Khóc, cười cùng hoa, cây kiểng Tết

Thứ Ba, 06/12/2016, 08:50
Những ngày qua, nông dân trồng hoa, kiểng phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 tại các tỉnh phía Nam tất bật bước vào giai đoạn “nước rút” tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất cung ứng cho thị trường. Thế nhưng, không như mọi năm, thời tiết trước Tết Nguyên đán năm nay khá bất thường, cộng với chi phí sản xuất đội lên cao khiến cho nhiều nông dân chỉ biết ngậm ngùi.


Kỳ 1: Nhiều vùng trồng hoa chịu chung số phận

Chưa Tết, mai đã bung cánh

Không chỉ tại các vùng trồng mai trọng điểm của miền Tây Nam Bộ (Báo CAND ngày 4-12 đã có bài viết phản ánh) mà tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng này cũng đã xảy ra khiến nhiều nhà vườn dở khóc, dở mếu.

Sáng 4-12, có mặt tại làng mai Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức – nơi bị thiệt hại nặng nhất của TP Hồ Chí Minh trong đợt triều cường vừa qua, chúng tôi ghi nhận, cả làng mai đều chung tâm trạng… ngậm ngùi khi nhìn vườn mai tiêu điều, xác xơ, lá rụng, hoa mai đã bung cánh; nhiều cây mai đã ra lá non giống như sau Tết.

Người dân miền Tây đang tất bật chuẩn bị vào mùa hoa Tết.

Ông Trần Văn Tu, tổ 7, khu phố 4, phường Hiệp Bình Phước, cho biết gia đình ông có 3000m² đất trồng gần 1.000 gốc mai vàng. Trước những đợt triều cường vừa rồi, sợ bị ảnh hưởng như năm ngoái, hộ ông cùng khoảng 10 hộ trồng mai gần đó xúm nhau đắp bao bờ đê để bảo vệ vườn mai. Nhưng chẳng ai ngờ mưa lớn quá nên nước không thoát ra ngoài được gây ngập gốc mai. Đang giai đoạn siết nước, nay gặp nước mưa nên vườn mai của bà con đã bung cánh nở gần hết. Thiệt hại không phải chỉ năm nay mà còn ảnh hưởng đến cả năm sau bởi có rất nhiều gốc mai cỡ trung bị thối rễ, chết úng. Giờ có trồng cây mai con thì cũng không kịp cho mùa vụ năm sau. “Coi như xong!”, ông Tu buồn bã nói.  

Cùng chung hoàn cảnh như gia đình ông Tu, gia đình anh Nguyễn Thanh Bảo đang ngày đêm lo không biết lấy tiền đâu ra để trang trải chi phí trả khoản nợ gần 500 triệu ngân hàng đầu tư cho vườn mai. 

Anh Bảo buồn rầu chia sẻ, trước đây gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, được địa phương quan tâm hỗ trợ cho vay vốn làm ăn, dần dà kinh tế đã ổn định hơn. Khoảng 2 năm về trước, gia đình anh mạnh dạn vay ngân hàng để có vốn trồng 100 chậu mai trong diện tích 1.000m², dự tính sẽ bán dịp Tết Đinh Dậu 2017 để gia đình có tiền đáo hạn ngân hàng. Nhưng không ngờ mưa lũ, triều cường vừa qua đã đẩy gia đình anh vào cảnh khốn khó. Cũng như các hộ khác trong khu vực, vườn mai của anh 70% đã nở hoa. 

“Tới đâu hay tới đó thôi! Năm nay những người làm mai chậu coi như mất trắng luôn”, anh Bảo buồn bã nói.

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông TP Hồ Chí Minh, chỉ riêng vụ vỡ đê, tràn bờ bao làm ngập cục bộ vào ngày 17-11 vừa qua đã gây thiệt hại cho người trồng mai Hiệp Bình Phước khoảng 1ha, với hơn 7.700 cây mai bị ảnh hưởng. Người trồng mai tại quận 9 và quận 12, cũng trong tình trạng điêu đứng vì đợt triều cường giữa tháng 10 âm lịch. Hơn 10.000m2 với hơn 8.000 gốc mai của 40 hộ nông dân bị chìm trong nước, gây thiệt hại nặng nề.

