Khóc, cười cùng hoa, cây kiểng Tết (kỳ cuối)

Thứ Tư, 07/12/2016, 10:21
Tình trạng “thừa hàng dội chợ” ở phiên chợ hoa cuối năm tại TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương luôn là nỗi “ám ảnh” của nhà nông cũng như cơ quan chức năng. Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh nghiên cứu kỹ thuật trồng, xử lý ra bông, người trồng hoa kiểng tại ĐBSCL đã tìm tòi và đặc biệt “nhạy” hơn với nhu cầu của thị trường vốn không năm nào giống năm nào…

Điều này cũng là tín hiệu đáng mừng bên cạnh những thiệt hại và lo lắng do “thiên tai, nhân tai”… trước vụ hoa Tết năm nay.

“Nhạy” hơn để không bị… “dội chợ”

Với truyền thống trồng hoa trên giàn, năm nay nhà vườn ở làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) sẵn sàng cung ứng hơn 3 triệu giỏ hoa các loại cho thị trường trong nước dịp Tết Dinh Dậu với những loại hoa truyền thống, chủ lực như: cúc, đồng tiền, đỗ quyên, hoa hồng leo…

Chị Hoàng Nga (ngụ khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc, Đồng Tháp) - một trong những chủ vườn mạnh dạn đầu tư trồng các loại hoa mới, cho biết: “Nhiều năm nay, thị hiếu của người chơi hoa ngày càng được nâng cao. Nhà vườn cập nhật kiến thức, mua cây mới về trồng rồi đặt các tên gọi mang đến niềm vui, nhiều may mắn cho gia chủ vào năm mới, nên các loại tên như: anh tiền, bạch mã hoàng tử, cỏ may mắn, củ huệ tiên, trúc mai, bách hợp, phi yến, chu đỉnh lan, hương thảo, cúc huân chương... bán khá chạy”.

Nhiều nghệ nhân ở “vương quốc hoa kiểng” Chợ Lách (Bến Tre) đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng cho việc tạo hình cảnh gà phục vụ thị trường.

Tránh tình trạng “thừa hàng dội chợ”, giờ đây nông dân ĐBSCL không sản xuất ồ ạt hoa Tết.

Ông Nguyễn Văn Công (nghệ nhân Năm Công, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách), cho biết: “Năm nay, các loại cây cảnh tạo hình con gà được đặt hàng nhiều nhất. Tới thời điểm này, cơ sở đã giao cho khách 15 cặp hình con gà. Tuy biết thị trường đang hút mặt hàng này, nhưng làm cây cảnh đòi hỏi phải dài thời gian, cây giống tốt và tốn nhiều công. Chính vì thế, vườn nhà tôi hiện chỉ còn khoảng 15 cặp cảnh gà nữa dành để sát Tết mới bán. Từ cây gừa tàu, tôi có thể uốn thành hình 12 con giáp. Năm cầm tinh con gì thì con đó sẽ là chủ đạo được khách hàng đặt mua nhiều nhất. Năm nay, mỗi con gà cao hơn 1 mét với khoảng 30 cây gừa ghép lại có giá trên 1 triệu đồng”.

Ông Công kể, theo quan niệm dân gian, gà là con vật biểu trưng cho sự đầm ấm, quây quần, sung túc nên khách hàng thích đặt hàng nguyên bầy, gồm: gà trống, gà mái và vài gà con đem về nhà trồng trong sân vườn, trước nhà để được nhiều may mắn.

