Khắc phục sự cố xì miệng cống, bảo vệ an toàn 150ha lúa tại “rốn” lũ

Chủ Nhật, 26/08/2018, 11:17

Ngày 26-8, Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn (An Giang) cho biết, đến tối qua (25-8), lực lượng chức năng của xã Lạc Quới và bà con nhân dân đã khắc phục xong vụ xì miệng cống đôi bắc qua tuyến đường N1 cặp kênh Vĩnh Tế, bảo vệ an toàn 150 ha lúa vụ Thu – Đông.


Đây là diện tích lúa được bà con nông dân ở ấp Vĩnh Phú (xã Lạc Quới) được hơn 50 ngày tuổi.

Trước đó, vào khoảng 15h ngày 25-8, người dân thăm ruộng phát hiện miệng cống đôi bắc qua tuyến đường N1 cặp kênh Vĩnh Tế thuộc ấp Vĩnh Phú bị xì. Nguyên nhân do trước đây bà con chỉ bịt miệng cống bằng đất tạm bợ, hiện nay do mực nước đang lên nhanh, áp lực nước trên kênh Vĩnh Tế (bên ngoài miệng cống) rất lớn nên làm xì miệng cống, nước tràn vào cánh đồng, đe dọa 150 ha lúa vụ 3.
Các lực lượng chức năng cùng nhân dân khắc phục sự cố xì cống.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng và phương tiên để gia cố lại miệng cống và triển khai phương án bơm rút nước ra ngoài cứu lúa.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, hiện mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh. Mực nước cao nhất ngày 24-8, trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,81m dưới báo động II là 0,19m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 3,33m dưới báo động II là 0,17m, cao hơn cùng kỳ năm 2017 từ 0.55-0.72m.

Dự báo, trong những ngày tới, mực nước khu vực đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu, Châu Đốc lên nhanh. Đến ngày 31-8, mực nước cao nhất ngày trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng ở mức 4,1m, trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 3,6m, trên báo động II 0,1m, sau đó mực nước biến đổi chậm.

Khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên trên kênh Vĩnh Tế tại Xuân Tô mực nước tiếp tục lên chậm, đến ngày 31-8, mực nước cao nhất ngày có khả năng ở mức 3,65m trên báo động II là 0,15m; trên kênh Tri Tôn lên mức 1,90m, dưới báo động I là 0,10m. Vùng hạ lưu sông Cửu Long mực nước lên nhanh, đến ngày 31/8, mực nước cao nhất ngày trên rạch Ông Chưởng tại huyện Chợ Mới ở mức 3,05m; trên sông Hậu tại thành phố Long Xuyên ở mức 2,55m, trên báo động III 0,05m.

Theo ông Lưu Văn Ninh, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, trước tình hình lũ diễn biến phức tạp và có khả năng lên cao, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao, nhất là các khu vực có hệ thống đê bao xung yếu. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3; các địa phương trong tỉnh An Giang đang huy động nhiều nguồn lực để gia cố các đê bao, cống bọng để bảo vệ diện tích sản xuất lúa. Hiện nay, do nước lũ đổ về mạnh và có khả năng tiếp tục dâng cao, tỉnh An Giang đã sẵn sàng phương án xả lũ đập Tha La và Trà Sư ở vùng đầu nguồn, nếu mực nước cao hơn 3,8m.

Sở NN&PTNT An Giang vừa có công văn gửi Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, TP Cần Thơ và UBND các huyện: Châu Phú, Châu Thành, Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn, TP Long Xuyên và TP Châu Đốc về vận hành mở đập Tha La- Trà Sư để kiểm soát lũ.

Theo đó, nhằm bảo vệ an toàn trong vận hành công trình, an toàn sản xuất và dân sinh, chủ động bảo vệ sản xuất vụ Hè -  Thu, đảm bảo sản xuất vụ Thu - Đông năm 2018 và Đông -   Xuân 2018-2019, Sở NN&PTNT An Giang dự kiến lịch vận hành mở cụm công trình kiểm soát lũ biên giới (đập Tha La và Trà Sư) vào ngày 3-9-2018.

Để thống nhất chung trong việc vận hành công trình trong vùng Tứ giác Long Xuyên, Sở NN&PTNT An Giang đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang và TP Cần Thơ đóng góp ý kiến về ngày vận hành xả đập; đề nghị UBND các huyện, thành phố trong vùng có báo cáo về tình hình thực trạng trên địa bàn. Thời gian nhận văn bản phản hồi đến hết ngày 27-8.




Trần Lĩnh
.
.
.