Hiệu quả từ mô hình chuyển đất lúa sang cây trồng khác

Thứ Sáu, 15/12/2017, 09:08
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, An Giang đang đẩy mạnh khuyến khích người dân chuyển đổi đất lúa sang trồng nhiều cây trồng khác hiệu quả hơn mục tiêu đến năm 2020, chiếm 20% đất trồng lúa hiện nay của tỉnh.

An Giang là tỉnh thuần nông với diện tích, sản lượng lúa gạo đứng đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh đang đẩy mạnh khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi đất lúa sang trồng nhiều cây trồng khác hiệu quả hơn với mục tiêu đến năm 2020, diện tích được chuyển đổi lên tới 46.000ha, chiếm 20% đất trồng lúa hiện nay của tỉnh.

Mạnh mẽ và dễ thấy nhất hiện nay là chuyển từ đất lúa sang đất trồng cây ăn trái. Trong 4 năm, diện tích cây ăn trái của An Giang tăng trên 2.700ha (từ 8.407ha hiện lên 11.110ha), chủ yếu là xoài, chuối, nhãn, cây có múi. Diện tích tăng chủ yếu ở các huyện Chợ Mới, Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn và thị xã Tân Châu. Việc gia tăng diện tích cây ăn trái là có sự khuyến khích từ chính quyền và cơ quan chức năng địa phương.

Theo ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trọng tâm là cây màu, cây ăn trái… nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với cơ cấu lại nông nghiệp; đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp theo phương châm lấy tổ chức lại sản xuất làm cơ sở, lấy ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ làm khâu đột phá, lấy thị trường làm tiền đề và mục tiêu.

Mô hình chuyển đổi đất lúa hiệu quả thấp sang trồng bưởi da xanh của gia đình ông Tăng Tấn Hưng (xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu) là một ví dụ như thế. Trước đây, gia đình ông Hưng có trên 4ha đất ruộng chuyên trồng lúa, chi phí cao, lợi nhuận thấp nên không giàu nổi.

Sau khi đi tham quan, học hỏi kỹ thuật trồng cây ăn trái ở các địa phương trong vùng, ông Tăng Tấn Hưng quyết định cải tạo 3.000m² đất lúa để trồng 400 gốc bưởi da xanh.

Suy nghĩ phải làm gì cho đất khá hơn, ông Hưng đi tham quan, học hỏi kỹ thuật trồng cây ăn trái ở các địa phương trong vùng và quyết định cải tạo 3.000m² đất lúa để trồng 400 gốc bưởi da xanh. Sau đó, thấy cây bưởi phát triển tốt nên ông tăng diện tích vườn thêm 7.000m². Sau 4 năm, khu vườn 10.000m², với 1.400 gốc bưởi xa danh đã cho thu hoạch vụ đầu 25 tấn trái, giá bán bình quân 40.000đ/kg, ông Hưng thu về 1 tỷ đồng.

Ông Tăng Tấn Hưng cho biết: “Trồng bưởi vất vả hơn trồng lúa, nhưng giá cả ổn định và thu nhập cao hơn trồng lúa rất nhiều”. Không chỉ thu lời từ tiền bán trái, ông Hưng còn có lời từ việc chiết cành bưởi giống bán cho bà con trong vùng.Nguồn thu từ 10.000m2 bưởi da xanh đã đưa gia đình ông Hưng vươn lên làm giàu, được công nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Vĩnh, khẳng định: “Việc chuyển đất lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ăn trái như gia đình ông Hưng đang được chính quyền địa phương khuyến khích. Hiện, đất lúa hiệu quả thấp, bấp bênh, trong khi đó diện tích cây ăn trái rất ít. Chúng tôi vận động, tuyên truyền đối với diện tích nhỏ, lẻ, làm lúa kém hiệu quả thì bà con nông dân nên chuyển sang trồng cây ăn trái để tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống”.

