Khốn khổ vì khí thải nhà máy gạch

Thứ Ba, 16/08/2016, 08:25
Kể từ khi đi vào hoạt động (2003), năm nào Công ty TNHH Toko Việt Nam (xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) cũng phải đền bù cho người dân vì khói lò làm hư hỏng hoa màu. Đáng ngại hơn, khí thải của nhà máy đang làm gia tăng nhanh tỉ lệ mắc bệnh viêm phổi, viêm phế quản ở trẻ em và người già.


Nhà máy tự ý chuyển đổi công nghệ

Ông Cao Văn Long – Chủ tịch UBND xã Tân Quang cho biết, khi xin giấy phép, công ty nói sử dụng công nghệ đốt ga, tuy nhiên thực tế vận hành lại là công nghệ đốt than kíp lê. Mỗi ngày, nhà máy sản xuất 36.000m² gạch, tiêu thụ gần 200 tấn than kíp lê. Nằm giữa khu dân cư, khói nhà máy ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân các thôn Chí Trung, Mộng Đà, Bình Lương. Những ngày trời mưa hoặc thời tiết có sương mù, khói bị nén xuống, gây mùi rất khó chịu. Bức xúc trước khí thải của nhà máy, người dân xã Tân Quang đã nhiều lần tập trung khiếu kiện.

"Từ đầu năm đến nay công ty đã đền bù hơn 200 triệu, vẫn còn một đợt nữa chưa giải quyết. Đó mới chỉ là thiệt hại về hoa màu, còn ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân không thể nào đo đếm được. Chúng tôi rất lo ảnh hưởng lâu dài tới sức khoẻ. Than kíp lê cực kì độc, chỉ ngửi mùi khói than thôi đã không thở nổi" – ông Long nói thêm. Một điều kì lạ là, nhiều lần cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu khí thải thì kết quả phân tích đều đạt chuẩn.

Nhà máy gạch Toko xả khói bất kể ngày đêm.

"Tôi không hiểu cái quy chuẩn ấy thế nào, khả năng là quy chuẩn của mình đơn giản quá. Khói chúng tôi nhìn thấy, mùi chúng tôi ngửi thấy, hoa màu thì đều đã chết, không thể nói là khí thải đạt chuẩn" – ông Long bức xúc. Anh Nguyễn Huy Tòng – Bí thư chi bộ thôn Chí Trung cho biết, trong mùa hè, thay vì mở cửa để đón gió đông nam cho mát thì các hộ dân đều phải khoá kín cửa để tránh khói lò. Nhiều trẻ em, người già ở thôn Chí Trung đều bị ho, triệu chứng viêm phổi, viêm phế quản. "Nhà máy đều đền bù cho thiệt hại về hoa màu nhưng chúng tôi không muốn nhận đền bù nữa. Chúng tôi không muốn bỏ ruộng, chỉ mong nhà máy khắc phục ô nhiễm khí thải. Hệ thống dây chuyền, công nghệ của họ như thế nào thì chúng tôi không nắm được. Chúng tôi ngửi thấy mùi than mà họ cứ bảo khí hoá lỏng. Nhà tôi cũng không trồng được cây gì. Còn hơn sào ruộng đang phải bỏ không. Nhiều nhà cũng phải bỏ ruộng, cứ cấy là lúa táp hết. Thôn này chỉ còn khoảng 30 mẫu đất nông nghiệp thôi. Chúng tôi rất muốn đối thoại với lãnh đạo nhà máy" – anh Tòng cho biết. 

Gần 150 doanh nghiệp bao vây khu dân cư

Mặc dù không có đường quốc lộ chạy qua nhưng xã Tân Quang có đến gần 150 doanh nghiệp đóng trên dịa bàn. Dù có số lượng doanh nghiệp rất lớn nhưng đến nay xã Tân Quang vẫn chưa có khu xử lí nước thải. Hầu hết nước thải của các cơ sở đều đổ ra kênh mương nông nghiệp rồi ra sông Kiên Thành, sông Đình Dù. Các con sông này đều đã đen đặc, bốc mùi hôi thối do phải tiếp nhận nguồn chất thải quá lớn.

Ông Nguyễn Huy Lập – nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Quang khẳng định: "Tất cả các nơi đều trông chờ vào công nghiệp để phát triển kinh tế nhưng lại không tính được những thiệt hại về môi trường. Tân Quang không được hưởng bất cứ cái gì từ doanh nghiệp dù có số lượng doanh nghiệp rất lớn". Về việc gây ô nhiễm của Công ty gạch Toko, ông Lập bày tỏ: "Có lần, chúng tôi đi cùng đoàn thanh tra của Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Hưng Yên đến làm việc còn phải ngồi đợi ở phòng bảo vệ, giám đốc công ty vẫn ở Hà Nội. Họ không coi lãnh đạo xã ra gì đâu. Nghe nói lãnh đạo công ty là "người nhà" của lãnh đạo tỉnh".

Ông Nguyễn Quang Thích, người có thâm niên gần 40 năm tuổi Đảng ở thôn Chí Trung cho rằng, việc đặt nhà máy gạch ở giữa trung tâm khu dân cư là việc làm sai lầm.

"Lúc nhà máy vào địa phương thì quỹ đất vẫn còn rất nhiều, có thể đưa nhà máy ra xa khu dân cư. Nhưng lúc đó chính quyền địa phương đã không sáng suốt, không lường hết được ảnh hưởng của việc đốt than đối với môi trường. Gần đây, nhiều trẻ em của thôn bị viêm phế quản, viêm phổi. Cháu tôi tháng nào cũng 3-4 lần đi khám vì bị ho liên tục. Tỉ lệ mặc bệnh ung thư cũng tăng cao. Thôn có gần 20 trường hợp đang bị mắc bệnh nghiêm trọng. Không chỉ vậy, có khoảng 60-70% số giếng khoan không thể thấy nước. Trước đây chỉ cần khoan 50m đã thấy nước thì nay khoan sâu xuống 80m cũng không thấy nước đâu do nhà máy gạch làm suy giảm nước ngầm. Hoa màu thiệt hại thì được đền bù rồi nhưng nay mai một người ngã xuống vì bệnh tật thì ai chịu trách nhiệm?" – ông Thích nhấn mạnh.

Khói than từ nhà máy gạch vẫn xả ra môi trường bất kể ngày đêm. Chính quyền địa phương cũng bất lực vì không có tiếng nói. Người dân xã Tân Quang vẫn phải từng ngày đối mặt nguy cơ bệnh tật mà không biết kêu ai.

Khánh Vy
.
.
.