Học bơi phải học cả kỹ năng cứu đuối

Thứ Hai, 05/06/2017, 09:48
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi khi hè đến, tại nhiều địa phương trên cả nước lại phải chứng kiến những cái chết đầy thương tâm của trẻ em do đuối nước gây ra. Làm sao để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em? Theo các chuyên gia, trong nhiều biện pháp thì việc dạy cho trẻ kỹ năng cứu đuối khi học bơi là một biện pháp hết sức quan trọng.

Những ngày vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về những vụ đuối nước ở trẻ em diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Vụ việc nào cũng khiến cho chúng ta không khỏi đau đớn, xót xa khi hậu quả để lại thường rất nghiêm trọng. Gần đây nhất là vụ đuối nước xảy ra vào chiều 2-6 tại xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định làm 4 ông cháu cùng thiệt mạng.

Cùng với học bơi, trẻ cũng cần phải học kỹ năng cứu đuối.

Theo Công an xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, 4 nạn nhân trong vụ đuối nước gồm ông Văn Tấn Lãnh, 68 tuổi; cháu Nguyễn Thị Phương Thanh, 14 tuổi; cháu Nguyễn Tuyết Băng, 12 tuổi, đều trú ở thôn Phú Mỹ và cháu Trần Thanh Tuấn, 9 tuổi, trú ở khối Phú Văn, thị trấn Phú Phong. Đau lòng hơn cả, ông Văn Tấn Lãnh là ông ngoại của 3 cháu bé này.

Theo thông tin ban đầu, buổi trưa 2-6, ông Lãnh cùng 3 người cháu đi chăn bò ở khu vực sông Bến Đồn, thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú. Trong lúc xuống tắm cho bò, ông Lãnh gặp tai nạn và kêu cứu. Cả 3 người cháu thấy vậy cùng nhau nhảy xuống sông cứu ông, nhưng không may tất cả đều gặp nạn.

Cũng trong chiều 2-6, tại tỉnh Gia Lai, một nhóm em nhỏ đến hồ nước thuộc xã Ia Sao, huyện Ia Grai chơi. Thật không may, các em bị trượt chân nên rơi xuống khu vực sâu của hồ. Trong đó, 4 em là Nguyễn Thị Hải Yến, 10 tuổi; Đỗ Ngọc Thuận, 6 tuổi; Nguyễn Thị Hảo, 6 tuổi cùng trú xã Ia Sao và Tống Thị Quỳnh Hương, 8 tuổi, trú xã Ya Yok bị đuối nước.

Cháu còn lại là Trần Thị Anh Thư thoát được liền chạy đi gọi người lớn đến cứu. Khi mọi người đến thì 4 nạn nhân được tìm thấy trong tình trạng đã tử vong.

Trong những vụ việc trẻ em đuối nước diễn ra thời gian vừa qua, chúng ta rất dễ nhận thấy, có những vụ việc mặc dù các em nhỏ biết bơi nhưng khi thấy bạn bị ngã xuống nước vội nhảy xuống cứu bạn cũng dẫn đến tử vong. Như sự việc xảy ra tại tỉnh Quảng Ngãi ngày 23-3 vừa qua.

Chiều 23-3, một nhóm học sinh gồm 7 em ra khu vực thuộc sông Bi, thôn Giao Thủy, xã Bình Thới, huyện Bình Sơn tắm sông và câu cá. Trong lúc em Nguyễn Thế Hiển, 14 tuổi, trú tại huyện Bình Sơn lội xuống sông gỡ lưỡi câu mắc lưới thì sập hố bị chới với dần chìm xuống nước. Lúc này, em Đặng Thế Dũng, 14 tuổi - bạn cùng lớp với Hiển mặc dù mới biết bơi chập chững nhưng đã liều mình nhảy xuống cứu bạn. Đau đớn thay, cả 2 em đều bị chết đuối. 

