Kéo điện lưới lên biên giới Quảng Nam - bao giờ đến nhà dân?

Thứ Bảy, 10/03/2018, 09:47
Tháng 3-2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt dự án đầu tư cấp điện nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó có việc cấp điện cho các xã biên giới Chơm, Axan, Gari, Trhy của huyện Tây Giang.

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020, tháng 3-2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt dự án đầu tư cấp điện nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó có việc cấp điện cho các xã biên giới Chơm, Axan, Gari, Trhy của huyện Tây Giang. 

Đến giữa năm 2015, công trình cấp điện cho các xã biên giới huyện Tây Giang được triển khai, do Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. 

Theo kế hoạch, cuối năm 2016, công trình cấp điện lên các xã biên giới này được hoàn thành và người dân vùng biên giới sẽ được sử dụng nguồn lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, dù kế hoạch là vậy, song đến nay, các xã biên giới của huyện Tây Giang vẫn chưa có điện lưới. 

Về vấn đề này, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành công trình cấp điện cho các xã biên giới huyện Tây Giang. 

Gần đây nhất, trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa qua, ông Thu cũng đã chỉ đạo phải dứt khoát hoàn thành đóng điện cho người dân biên giới Tây Giang để họ vui xuân đón Tết cổ truyền trong ánh sáng điện lưới, song công trình tiếp tục chậm tiến độ.

Dù các công - tơ điện ở xã Chơm đã được hoàn thành, song đến nay các hộ dân vùng biên giới này vẫn chưa có điện lưới quốc gia.

Ông Hồ Đắc Vinh, Chủ tịch UBND xã Chơm, huyện Tây Giang, cho biết từ trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất, khi được tin điện lưới quốc gia sẽ về, người dân địa phương rất đỗi vui mừng. Hệ thống công - tơ điện, đường dây điện cũng đã được ngành Điện lực đấu nối vào nhà người dân, song điện lưới vẫn chưa được cấp về cho xã. 

Theo ông Vinh thì xã Chơm hiện có 380 hộ dân, nếu tính các xã khác là Gari, Trhy, Axan thì số hộ dân đang mong ngóng điện lưới từng ngày lên con số hàng ngàn hộ. Việc không có điện lưới đã khiến đời sống xã hội của người dân vùng cao biên giới này chưa được cải thiện nhiều.

Ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, phân trần sở dĩ công trình cấp điện lưới lên các xã biên giới của huyện Tây Giang bị chậm trễ tiến độ là do địa bàn vùng biên giới hiểm trở, gây khó khăn cho công tác thi công. 

Ngoài ra, nhiều ki-lô-mét đường dây phải đi xuyên qua rừng phòng hộ nên việc giải quyết các thủ tục gặp rất nhiều khó khăn. Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình, chủ đầu tư đã có buổi làm việc với đơn vị thi công và có thể chỉ trong vòng vài tuần nữa sẽ hoàn thành đấu nối điện lên các xã biên giới huyện Tây Giang. 

Trong khi đó, ông Hồ Viết Hà, Phó Trưởng ban quản lý dự án công nghiệp Quảng Nam thuộc Sở Công Thương, thông tin thêm đến nay thì các trạm biến áp, công - tơ điện, đường dây hạ thế thuộc công trình cấp điện lên các xã biên giới huyện Tây Giang đã được hoàn thành. 

Duy chỉ có 4km đường dây trung thế trong tổng số 20km đường dây nối từ xã Lăng lên xã Trhy là chưa được hoàn thành. Chủ đầu tư đã yêu cầu đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành 4km đường dây trung thế này trong tháng 3 để đến đầu tháng 4-2018 sẽ thực hiện đóng điện.

Ngọc Thi
.
.
.