Không phải ai nghỉ hưu sớm trước năm 2018 cũng có lợi
- Quy định mới về tuổi nghỉ hưu và kéo dài thời gian phục vụ trong CAND50
- Chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nghỉ hưu, xuất ngũ, chuyển ngành4
Thời gian hưởng lương hưu, mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) có gì thay đổi? Quỹ BHXH có mất cân đối trong thời gian tới không?... Đây là những vấn đề nóng đang được người lao động cả nước quan tâm. Chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” tuần này, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, xung quanh chủ đề này, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PV: Thưa ông, theo Luật BHXH năm 2014, cách tính tỷ lệ lương hưu từ năm 2018 sẽ như thế nào?
Ông Phạm Lương Sơn: Theo quy định hiện hành, lao động (LĐ) nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và đủ 20 năm đóng BHXH sẽ đủ điều kiện hưởng lương hưu. Trong đó, 15 năm đầu đóng BHXH được hưởng tỷ lệ lương hưu là 45%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, lương hưu được cộng 2% với nam và 3% với nữ cho đến khi đủ 75% (mức hưởng lương hưu tối đa).
Theo quy định của Luật BHXH (sửa đổi) năm 2014, từ ngày 1-1-2018, LĐ nữ nghỉ hưu có đủ 15 năm đóng BHXH sẽ được hưởng lương hưu ở mức 45%. Thêm một năm đóng BHXH được cộng 2%, tối đa không quá 75%. Như vậy, để đạt tỷ lệ 75% lương hưu thì LĐ nữ phải có đủ 30 năm đóng BHXH. Những LĐ nữ nghỉ hưu từ 1-1-2018 trở đi mà chưa đủ 30 năm đóng BHXH thì tỷ lệ hưởng lương hưu không đạt mức 75%.
Đối với LĐ nam thực hiện theo lộ trình: Năm 2018, quy định đủ 16 năm đóng BHXH được hưởng lương hưu ở mức 45%. Cứ thêm một năm đóng BHXH được cộng 2%. Có nghĩa là đủ 31 năm đóng BHXH mới được hưởng lương hưu ở mức 75%. Năm 2019, đủ 17 năm đóng BHXH, hưởng 45%; đủ 32 năm đóng, hưởng 75%. Năm 2020, đủ 18 năm đóng BHXH, hưởng 45%; đủ 33 năm đóng, hưởng 75%. Năm 2021, đủ 19 năm đóng BHXH, hưởng 45%; đủ 34 năm đóng, hưởng 75%.
Từ năm 2022 trở đi, đủ 20 năm đóng BHXH hưởng 45%; thêm một năm đóng BHXH được cộng 2%; và tối đa cũng không quá 75%. Như vậy, từ năm 2022, LĐ nam có đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng lương hưu 75%.
Ông Phạm Lương Sơn. |
PV- Như ông vừa cho biết thì công thức tính lương hưu có sự thay đổi theo nguyên tắc "đóng-hưởng"? Vậy đâu là lý do thưa ông?
Ông Phạm Lương Sơn: Trước đây, tiền lương hưu của người về hưu được tính theo công thức, đủ 15 năm đóng BHXH tương ứng với mức hưởng 45%. Tuy nhiên, thực chất của 15 năm đóng này chỉ tương đương với 38%, có nghĩa là Nhà nước phải hỗ trợ, bù thêm cho NLĐ 7% để đạt mức lương hưu 45%.
Năm 2006, Quốc hội ban hành Luật BHXH và bắt đầu thực hiện quan điểm đổi mới, cải cách hệ thống chính sách BHXH. Theo đó, BHXH đang hướng đến mục tiêu thực hiện nguyên tắc “đóng- hưởng”, “đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít”- một nguyên tắc cơ bản của chính sách BHXH, đảm bảo cân đối, công bằng giữa trách nhiệm và quyền lợi của người tham gia.
