Vui, buồn “Mùa nước nổi” miền Tây: Học cách sống chung với lũ

Thứ Năm, 23/08/2018, 09:29
“Đã thành quy luật, cứ đến chu kì giáp một năm, con nước lại về. Hình ảnh “Mùa nước nổi” đẹp mê hoặc lòng người. Nhưng cuộc sống vùng này khó lắm, con cá ngày càng ít đi, dân bám trụ lại thì không sống được. Đi thì không đành. Đào tạo nghề thì cũng chẳng ăn thua vì khó có nghề phù hợp về vùng đất chỉ có lúa và nước…” - nông dân Năm Gô nói buâng quơ trên chiếc ghe câu giữa đồng nước Phú Hội, huyện An Phú (An Giang).


Sinh kế cho người ngèo

Cánh đồng ngoài đê bao ở huyện đầu nguồn lũ An Phú (An Giang) rộng hàng trăm héc-ta đã ngập trắng. Người dân ở xã Phú Hữu tận dụng những thân cây ớt, ngô, mè chất thành đống (còn gọi là ụ), dẫn dụ chuột vào kiếm thêm thu nhập trước khi chuyển sang mùa đánh bắt. Dù cách bẫy chuột đơn giản nhưng mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân vùng lũ cũng như hạn chế được tình trạng chuột cắn phá mùa màng.

Ông Phạm Nghĩa Thành (ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu), một trong những hộ dân chuyên làm nghề dỡ chà chuột, cho biết: “Cứ hễ xong vụ lúa hè thu là các hộ dân nơi đây lại chất các cây hoa màu, cỏ khô thành đống để dẫn dụ chuột. Mỗi hộ chất từ 2-3 đống vừa kiếm chuột ăn vừa để bán kiếm thêm thu nhập. Ở đây có anh em nhà Ba Đạt, Ba Thình nổi tiếng vùng biên với hàng chục năm bắt chuột bằng phương pháp này. Có năm kiếm dăm ba chục triệu bỏ túi ngon lành”. 

Trẻ em xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (An Giang), trên những chiếc cầu khỉ.

Một đội quân dỡ chà khoảng 3-5 người với bộ đồ nghề gồm lưới cước (dài 30m, cao 1m), xẻng đào đất, lọp bao lưới sắt…

Trước tiên các thành viên trong đội mở cuộn lưới cước bao quanh đống chà, kế đến là đắp đất đè chân lưới, sau đó đưa lọp sắt có hom vào một góc lưới. Nói về cách thức đặt lọp sao cho chuột tự động chui vào đỡ tốn công bắt, ông Thành chia sẻ: “Sau khi bao lưới xong, lọp được đặt vào một góc lưới nhưng phải chừa cửa để chuột chui vô. Lọp chỉ cần chừa lỗ nhỏ, phủ ít cỏ trước miệng và đậy xung quanh nhìn sao cho thật phức sẽ dễ bắt gọn”. Mỗi ụ chà, nhóm của ông Thành bắt từ 10 – 20kg chuột…

Tại các cơ sở chuyên sản xuất dụng cụ đánh bắt thủy sản cặp quốc lộ 80 (thuộc xã Long Hậu, huyện Lai Vung), các công nhân đang tất bật sản xuất ra nhiều sản phẩm kịp cung cấp ra thị trường. Các sản phẩm như lưới, dớn, lú,… sản xuất tăng gấp đôi so với ngày thường.

Mỗi ngày, cơ sở sản xuất lưới của anh Ngô Phúc Lộc, sản xuất ra hàng trăm tay lưới, mỗi tay lưới có giá từ 120.000 đến 200.000 đồng. Anh cho biết, hiện có khoảng 40 nhân công làm việc tại cơ sở hoặc lãnh sản phẩm về nhà làm ra công để đẩy nhanh tiến độ sản xuất, kịp phục vụ thị trường trong mùa nước lũ. Còn tại làng nghề đóng ghe xuồng Long Hậu, đã hình thành hơn 100 năm, không khí làm việc tại các cơ sở khá tấp nập.

Thời điểm này, không khí sản xuất kinh doanh tại làng nghề đan lưới Thơm Rơm (phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), trở nên nhộn nhịp, sôi động hẳn lên. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh ngư cụ thuê thêm nhân công làm việc cả ban đêm để chuẩn bị nguồn hàng sẵn sàng phục vụ nhu cầu tăng cao của thị trường.

So với 5 năm trước, hiện giá bán nhiều loại ngư cụ vẫn ổn định, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng. Theo nhiều tiệm lưới, năm nay giá thuê nhân công và một số nguyên liệu phục vụ sản xuất ngư cụ đã tăng gần 10% so với năm trước, nhưng nhiều cơ sở vẫn giữ ổn định định giá bán sản phẩm để giữ chân khách hàng và mong muốn tăng lợi nhuận từ việc tăng số lượng hàng sản xuất và bán ra.

Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, làng nghề đan lưới Thơm Rơm hiện có 30 hộ tham gia sản xuất chính và gần 316 hộ tham gia gia công cho các hộ sản xuất chính, tập trung ở khu vực Tân Lợi 1 và khu Tân Lợi 2, phường Tân Hưng. Làng nghề Thơm Rơm đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 700 lao động chuyên nghiệp và khoảng 500 lao động thời vụ trên tổng số 2.251 lao động của 2 khu vực. Doanh thu hằng năm của làng nghề từ 40 - 45 tỷ đồng, góp phần đáng kể giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

 Nỗi lo cùng con nước lớn

Năm nay, lũ sớm nên con đường chuẩn bị đến trường của các em vùng lũ An Giang, Đồng Tháp gặp không ít khó khăn. Cha mẹ phải đi đặt dớn bắt cá trên đồng nên có em phải tự mình bơi xuồng đến lớp. Ông Nguyễn Văn Định (xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, An Giang), lo lắng: “Nước lớn và chảy xiết quá, dù đứa con trai lớn đã biết bơi nhưng do đường đến trường bị nước ngập nên rất nguy hiểm. Còn đứa nhỏ thì chưa biết gửi đâu. Nếu không gửi được thì 2 vợ chồng phải một người ở nhà giữ con”. Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện An Phú, trên địa bàn có 263 học sinh của 7 đơn vị trường học thuộc 2 xã Vĩnh Hội Đông và Phú Hữu bị ảnh hưởng lũ.

“Đối với các em học sinh từ Campuchia sang Việt Nam học (tập trung ở xã Khánh An và thị trấn Long Bình), chủ yếu là qua sông Bình Di, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trường học tiến hành rà soát, nắm tình hình việc đi lại của học sinh và báo cáo để có hướng hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời” - ông Lê Văn Nắng, cán bộ Phòng GD&ĐT huyện An Phú nói.

Trong mùa nước lũ, ngành Giáo dục An Giang bố trí 35 điểm giữ trẻ của 14 xã, thị trấn với hơn 1.000 trẻ, tạo điều kiện cho các gia đình an tâm lao động, sản xuất. Bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang cho biết, đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục-Đào tạo vùng đầu nguồn lưu ý theo dõi mực nước sông Cửu Long, khi nước lên quá cao gây nguy hiểm cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học thì phải tính toán linh hoạt cho học sinh tạm nghỉ học…

Ông Lê Minh Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú (An Giang) cho biết, trên địa bàn đã đầu tư xây dựng 41 cụm, tuyến dân cư vượt lũ, với tổng số nền cơ bản trên 6.400 nền và hiện đã đưa hầu hết các hộ dân vào sinh sống.

“Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, nhu cầu về nhà ở tại các cụm tuyến dân cư của các hộ dân sống trong khu vực sạt lở cần di dời còn rất cao, nhưng kinh phí địa phương thì không đủ để thực hiện. An Giang có khoảng 21.000 căn nhà cất cạnh các con sông, con rạch. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sạt lở ở địa phương ngày càng gia tăng.

Đồng Tháp chịu tác động mạnh của tình trạng sạt lở đất, do là tỉnh đầu nguồn có vị trí tiếp giáp với sông Tiền và sông Hậu. Vừa qua, tại xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, nhiều đoạn đê bao đã bị sạt lở do nước lũ lên nhanh, kết hợp với mưa lớn. Việc sạt lở gây khó khăn cho việc đi lại của người dân và rút nước sạ sớm cho vụ đông xuân. Những ngày qua, do triều cường lên cao và sóng vỗ nên hiện đã có hơn 20 hộ dân bị ảnh hưởng. Nhiều vết nứt ăn sâu vào nhà dân, có đoạn sụt lún vào sâu hơn 5m.

Theo khảo sát sơ bộ, khu vực này có gần 60 hộ đang sinh sống trong vùng sạt lở, trong đó có hơn 20 hộ đang trong vùng nguy cơ sạt lở cao. Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp Đồng Tháp còn 5.978 hộ dân đang sinh sống trong vành đai sạt lở, cần phải di dời đến nơi ở mới an toàn. Trong đó, có 2.440 hộ cần phải di dời khẩn cấp và đang có đề án xây dựng thêm 12 cụm, tuyến dân cư để di dời khẩn cấp các hộ dân khỏi vành đai sạt lở nguy hiểm.

Lượng phù sa ngày càng ít đi, trong khi sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra hết sức nghiêm trọng, ngày càng gay gắt hơn. Vùng ĐBSCL hiện có 562 điểm/786km sạt lở. Trong đó, bờ sông có 513 điểm/520km, bờ biển có 49 điểm/266km. Cùng với đó là tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, gia tăng dân số, lượng tàu bè, phát triển hạ tầng ngày càng nhiều ở ven sông, kênh rạch, ven biển cũng dẫn đến xói lở diễn ra ngày càng phức tạp hơn.
Nhóm PV ĐBSCL
.
.
.