Hiu hắt bảo tàng ngàn tỉ!

Chủ Nhật, 10/09/2017, 10:27
Một góc của Bảo tàng Hà Nội được đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng dành cho quán cafe Helio hoạt động. Một phần trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử quốc gia để mở quán bia Lan Chín. Tuy vậy, dự án xây dựng một Bảo tàng Lịch sử quốc gia mới với ước tính trên 11.000 tỉ đồng vẫn đang trong quá trình sắp xếp vốn để chờ ngày thi công.

Đầu giờ chiều ngày 8-9, chúng tôi có mặt ở khu vực phía trước Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 1 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Quán bia Lan Chín nằm một phần trong khuôn viên bảo tàng này hoạt động nhộn nhịp bấy lâu, nay bỗng im lìm. Toàn bộ quán được đóng cửa, che phủ kín mít. 

Phía bên trên, những dòng chữ to quảng bá của quán ngày ngày vẫn “tỏa sáng” nay đã không còn nữa. Ở vị trí cổng của quán, có sự hiện diện của 5 người, trong đó, một người đang đứng trên chiếc thang và dùng dùi đục, đục đi các dòng chữ giới thiệu quán bia vốn được đính chặt vào tường.

Sở dĩ quán bia Lan Chín nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử quốc gia phải đóng cửa như trên là do trước đó ít ngày, báo chí và mạng xã hội đã lên án việc sử dụng tài sản của nhà nước không đúng mục đích này. 

Trong khi khuôn viên của mình dùng chưa hết, dự án Bảo tàng Lịch sử quốc gia mới với số vốn dự trù lên tới hơn 11.000 tỉ đồng đang được thu xếp để khởi công xây dựng. Số tiền này tương đương 500 triệu USD, bằng khoản tiền công ty Formosa đền bù trong sự cố biển miền Trung mới đây.

Câu chuyện về sự lãng phí, chưa cần thiết trong việc xây tượng đài, bảo tàng nghìn tỉ ở nước ta không phải là chuyện mới. Để tiếp tục chứng minh cho sự lãng phí trong đầu tư này, sáng ngày 9-9, chúng tôi đến tham quan Bảo tàng Hà Nội.

Tọa lạc ở vị trí 2 mặt tiền giữa ngã ba đường Phạm Hùng và phố Đỗ Đức Dục, nằm ngay cạnh Trung tâm hội nghị quốc gia, Cung triển lãm kiến trúc quy hoạch xây dựng quốc gia, Bảo tàng Hà Nội là công trình chào mừng và được khánh thành đúng dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (10-10-2010). Bảo tàng Hà Nội có khuôn viên rộng hơn 50.000m². 

Trái tim của bảo tàng là tòa nhà gồm bốn tầng nổi và hai tầng hầm, chiều cao 30.7m, diện tích xây dựng 11.952m², diện tích sàn xây dựng 30.208m². Bảo tàng Hà Nội có hệ thống trưng bày trong nhà và hệ thống trưng bày ngoài trời. Khu trưng bày ngoài trời gồm khu trưng bày chuyên đề làng nghề, phố nghề tại khu nhà phố cổ và khu vực trò chơi dân gian và lễ hội truyền thống.

Bảo tàng Hà Nội nằm ở vị trí đắc địa.

Khi bước trong khuôn viên Bảo tàng Hà Nội, chúng tôi đi thẳng sang phía bên hông, vào khu nhà phố cổ. Khu nhà phố cổ là một dãy nhà dài chừng hơn 20 mét, tái hiện một dãy phố cổ của Hà Nội với hàng chục tòa nhà có kiến trúc khác nhau nhưng mang nét chung của phố phường Hà Nội xưa. 

Ngay trước mặt tiền của dãy nhà này, người ta sắp xếp trưng bày 4 chiếc xe xích lô được làm theo lối cổ. Tuy nhiên, trải qua mưa nắng và thiếu bàn tay quan tâm của con người, bốn chiếc xích lô này đã bị xuống cấp, phần mái của xích lô được làm bằng tấm vải trắng đã bị rách nát, bẩn thỉu đến mức chúng tôi tin rằng, không một du khách nào dám đến gần.

