫn bị ngập sâu |
TS Tứ cũng nhấn mạnh rằng, khi đứng trước các thảm hoạ từ thiên nhiên, sẽ không có quy trình vận hành nào hoàn toàn tối ưu. Ngay cả việc vận hành liên hồ chứa cũng không đơn giản, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hệ thống giám sát, cơ chế hợp tác, tính chính xác của công tác dự báo, năng lực vận hành của nhà máy.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn sinh mạng cho người dân hạ du, điều quan trọng không kém còn là trách nhiệm, là lương tâm của chủ hồ.