Họp báo thông tin về vụ cháy xưởng bánh kẹo làm 8 người thiệt mạng
Ông Đỗ Đức Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, vào khoảng 10h30 sáng cùng ngày, UBND huyện nhận được thông tin về vụ cháy. Nơi xảy cháy là xưởng sản xuất bánh, sô-cô-la ở thôn Thượng Thụy, xã Đức Thượng do anh Nguyễn Văn Được (25 tuổi, trú tại Long Xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội) làm chủ.
Xưởng bánh rộng 170 m2 nhưng chỉ có một cửa duy nhất hướng ra Quốc lộ 32. “Ngay khi nhận thông tin, chúng tôi đã xử lý nhanh, yêu cầu tất cả các lực lượng, các cơ quan liên quan của huyện đến hiện trường, tập trung xử lý. Các lực lượng phối hợp với lực lượng phòng cháy chữa cháy tổ chức bảo vệ hiện trường, dập lửa, cứu người mắc kẹt đưa đi cấp cứu. Hơn 3 tiếng đồng mới chữa cháy xong.” - ông Trung thông tin.
Hiện trường vụ việc |
Theo thông tin ông Trung cung cấp, xưởng sản xuất trên được cấp phép kinh doanh năm 2016. Lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã đập cửa sau, cứu được 3 người bị thương. Tuy nhiên, một trong 3 nạn nhân được đưa đi cấp cứu đã tử vong tại bệnh viện. Hai nạn nhân còn lại sau khi được sơ cứu đã được chuyển đến Viện Bỏng Quốc gia tiếp tục cứu chữa.
“Sau khi rà soát toàn bộ khu vực xảy ra hỏa hoạn, xác định không còn người nào mắc kẹt bên trong, chúng tôi bàn giao lại cho đơn vị khám nghiệm. Bước đầu, UBND huyện hỗ trợ gia đình mỗi nạn nhân tử vong 10 triệu đồng, người bị thương 5 triệu đồng.” - ông Đỗ Đức Trung cho hay.
Thông tin về công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, Thiếu tá Nguyễn Tiến Nam - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 13 - cho biết, chỉ 4 phút sau khi nhận thông tin, lực lượng PCCC đã có mặt tại hiện trường.
Hiện trường vụ việc |
Người dân đau đớn trước sự ra đi của người thân |
“Do chất cháy chủ yếu là xốp, nilon, các vật liệu bảo ôn nên tốc độ cháy rất nhanh. Nhà xưởng lại làm bằng khung thép, mái tôn nên chỉ ít phút sau khi đám cháy xảy ra, khung thép sập sập xuống, ngăn lối thoát nạn. Những người bên trong bị mắc kẹt lại, có 9 người khác chạy thoát ra ngoài.” - Thiếu tá Nguyễn Tiến Nam thông tin.
Theo Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 13, ngay khi đến hiện trường, nhận định về tính chất, mức độ của vụ hỏa hoạn và xác định có người mắc kẹt, lực lượng PCCC ưu tiên công tác cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh xưởng xảy cháy là xưởng kinh doanh thép, phía sau là nhà dân, một mũi cảnh sát được cắt cử đi gọi toàn bộ những người dân còn ở trong nhà, trong xưởng thoát ra ngoài, đề phòng cháy lan.
Hai mũi khác tiến hành đập phá tường bao từ hai phía, mở đường thoát nạn. Một mũi phá tường cứu được 3 nạn nhân, đưa đi cấp cứu. Mũi thứ hai khi vào được bên trong thì phát hiện các nạn nhân đã tử vong. “Thời gian cháy tự do dài, khi chúng tôi đến nơi, khung thép giữa đang sập võng xuống, người muốn chạy không chạy được nữa.” - Thiếu tá Nam nói.
Xe cứu thương đưa các nạn nhân ra khỏi hiện trường. |
Người dân gào khóc khi người thân còn trong xưởng không thoát ra được |
Nhận định về vụ việc, Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội - cho rằng, xưởng sản xuất nơi xảy cháy chỉ có 1 lối thoát duy nhất, lại được làm bằng khung thép, mái tôn nên khi xảy cháy sẽ sập rất nhanh. Trong điều kiện bình thường, theo Đại tá Sơn, chỉ khoảng 15 phút xảy ra hỏa hoạn là khung nhà sập xuống do sức nóng của lửa.
“Đây là công trình dạng nhà ống mà chúng tôi đã khuyến cáo, tuyên truyền người dân rất nhiều về việc trong trường hợp cháy nổ thì ứng phó ra sao. Qua vụ việc này, chúng tôi cũng khuyến cáo các hộ vừa kinh doanh vừa sinh hoạt hoặc vừa sản xuất vừa sinh hoạt nên tổ chức có lối thoát nạn, trong mọi trường hợp đều có lối thoát. Không nên để nhiều đồ đạc, hàng hóa tại các nơi có thể thoát ra ngoài khi có sự cố.” - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội khuyến cáo.
Nguyên nhân vụ hỏa hoạn đang được các lực lượng chức năng điều tra, làm rõ.