Đất nông nghiệp bỏ hoang để dân khát ruộng

Thứ Tư, 22/06/2011, 09:06
Hàng trăm hécta đất nông nghiệp thu hồi của dân để giao cho doanh nghiệp đã bỏ hoang gần 10 năm nay. Người dân sống ở các khu vực này lại khát đất nông nghiệp để sản xuất. Nghịch lý trên đang diễn ra ở nhiều địa phương của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Không có đất sản xuất, hàng trăm hộ dân ở rơi vào cảnh thất nghiệp. Con cái phải nghỉ học sớm để theo bố mẹ bôn ba khắp nơi để mưu sinh. Cuộc sống người dân thêm chồng chất khó khăn.

"Cám treo…"

Bà con nông dân ở xã Phú Diên (huyện Phú Vang) và xã Hải Dương (huyện Hương Trà) thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã ví von đất nông nghiệp bị bỏ hoang ở địa phương của mình là "cám treo để heo nhịn thèm!" Ông Lê Viết Quốc, 52 tuổi ở thôn Kế Sung, xã Phú Diên lí giải: "Đất nông nghiệp của chúng tôi bị thu hồi giao cho Công ty CP Sông Hương nuôi tôm bị bỏ hoang đã gần 7 năm. Hiện bà con chúng tôi không có đất nông nghiệp trồng trọt, nay muốn sản xuất đất bỏ hoang trên nhưng không được thì có khác gì cám treo?".

Ông Lê Văn Minh, xã Hải Dương buồn bã khi nhìn đất nông nghiệp của mình bị phơi theo dự án.

Cuộc sống gia đình ông Quốc nhờ vào gần 2 sào ruộng, tuy nhiên gần mười năm nay không có đất sản xuất nông nghiệp đã gây không ít khó khăn cho cuộc sống gia đình của ông. Hàng trăm hộ dân khác ở xã Phú Diên bị thu hồi đất nông nghiệp cũng rơi vào cảnh tương tự.

Ông Phạm Đăng Đoàn, Chủ tịch UBND xã Phú Diên nói: "Dự án nuôi tôm công nghiệp Phú Diên thất bại đã để lại nhiều khó khăn cho địa phương. Hàng trăm lao động thất nghiệp phải đi làm ăn xa, nhiều học sinh phải nghỉ học sớm để theo gia đình mưu sinh".

65,03ha đất bị bỏ hoang, nhiều hộ dân đã kiến nghị cơ quan chức năng cho phép sản xuất ở diện tích đất trên. Ông Đoàn còn cho biết: "Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cấp trên nhanh chóng chuyển giao cho địa phương để chuyển đổi sản xuất, song yêu cầu này đến nay vẫn chưa được thực hiện".

Khu nuôi tôm cao triều rộng 54,3ha ở xã Hải Dương cũng rơi vào cảnh tương tự. Từ diện tích trồng lúa được chuyển sang nuôi tôm công nghiệp, nhưng khi nuôi tôm liên tục bị thua lỗ đã phải bỏ hoang từ năm 2004.

Ông Lê Văn Minh, ở thôn Thái Dương Thượng buồn bã nói: "Hồ nuôi tôm thì tôm chết, giờ muốn chuyển sang trồng trọt thì chính quyền địa phương không cho, vậy là người dân chúng tôi chẳng biết làm việc gì để mà mưu sinh".       

Vật cản là hệ thống dẫn nước đã hỏng?

Dự án vùng nuôi tôm công nghiệp Phú Diên đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép cho Công ty cổ phần Sông Hương (CPSH) thực hiện theo Quyết định số 1804/QĐ-UB, ngày 14/7/2000. Theo đó, thu hồi 170,2ha đất nông nghiệp của gần 600 hộ tại 3 thôn Kế Sung, Mỹ Khánh, Thanh Dương (xã Phú Diên) để Công ty CPSH thuê để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thuỷ sản, có tổng mức đầu tư 21,28 tỷ đồng.

Khu nuôi tôm số 3 và 6 với diện tích 65,03ha đã đưa vào nuôi tôm. Nuôi tôm thua lỗ nên dự án nhanh chóng bị thất bại và phải bỏ hoang từ năm 2004. Trước đó, nhận thấy thực trạng không khả thi của dự án, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phải điều chỉnh diện tích của dự án còn 127,83ha, đồng thời 2 lần ra quyết định thu hồi với tổng diện tích 62,8ha và đã giao cho nông dân sản xuất.

Diện tích còn lại 65,03ha (khu số 3 và 6), đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ra quyết định thu hồi tại QĐ số 2384/QĐ-UBND, ngày 24/10/2007. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm ra quyết định thu hồi đến nay vẫn chưa thể giao lại cho người dân sản xuất.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: "Do việc bồi thường phần tài sản đã đầu tư trên khu nuôi tôm Phú Diên của Công ty cổ phần Song Phú (DN này được Công ty CPSH bán lại dự án này - PV) chưa hoàn thành, nên dẫn đến việc thu hồi chậm".

Tài sản trên khu nuôi tôm hiện nay chỉ còn hệ thống kênh mương (bằng bê tông) dẫn nước vào các hồ nuôi tôm. Hệ thống dẫn nước hiện đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đối với khu nuôi tôm cao triều xã Hải Dương, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch UBND xã Hải Dương cho biết: "Nếu chuyển sang trồng trọt thì phải mất hàng trăm triệu đồng để san ủi đất. Chúng tôi đang kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ kinh phí để nâng cấp trạm bơm, hệ thống kênh mương để tiếp tục nuôi tôm công nghiệp". Tuy nhiên, khi phóng viên Báo CAND hỏi đến thời điểm nào sẽ đưa diện tích đất bỏ hoang trên vào sản xuất thì ông Liêm không trả lời.

"Một số diện tích đất nuôi tôm Phú Diên thu hồi trước đó đã giao cho nông dân sử dụng trồng trọt hoặc nuôi tôm và đã phát huy hiệu quả. Diện tích đất bị bỏ hoang còn lại cần sớm giao cho người dân sản xuất, để tránh lãng phí đất nông nghiệp", ông Nguyễn Viết Mạnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Phú Vang nói

Đông Hưng
.
.
.