Công thức tính lương hưu phải đảm bảo, tuân thủ nguyên tắc “đóng- hưởng” theo một lộ trình phù hợp. Tính đến năm 2016, mức đóng BHXH bắt buộc là 22% (trong đó chủ sử dụng 14% và NLĐ 8%) thì tổng toàn bộ tiền lương hưu của cả chủ sử dụng lao động và NLĐ cũng chỉ tương đương 39,6% (22%/tháng x 12 tháng trong vòng 15 năm), nghĩa là 15 năm cũng chỉ tương ứng với 39,6% nhưng công thức tính lương hưu vẫn giữ nguyên mức hưởng là 45%. Ngân sách Nhà nước không thể bù đắp để chi trả cho quỹ BHXH. Nhà nước chỉ bảo hộ khi có biến cố xảy ra để bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân.
Mặt khác, ở Việt Nam hiện nay, tỉ lệ đóng BHXH hưu trí đang là 22% (NLĐ đóng 8% và chủ 14%), tuy nhiên mức hưởng hiện lên tới 75% trong quá trình 25 năm đối với LĐ nữ và 30 năm đối với nam. Tính ra tỉ lệ hưởng lương hưu của nam là 2,5%/1 năm đóng BHXH, nữ 3%/1 năm. Trong khi trung bình của các nước trên thế giới, tỉ lệ là 1,7%.
Như vậy, thay đổi công thức tính lương hưu là một xu thế tất yếu vừa để hoàn thiện chính sách pháp luật, vừa để hướng tới đảm bảo nguyên lý thực hiện chính sách BHXH. Điều này sẽ tiếp tục được điều chỉnh từng bước theo lộ trình: Đến năm 2025, với những NLĐ bắt đầu tham gia BHXH, thì đến 2045, sau 20 năm, NLĐ cả ở khu vực công lẫn khu vực tư, đủ tuổi nghỉ hưu, khi đó tiền lương hưu sẽ tính bình quân cả quá trình. Đây là thể hiện sự công bằng, minh bạch và chính sách BHXH luôn đi theo nguyên tắc "đóng- hưởng".
Do đó, sau ngày 1-1-2018, có thể một bộ phận NLĐ dù nghỉ hưu đúng tuổi nhưng chưa đạt tỉ lệ hưởng lương hưu ở mức đối đa 75% (do thiếu năm đóng BHXH). Để bù lại, mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đã được Chỉnh phủ điều chỉnh tăng liên tục trong nhiều năm qua.
Đối với LĐ thuộc khu vực Nhà nước sau 22 năm (từ năm 1995 - 2017) đã điều chỉnh lương tối thiểu chung (lương cơ sở) 15 lần, tăng 10,83 lần (từ 120 nghìn đồng lên 1 triệu 300 nghìn đồng); khu vực ngoài nhà nước, sau 10 năm (giai đoạn 2008- 2017) đã điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo 4 vùng 10 lần. Cụ thể, vùng 4 tăng 4 lần (từ 650 nghìn đồng lên 2 triệu 580 nghìn đồng), vùng 1 tăng 4,7 lần (từ 800 nghìn đồng lên 3 triệu 750 nghìn đồng).
PV- Người lao động chọn nghỉ hưu sớm trước năm 2018 có được hưởng lợi hơn so với nghỉ hưu sau năm 2018 không, thưa ông?
Ông Phạm Lương Sơn: Người lao động muốn nghỉ hưu sớm, ngoài điều kiện quy định về độ tuổi, số năm đóng BHXH còn phải giám định sức khỏe. Hiện nay, một số NLĐ (có thời gian đóng BHXH từ 20 năm trở lên) chưa đủ tuổi nghỉ hưu nhưng có tâm lý muốn giám định y khoa để đủ điều kiện nghỉ hưu trước năm 2018.
Việc NLĐ ra Hội đồng giám định y khoa để kiểm tra, xác định có suy giảm sức lao động hay không, đều có quy trình, quy định cụ thể. Không phải NLĐ cứ muốn là có thể về hưu sớm trước tuổi. Tuy nhiên, NLĐ cần cân nhắc thiệt hơn, bởi nghỉ hưu trước năm 2018 thì sẽ bị trừ 2% lương hưu cho mỗi năm nghỉ trước tuổi. Trong khi đó, nếu tiếp tục đóng BHXH thêm 1 năm thì tỷ lệ lương hưu cũng tăng tương ứng 2%.