Là chuyên gia có nhiều năm gắn bó với công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, TS, bác sỹ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, Hà Nội - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội luôn trăn trở trước tình trạng đuối nước ở trẻ em.

Theo ông thì vấn đề tai nạn thương tích cho trẻ em nói chung trong đó có đuối nước vẫn thường xuyên xảy ra. Đặc biệt, trong 2 tháng vừa qua, theo báo cáo từ các tỉnh, trẻ em bị đuối nước rất nhiều.

“Chúng ta vẫn nói rất nhiều về sự an toàn cho trẻ em và người lớn được giao nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho trẻ em. Cha mẹ phải thường xuyên quan tâm, để mắt đến trẻ. Điều đó có nghĩa là phải chủ động phát hiện được trong nhà mình có những gì là nguy cơ gây mất an toàn, gây tai nạn thương tích cho trẻ đặc biệt là chết đuối. Ví dụ chum vại, bể nước, hố nước, giếng khơi, ao hồ quanh nhà thì phải rào chắn thế nào, đậy thế nào để loại bỏ nguy cơ. Đây là vấn đề đầu tiên và rất quan trọng”, TS Nguyễn Trọng An khẳng định.

Còn câu chuyện dạy bơi cho trẻ em, ông cho rằng, ở nước ta, trẻ em từ 6-7 tuổi trở lên mới bắt đầu được học bơi. Trong khi ở nước ngoài, trẻ em biết bơi trước khi biết đi. Tuy nhiên, học bơi không đơn thuần chỉ là dạy các em biết bơi mà cần phải dạy cho trẻ cả kỹ năng cứu đuối. Bởi lẽ, rất nhiều em bé mới biết bơi khi thấy bạn mình chết đuối thường nhảy ào xuống cứu bạn từ đó rất dễ dẫn đến tình trạng chết đuối cả 2 một cách đầy xót xa.

Song song câu chuyện học bơi phải là câu chuyện về học kỹ năng cứu đuối, kỹ năng an toàn và giáo dục các em bé phải làm như thế nào trước tình huống bạn bị ngã xuống nước. Ví dụ như hô hoán, kêu to, quăng dây như thế nào hay khi bơi phải vòng xuống và lặn ra đằng sau ra sao... Đó là những kỹ năng.

Vấn đề tiếp theo là phải chấp hành các quy định về giao thông đường thủy. Những phương tiện giao thông đường thủy như đò, thuyền... phải đảm bảo quy định số người, phương tiện. Đặc biệt, người lớn và trẻ nhỏ phải tuân thủ quy định mặc áo phao, đeo vật nổi vào tay... Và, một vấn đề rất quan trọng nữa để ngăn ngừa tình trạng đuối nước cho trẻ trong dịp hè là trách nhiệm của những người quản lý trẻ em ở cộng đồng. Đó là việc tạo các sân chơi an toàn, bổ ích thu hút các em tham gia. Ví dụ như xây dựng các bể bơi lắp ghép cho trẻ em để tránh trẻ phải tìm đến ao hồ. Thực hiện được những nội dung nêu trên chúng ta mới có thể hy vọng tình trạng đuối nước được giảm thiểu nhất là trong dịp hè.

Trước vấn đề đưa chương trình dạy bơi vào trường học, ông Nguyễn Trọng An bày tỏ quan điểm, việc đưa chương trình dạy bơi cho trẻ vào trường học đã được nghĩ đến trong hơn chục năm qua.

Tuy nhiên, do chưa có kinh phí nên mới dừng ở trên giấy. Câu chuyện sẽ trở nên đơn giản nếu Nhà nước xã hội hóa vấn đề này. Nhà nước nên khuyến khích sự đóng góp của xã hội, các doanh nghiệp đầu tư. Họ có đầu tư thì họ phải thu lợi nhuận. Tuy nhiên, khi có lợi nhuận thì họ sẽ có các chính sách ưu tiên dành cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Hương Hà
.
.
.