Méo mặt vì… “thiên tai, nhân tai”

Không phải chỉ do thời tiết cực đoan, người trồng hoa còn đối mặt với những thiệt hại do chính con người gây ra. Tại xã Long Thới, huyện Chợ Lách (Bến Tre), hàng chục hộ dân bị thiệt hại khoảng 1,7 tỷ đồng với hơn 17.000 chậu hoa cúc mâm xôi và cúc Hà Lan do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không phù hợp. 

Chi phí sản xuất cho vụ hoa, kiểng Tết đội lên cao, đặc biệt là phân rơm.

Cụ thể, sau khi sử dụng thuốc Ali33 (Công ty KAWAFUJI CO.LTD) trên cây cúc mâm xôi và cúc Hà Lan thì có hiện tượng vàng lá. Bà con lập tức tưới nước xả thuốc và phun thuốc giải độc nên cây đã xanh trở lại. Tuy nhiên, sau đó cây có hiện tượng phát triển không bình thường, đọt không thể ra hoa được.

Bến Tre là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do đợt hạn, mặn đầu năm 2016. Chính vì vậy các vườn cây, hoa cảnh, như quất, mai vàng, cúc… của địa phương này phát triển không đồng đều. Nhà vườn dự đoán chất lượng hoa kiểng năm nay sẽ không đạt được như ý muốn. 

Ông Nguyễn Văn Thảnh (ngụ ấp Phú Long, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách), cho biết, sau đợt xâm nhập mặn, hơn 3.000 chậu quất chuẩn bị phục vụ cho thị trường Tết của gia đình đã bị thiệt hại một nửa. Số còn lại dù đã được chăm sóc, bón phân kĩ lưỡng nhưng việc đậu trái không đều, khiến cho chậu quất không được “đẹp mắt” như mọi năm.

Riêng đối với mai vàng, ông Nguyễn Văn Liệt (chủ một cơ sở kinh doanh mai vàng xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách) cho biết nước mặn xâm nhập hồi đầu năm khiến trên 100 cây mai vàng của gia đình ông phát triển chậm lại. “Sau đợt hạn, mặn, tôi đã cố rửa mặn nhưng không còn khả năng phục hồi lại như mọi năm được. Trồng mai Tết rất khó vì phụ thuốc rất nhiều vào thời tiết, kỹ thuật chăm sóc nhưng cả năm trông chờ vào vụ Tết duy nhất. Năm nào thời tiết bất lợi, mai trổ sớm hoặc muộn là xem như mất mùa”, ông Liệt bộc bạch.

Thời tiết bất lợi khiến bà con trồng hoa Tết như “ngồi trên lửa” vì tỷ lệ hoa hao hụt tăng, cộng thêm đó là chi phí sản xuất “đội” lên cao khoảng 50% so với mọi năm. 

Lão nông Lê Thành Chiến (ngụ phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc, Đồng Tháp) – người có hơn 40 năm trồng hoa Tết, ngao ngán: “Không năm nào như năm nay, chi phí nào cũng tăng vùn vụt. Đã vậy nắng mưa lại thất thường, sâu bệnh phát triển mạnh. Đặc biệt phân rơm (nguyên liệu chính để sản xuất hoa, cây cảnh) năm nay tăng khoảng 30% so với năm trước. Hiện tại, giá phân rơm là 70.000 đồng/bao (25kg). Giá cao nhưng nếu không cẩn trọng lựa chọn nguồn gốc phân rơm là tiền mất, tật mang”.

Ông Võ Minh Thông, Chủ tịch UBND phường Tân Quy Đông, cho biết tổng diện tích trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn phường là 270ha, trong đó có 30ha trồng hoa, cây phục vụ Tết. Năm nay bà con trồng hoa Tết gặp nhiều khó khăn về thời tiết nên hoa hao hụt trên địa bàn phường từ 30 – 40%, số hoa bị hư tập trung nhiều ở các loại hoa cúc, một số ít là hoa hồng… Chi phí sản xuất hoa Tết năm nay đều tăng.

Để chuẩn bị phục vụ Tết năm nay, nông dân TP Hồ Chí Minh đã dành trên 332ha trồng mai và 443.198 chậu mai; trên 183ha trồng hoa lan, trên 280.000 chậu lan Mokara và Dendrobium; trên 44ha trồng hoa nền và gần 565.000 chậu, kiểng, bonsai. Tại quận 12, Tết năm nay có thêm một số loại hoa từ Đà Lạt như hoa ly, cát tường. Một số hoa đã xuống giống, hoa vạn thọ thì người dân đã bắt đầu gieo trồng…
Hải Âu – Trần Lĩnh
.
.
.