Khó khăn trong việc khắc phục sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long

Chủ Nhật, 02/07/2017, 12:00
Thời gian qua, sạt lở bờ sông, bờ biển tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra hết sức phức tạp và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Thống kê sơ bộ của ngành chức năng,  ĐBSCL có gần 500.000 hộ dân cần di dời nhưng đến thời điểm hiện nay, số hộ dân được di dời không nhiều do thiếu kinh phí, thiếu quỹ đất và cả những giải pháp liên quan đến sinh kế hàng ngày.

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), ĐBSCL có trên 500 điểm sạt lở. Mỗi năm, ĐBSCL mất hàng trăm ha đất bờ sông, bờ biển. Thời gian qua, nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra ở vùng biển như: Gành Hào (Bạc Liêu), Đất Mũi (Cà Mau); bờ sông Vàm Nao (An Giang) và bờ sông Hậu (Đồng Tháp)…

Hàng nghìn hộ dân đang gặp khó khăn về nơi ở, trong khi đó, các địa phương đang gặp khó về vốn đầu tư xây dựng cụm tuyến dân cư bố trí cho người dân bị ảnh hưởng. Cùng với đó, là kế sinh nhai của hàng chục ngàn hộ dân.

Ghi nhận tại Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long… sạt lở bờ sông ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Từ năm 2005-2016, chiều dài dòng chính sông Tiền qua địa phận Đồng Tháp có đến 101km bị sạt lở (khoảng 80% so với tổng chiều dài dòng chính).

Về diện tích đất sạt lở, mất tổng cộng 291ha đất do nước cuốn trôi. Thiệt hại do sạt lở đất, nhà cửa và di dời dân ước tính 320 tỷ đồng…

Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, Đồng Tháp xảy ra hàng chục vụ sạt lở tại các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, thị xã Hồng Ngự, huyện Cao Lãnh, tổng diện tích sạt lở 5.924m². Khu vực ấp Bình Hòa (xã Bình Thành, huyện Thanh Bình) sạt lở nghiêm trọng và ảnh hưởng nặng nhất.

Toàn tỉnh Đồng Tháp có 4.077 hộ nằm trong vành đai sạt lở (cự ly từ 0 - 60m), trong đó có 2.440 hộ dân (cự ly từ 0 - 30m) thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố nằm trong khu vực đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao xảy ra bất cứ lúc nào.

Huyện Hồng Ngự có 850 hộ, Thanh Bình 790 hộ, Tam Nông 200 hộ, thị xã Hồng Ngự 100 hộ,  TP Cao Lãnh 100 hộ, huyện Cao Lãnh và Châu Thành có 200 hộ.

Vụ sạt lở xảy ra tại huyện Chợ Mới (An Giang), khiến hàng chục căn nhà trôi sông.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, địa phương đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ trên 82 tỷ đồng để xây dựng 11/29 cụm tuyến dân cư giai đoạn 2016 - 2020, di dời được 2.090 hộ dân có nguy cơ cao nằm trong vành đai sạt lở.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc xây dựng các cụm, tuyến dân cư gặp khó khăn do thiếu kinh phí, tiến độ rất chậm. Còn sạt lở vẫn liên tục diễn ra, nhất là vào mùa mưa lũ.

Còn tại An Giang, có 51 đoạn sông cảnh báo có nguy cơ sạt lở, với tổng chiều dài 162km/400km đường bờ sông (chiếm 40%). Trong 162km cảnh báo, có 15 đoạn dài khoảng 30km có khả năng sạt lở cao, ảnh hưởng đến sự an toàn của 20.000 hộ dân.

Riêng vụ sạt lở ngày 22-4 vừa qua tại xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới) đã khiến hàng chục căn nhà trôi xuống sông, buộc di dời khẩn cấp 107 hộ dân. Hơn 2 tháng, kể từ khi xảy ra vụ sạt lở, đến nay nhiều hộ dân vẫn sống tạm bợ do khu tái định cư đang chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Anh Tiến – Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Biển phân tích: “Khu vực bờ và mái lòng dẫn sông Tiền đang diễn biến rất phức tạp và không ổn định. Trong đó, những tuyến lạch sâu đang có chiều hướng tiến sát gần bờ, mái dốc cân bằng tự nhiên của lòng sông giảm đi, dòng sông xuất hiện nhiều hố xoáy có độ sâu cao hơn mức bình thường và rất nguy hiểm.

Do đó, vào thời điểm chuyển mùa, mưa lũ, sẽ rất dễ xảy ra tình trạng sạt lở. Ngoài ra, việc khai thác khoáng sản ở khu vực thượng nguồn sông cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình hình sạt lở ở ĐBSCL”.

Văn Vĩnh
.
.
.