Bỏ qua những chiếc xích lô “phế liệu”, chúng tôi tiến vào bên trong dãy nhà phố cổ này. Đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh hoang phế đến tĩnh mịch. Đương nhiên, không có bất cứ một du khách nào có mặt tại đây ngoại trừ chúng tôi. Nhìn chung, bên trong khu nhà này không có trưng bày gì đáng kể mà để không gian trống huơ, trống hoác. 

Điểm đáng chú ý nhất là ở phía giáp tường, toàn bộ chiều dài của tòa nhà với chiều rộng khoảng hơn 1 mét, đặt trong lồng kính để trưng bày mô hình mô phỏng các khu phố cổ của Hà Nội với nhịp sống sinh hoạt của người dân đô thị.

Tuy nhiên, khi đến gần, trước mắt chúng tôi hiện ra cảnh mô hình một ngôi nhà đang tọa lạc trên sàn đỡ bằng gỗ mà mối mọt đã gặm… gần sạch. Ngôi nhà mô hình nằm chênh vênh 1 nửa và chực chờ đổ sập. 

Cùng với đó, quan sát khắp chiều dài của lồng kính này, chúng tôi thấy các mô hình cây cối bị đổ ngổn ngang, có chỗ còn bị những vết hoen ố bẩn thỉu chiếm lĩnh. Nhìn chung, khu nhà tái hiện phố cổ này có thể được gọi là một ngôi nhà hoang đúng nghĩa đen.

Bỏ qua “khu nhà hoang”, chúng tôi vào tham quan tòa “Kim tự tháp ngược” 4 tầng. Trước đó, vào cuối tháng 11 năm 2016, tôi được tòa soạn phân công đến dự khai mạc triển lãm “Linh vật Việt” do Bảo tàng Hà Nội tổ chức và theo thông cáo báo chí, triển lãm sẽ kết thúc vào dịp Tết Nguyên đán năm 2016. 

Tuy nhiên, đến tận hôm nay, ngày 9-9-2017, khi tôi bước vào sảnh tầng một của bảo tàng này, vẫn còn là khung cảnh của triển lãm “Linh vật Việt” của gần 10 tháng trước. Có nghĩa là sau 10 tháng, mọi thứ ở đây vẫn “giậm chân” tại chỗ mà không có sự thay đổi nào.

Dạo qua một vòng 4 tầng của Bảo tàng, chúng tôi quan sát thấy, gần như cả bảo tàng đang chìm trong sự im lặng. Trong khoảng 3 tiếng có mặt tại đây, tôi chỉ gặp khoảng 5 vị khách tự do đến tham quan. Ngoài ra còn có một đoàn khách Trung Quốc khoảng 15 người đi theo tour du lịch của công ty lữ hành. 

Toàn bộ 4 tầng của bảo tàng, với hàng nghìn mét vuông trưng bày chìm trong ánh sáng lờ mờ cùng những bóng điện được bật cách xa nhau. Không có một bóng người trong những khu vực trưng bày ấy, chỉ có những người bảo vệ đứng canh chừng cổ vật.

Tuy nhiên, ở trong Bảo tàng Hà Nội, khu vực tập trung đông người và nhộn nhịp nhất lại là quán cà phê Helio tọa lạc ở tầng 1. Khu vực dành cho quán cà phê này có diện tích khoảng 200m². Khu vực ở phía ngoài hành lang ngay giáp bên cạnh có diện tích khoảng 100m2² cũng là không gian uống cà phê của quán này. 

Thay vì vào bảo tàng tham quan, nhiều khách đi thẳng vào quán cafe để thưởng thức sự yên tĩnh của Hà Nội, nơi mà vừa uống cafe, khách hàng có thể khoan thai hướng tầm mắt về phía trước ngắm nhìn những ngọn đồi nhân tạo, ở phía dưới chân đồi có dòng sông đang uốn quanh. Một khung cảnh nên thơ mà không phải nơi nào ở Hà Nội cũng có. Lãnh đạo Bảo tàng, những nhà quản lý văn hóa sẽ nghĩ gì?

Cảnh Vũ
.
.
.