Tại Đồng Tháp, loại cảnh quýt hồng trồng trong chậu của nông dân Lưu Văn Ràng (xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung) đang ở tình trạng “làm không kịp bán” dù có giá từ 2 – 4 triệu đồng/chậu.  Theo ông Ràng, năm nay thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nên việc xử lý để cây quýt hồng ra bông, đậu trái và giữ trái không bị rụng đòi hỏi nhiều kỹ thuật trong việc chăm sóc cây và công thức bón phân, phun thuốc. Tính đến thời điểm hiện tại, 140 chậu quýt hồng của gia đình đã được đặt mua hết.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Lai Vung, hiện trên địa bàn huyện Lai Vung có khoảng 10 hộ trồng quýt hồng trong chậu bán Tết. Mỗi hộ trồng từ 100 – 300 chậu. Tuy nhiên, do nhu cầu loại cảnh chưng Tết này của người dân chưa nhiều (giá còn cao) nên ngành chức năng khuyến cáo người dân không nên mở rộng quy mô và số lượng cung cấp ra thị trường Tết.

Theo Phòng Kinh tế TP Sa Đéc (Đồng Tháp), hiện tổng diện tích trồng hoa, kiểng trên địa bàn thành phố là 485ha, trong đó chỉ có 100ha trồng các loại hoa, cây cảnh phục vụ thị trường Tết. Diện tích gieo trồng hoa Tết có phần hạn chế là do nông dân trồng hoa, cây cảnh nhận thấy nếu tập trung vào vụ Tết thì chắc chắn sẽ gặp khó, sẽ “dội chợ”. Vì lẽ đó, nhiều nông dân chỉ sản xuất hoa, cây cảnh trang trí nội thất, phục vụ công trình với quỹ thời gian cung ứng sản phẩm kéo dài, không bị tình trạng “tồn hàng, chết vốn”.

Bà Nguyễn Thị Bé (chủ cơ sở hoa cảnh tại phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc), cho biết: “Thị trường hoa cảnh Tết là món mồi ngon nhưng đầy sự may rủi. Năm nay, gia đình tôi tập trung sản xuất các loại hoa phục vụ trang trí nội, ngoại thất và công trình cây xanh… chỉ trồng một số ít hoa Tết bán cho vui”.

Bà Bé còn cho biết thêm, để tránh tình trạng “dội chợ” nông dân sản xuất hoa, cây cảnh phần lớn đã ký hợp đồng “mua đứt, bán đoạn” với các thương lái vào khoảng thời gian từ mùng 10 đến 20 tháng Chạp. “Dù rằng lãi ít đi một chút nhưng không còn phải chịu cảnh mất ăn mất ngủ khi theo dõi chuyển biến từng phiên chợ những ngày giáp Tết” – bà Bé phân trần.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Trưởng phòng Kinh tế TP Sa Đéc, cho biết: “Vụ hoa Tết năm nay vô cùng bất lợi cho bà con nông dân khi mùa mưa kết thúc trễ, nhưng nắng thì gay gắt. Điều này đã làm hàng ngàn giỏ hoa của bà con bị chết do thối rễ và một số bệnh khác. Trước diễn biến thất thường của thời tiết, bà con nên chú ý bón phân thuốc đúng theo hướng dẫn của nhà chuyên môn, không nên bón theo cách truyền thống. Đặc biệt, với những hộ dân trồng hoa có điều kiện nên làm nhà mát và lắp đặt hệ thống phun sương tự động để khi gặp thời tiết nắng nóng, mưa dầm thì không phải lo lắng nhiều như hiện nay”.

Để tránh trường hợp “dội chợ” ở thị trường hoa cảnh Tết, Phòng Kinh tế TP Sa Đéc (Đồng Tháp) cho biết không khuyến khích người dân trồng hoa Tết ồ ạt, mà nên rải đều các sản phẩm trong năm, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

Ngoài ra, để hỗ trợ tốt cho nông dân trồng hoa, trong chương trình khuyến nông Quốc gia, đơn vị đang tiếp tục triển khai 3 mô hình có triển vọng phát triển tốt trong thời gian tới, gồm: mô hình trồng hoa ly (đã chuyển cho bà con 5.000 củ trồng thử nghiệm mùa hoa Tết này); mô hình trồng hoa hồng leo (700 cây) và mô hình trồng ớt cảnh…

Trần Lĩnh
.
.
.