Cũng tại xã Phú Vĩnh, mô hình ươm giống rau màu của ông Lưu Văn Nhanh (ấp Phú An B) đã đáp ứng được nhu cầu giống rau màu đưa vào trồng trên đất lúa hiệu quả thấp trên toàn tỉnh An Giang.

Vườn ươm giống rau màu của ông Nhanh có qui mô 12.000m2, mỗi ngày đưa ra thị trường trên 100.000 cây giống các loại. Tại vườn ươm thường xuyên có trên 50 lao động làm việc, với mức lương trên 4 triệu đồng/người/tháng. Chỉ tính riêng doanh thu năm 2016, vườn ươm rau giống của ông Nhanh đạt trên 3 tỷ đồng.

Ông Nhanh, tâm sự: “Tôi gắn bó với nghề ươm rau giống gần 20 năm rồi. Bước đầu chỉ có 2.000m², sau đó được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn đầu tư mở rộng lên 4.000m². Rồi Ngân hàng NN&PTNT hỗ trợ vốn đầu tư mở rộng diện tích lên 12.000m². Hai năm gần đây, Sở KH&CN An Giang tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ tôi 300 triệu đồng để hoàn thiện hệ thống nhà màng che phủ, dàn kệ để khay xốp, máy đóng bầu đất, máy gieo hạt chân không, quạt thông gió, hệ thống tưới phun sương tự động… để nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Cây giống từ vườn ươm của tôi làm ra, bà con mua về trồng đạt hiệu quả rất cao nên không đủ cung cấp. Hiện, tôi đang mở rộng thêm diện tích ươm cây giống, để đáp ứng nhu cầu của bà con”.

Mô hình ươm giống rau màu của ông Lưu Văn Nhanh (ấp Phú An B).

Giống rau màu các loại từ vườn ươm của ông Nhanh phục vụ cho các vùng có lợi thế và đang được ngành Nông nghiệp tỉnh An Giang khuyến khích trồng rau màu, như: huyện An Phú, Chợ Mới, thị xã Tân Châu… Như ở xã Kiến An (huyện Chợ Mới) có 12 ấp, thì có 5 ấp hình thành khu vực chuyên canh rau màu. 

Ở đây đã thành lập Tổ hợp tác rau an toàn Kiến An thu hút rất ông thành viên tham gia, với diện tích chiếm hơn 50% tổng diện tích rau màu cả xã. Các thành viên trong Tổ hợp tác đang sản xuất 20 chủng loại rau ăn lá, 15 chủng loại củ, quả theo đơn đặt hàng và nhu cầu thị trường với sản lượng trên 2 tấn/ngày.

Theo ngành Nông nghiệp An Giang, tổng diện tích rau màu cả tỉnh đã tăng lên 16.000ha và tiếp tục khuyến khích bà con tăng thêm 10.000ha nữa trong 3 năm tới trên cơ sở qui hoạch 5 vùng chuyên canh sản xuất, cung ứng rau màu cho các tỉnh, thành phía Nam, hướng đến xuất khẩu. Trong đó, qui hoạch một số vùng chuyên canh sản xuất, tiêu thụ theo hướng công nghệ cao với diện thích khoảng 7.500ha.

Trong 4 năm (2017 – 2020), sẽ có khoảng 46.000ha (chiếm 20%) đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh chuyển sang trồng cây ăn trái và rau màu. Cụ thể, năm 2017 diện tích chuyển đổi 9.119ha; năm 2018 chuyển đổi 10.967ha; năm 2019 chuyển đổi 11.015ha và năm 2020 chuyển đổi 16.089ha. 

Trong đó, 16.000ha trồng rau các loại, ớt, đậu bắp Nhật, đậu nành rau, bắp (ngô) thu trái non; 17.000ha trồng mè (vừng), bắp lai hoặc biến đổi gen, đậu các loại và 13.000ha cây ăn trái, gồm: chuối, xoài và cây có múi…

Đức Văn– P.Ánh
.
.
.