Rõ ràng, về hưu trước tuổi trong năm 2017 sẽ được hưởng lương hưu theo mốc 15 năm đóng BHXH được hưởng 45% nhưng sẽ bị trừ tỷ lệ % tương ứng với số năm nghỉ trước tuổi. Do đó, chưa hẳn ai nghỉ hưu sớm trước năm 2018 cũng có lợi hơn so với nghỉ hưu từ năm 2018 trở về sau, nhất là so với khi nghỉ hưu đúng tuổi.
PV- Theo ông, việc thực hiện điều chỉnh tỉ lệ hưởng lương hưu theo số năm đóng BHXH sẽ tác động thế nào đến quỹ BHXH?
Ông Phạm Lương Sơn: Việc điều chỉnh tỉ lệ hưởng lương hưu theo số năm đóng BHXH sẽ có tác động giúp cân bằng và ổn định lâu dài đối với quỹ BHXH. Một trong những mục tiêu mà BHXH Việt Nam đang thực hiện là làm thế nào để quỹ hưu trí ổn định, bền vững lâu dài.
Chúng tôi đang tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giao dịch điện tử và trong tương lai không xa, NLĐ có thể tự kiểm tra về trách nhiệm đóng của mình, quyền lợi của mình và sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình thực hiện Luật BHXH một cách hoàn thiện hơn, tích cực hơn.
Theo chính sách hiện thời (tính đến trước 1-1-2018), NLĐ nữ 55 tuổi với 25 năm đóng, nam 60 tuổi, 30 năm đóng được hưởng 75% lương hưu thì toàn bộ số tiền đóng BHXH cũng chỉ chi trả được trong vòng 9-10 năm, trong khi kỳ vọng sống của người dân là 20 năm. Vì vậy, chúng ta phải có những thay đổi nhưng theo lộ trình để cân đối hài hòa; NLĐ, người sử dụng lao động có trách nhiệm hơn để giảm bớt phần chênh lệch giữa trách nhiệm đóng góp và quyền lợi được hưởng.
Chúng ta đang hướng tới sàn an sinh xã hội và sàn lương hưu để tất cả người về hưu mức hưởng thấp nhất cũng có thể bảo đảm cuộc sống và ai đóng cao hơn thì được hưởng cao hơn...
PV- Xin trân trọng cảm ơn ông !
PV- Hiện nay, trên một số phương tiện thông tin đại chúng cũng như có dư luận cho rằng muốn được hưởng lương hưu ở mức 75%, NLĐ phải đóng BHXH thêm 5 năm nữa. Điều này có đúng không, thưa ông? Ông Phạm Lương Sơn: Không phải tất cả NLĐ đều phải đóng thêm 5 năm nữa mới được hưởng 75% lương. Đơn cử, nếu NLĐ tốt nghiệp đại học năm 22 tuổi, vì lý do nào đó vài năm sau mới ổn định việc làm và 25 tuổi bắt đầu tham gia BHXH. Khi nghỉ hưu, nếu là nữ 55 tuổi vừa vặn có thời gian đóng BHXH 30 năm, còn nam là 60 tuổi cũng vừa đủ 35 năm đóng BHXH. Do đó, NLĐ đều đạt mức hưởng lương hưu 75%. Đặc biệt, với LĐ phổ thông đi làm từ 18 tuổi thì thời gian đóng BHXH còn kéo dài hơn cho đến tuổi nghỉ hưu. Như vậy, việc đóng thêm chỉ xảy ra với một số NLĐ vì lý do nào đó đi làm muộn, tham gia BHXH khi đã cao tuổi. Với những người tham gia vào thị trường lao động muộn thì sẽ phải tiếp tục đóng thêm để đảm bảo công bằng, theo nguyên tắc "đóng- hưởng", nhằm nhận được lương hưu ở mức tối đa 75%. |