"Kẻ hủy diệt" phía sau làn khói trắng

Thứ Sáu, 05/04/2019, 09:43
Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, thông tin này đã được nhiều cơ quan truyền thông, báo chí đăng tải. Thế nhưng, dường như chưa thấy hết được hệ lụy khôn lường đi kèm với nó, nhiều người vẫn mê mẩn với làn khói trắng. Thuốc lá gây hại cho sức khỏe thế nào, hậu quả khôn lường của nó ra sao? Phóng viên Báo CAND đã tìm hiểu thực tế về vấn đề này.

Dạo qua các tuyến phố, nơi công cộng, không khó để thấy hình ảnh người nhà bệnh nhân phì phèo thuốc lá. Làn khói trắng được nhả ra từ những cái miệng đang chu lên vì khoan khoái. Hình ảnh này một lần nữa cảnh báo về những nguy cơ gây hại cho sức khỏe người trực tiếp hút thuốc lá cũng như người hít phải khói thuốc thụ động.

Trong thuốc lá có nhiều độc chất gây hại sức khỏe (ảnh minh họa).

Theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác. Nhìn vào báo cáo năm 2010 của Tổng hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy, khói thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Một số chất độc hại điển hình trong khói thuốc lá gồm: Nicotine là một chất gây nghiện có trong thuốc lá, được hấp thụ vào máu và ảnh hưởng đến não bộ trong khoảng 10 giây sau khi hút vào.

Sau mỗi lần hít một hơi thuốc lá, nicotine gây tăng nhịp đập của tim, co thắt mạch máu ở tim, tăng mạch và huyết áp. Cơ quan Kiểm soát dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng đã xếp Nicotine vào nhóm các chất có tính chất dược ký gây nghiện mạnh, tương tự heroin và cocain. Khi nicotine trong khói thuốc gắn kết thụ thể nicotine trên các tế bào thần kinh tại “trung tâm thưởng” ở hệ viền não bộ, các hóa chất trung gian dẫn truyền thần kinh được phóng thích gây ra một loạt phản ứng hóa học tạo ra nhiều tác động tâm thần kinh như cảm giác sảng khoái, vui vẻ, tăng hoạt động nhận thức v.v..

Hay như khí CO trong khói thuốc lá khi hấp thụ vào máu sẽ gắn kết rất chặt với hemoglobine trong hồng cầu, làm giảm khả năng vận chuyển ôxy của hồng cầu, giảm nồng độ ôxy trong máu, làm máu đặc hơn và làm tăng gánh nặng cho tim. 

Bên cạnh đó, khí CO góp phần hình thành các mảng xơ vữa động mạch, đồng thời làm suy giảm sự hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và điều chỉnh cơ thể, liên quan đến bệnh tim, đột quỵ và các vấn đề tuần hoàn khác.

Đáng chú ý, hiện nay, nhiều người hút thuốc lá còn chủ quan với “kẻ thù” số 1 có trong thuốc lá đó là chất PAH – một loại chất gây ung thư tìm thấy trong dầu diezen và sản phẩm đốt cháy khác. Đây là chất rất dễ khiến người sử dụng mắc bệnh ung thư phổi v.v… 

“Kẻ hủy diệt” ẩn mình trong làn khói thuốc lá, hậu quả nhãn tiền là vậy, thế nhưng, dường như chưa thấy hậu quả, chưa sợ, nhiều người vẫn “lao” vào thuốc lá giống như… con thiêu thân. Để rồi khi nhập viện, sức khỏe bị tổn hại nhận ra thì đã quá muộn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện kịp thời. Điều tra tại Bệnh viện K – Hà Nội, vào năm 2000, tỷ lệ bệnh nhân bị ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. 

Bên cạnh đó, nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế vào năm 2011 cũng cho thấy, tỷ lệ bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá gây ra chiếm đến 12% tổng gánh nặng bệnh tật ở nam giới tại Việt Nam. Thực tế này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về “kẻ hủy diệt” phía sau làn khói trắng – thuốc lá.

Trần Huy
.
.
.