Hệ lụy đau lòng từ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
- Dai dẳng hủ tục tảo hôn ở một vùng quê
- Tảo hôn ở vùng cao nỗi buồn chưa bao giờ cũ
- Chuyện buồn ở xã tảo hôn
Những nghiên cứu mới nhất này được công bố tại hội thảo quốc gia về tảo hôn, do Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH và đại diện Liên hiệp quốc (LHQ) tại Việt Nam tổ chức ngày 25-10, tại Hà Nội.
Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam cho biết: Kết quả điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam cho thấy tỷ lệ nữ giới trong độ tuổi từ 15-19 đã kết hôn là 10,3% vào năm 2014.
Nhiều em gái vùng dân tộc thiểu số có nguy cơ phải làm vợ khi còn đang tuổi ăn tuổi lớn. Ảnh minh họa. |
Tảo hôn không chỉ xảy ra ở các dân tộc thiểu số, mà còn ở khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Ở một số xã, tỷ lệ tảo hôn trên 50%. Trong các dân tộc thiểu số, người Mông có tỷ lệ tảo hôn cao nhất (33%), tiếp theo là người Thái (23%).
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình và xã hội. Nhiều trẻ chưa hoàn thiện về giải phẫu, sinh lý, tâm lý đã bị ép buộc phải trở thành cha mẹ. Tảo hôn làm suy giảm số lượng và chất lượng dân số. Những vùng tảo hôn, tuổi thọ trung bình chỉ xấp xỉ 45 tuổi. Tảo hôn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em gái tuổi từ 15 đến 18.
Bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) cho biết, tỉ lệ tảo hôn chung trong dân tộc thiểu số là 26,6%. 40/53 dân tộc có tỉ lệ tảo hôn từ 20% trở lên, có dân tộc tới 50-60%. Kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số cũng cho thấy, các dân tộc có tỉ lệ tảo hôn cao đều có tỉ lệ hộ nghèo cao. Tỉ lệ tảo hôn cao nhất thuộc các dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng có điều kiện khó khăn như Mông, Xinh Mun, La Ha, Gia Rai, Raglay, Bru –Vân Kiều vv…
Theo số liệu từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở, cả nước có 9 tỉnh có trên 5% dân số nam 15 - 19 tuổi và 14 tỉnh có trên 5% dân số nữ 15 - 17 tuổi từng kết hôn. Các tỉnh có tỷ lệ tảo hôn cao nhất là Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Kon Tum.
Kết quả khảo sát của Tổng cục DS - KHHGĐ về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở 44 xã của 9 huyện thuộc tỉnh Lào Cai cho thấy, có tới 224 cặp kết hôn cận huyết. Trong đó, có 221 cặp là con bác lấy con dì; con chị gái lấy con em trai; cháu lấy dì; chú lấy cháu; cháu lấy cô. Nhiều chuyên gia nhận định, nếu khảo sát ở các tỉnh Tây Bắc vùng đồng bào dân tộc ở miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Bộ… cũng cho kết quả tương tự.
“Những phong tục, tập quán kết hôn sớm tồn tại mạnh ở các dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, sở thích có nhiều con, đặc biệt là con trai ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số và thiếu hiểu biết pháp luật là nguyên nhân dẫn đến tảo hôn. Bên cạnh đó là bất bình đẳng giới, nghèo đói, cần người làm và cả sự yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước về hôn nhân và gia đình”, ông Vũ Mạnh Lợi và Nguyễn Hữu Minh, đại diện UNFPA & UNICEF phân tích.
Bà Đỗ Thị Quỳnh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số, Tổng cục DS - KHHGĐ phân tích, nạn tảo hôn xảy ra do ảnh hưởng của tập quán lạc hậu bị ép buộc lấy vợ, chồng sớm, bị xâm hại tình dục. Do tảo hôn, nhiều trẻ mang thai sớm, tử vong mẹ trong độ tuổi từ 15-19 tuổi cao hơn các bà mẹ trưởng thành.
Hàng trăm đứa trẻ bị thất học, mù chữ, nghèo đói do n ợ nần sau đám cưới làm kinh tế gia đình kiệt quệ. Bên cạnh đó, những cặp vợ chồng lấy nhau quá sớm nên hiểu biết, suy nghĩ chưa chín chắn dễ phát sinh bạo lực gia đình, gây stress và trầm cảm. Trẻ em gái sau kết hôn thường bị bạn bè đồng lứa cô lập và bỏ rơi.
“Hệ lụy của tảo hôn là các em gái mất đi cơ hội học tập, việc làm tốt, dễ xảy ra mâu thuẫn, đổ vỡ hôn nhân. Hầu hết trẻ em kết hôn xong là bỏ học và có 3% trẻ em kết hôn chưa bao giờ đến lớp. Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tăng tỉ lệ tử vong và suy dinh dưỡng ở trẻ”, bà Nguyễn Thị Tư chỉ ra.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, còn nhiều rào cản để giảm thiểu nạn tảo hôn. Đó là những khoảng trống về thông tin, chính sách và hoạt động can thiệp. Một số qui định của Luật Hôn nhân – Gia đình chậm được hướng dẫn thi hành, hoặc các văn bản còn chung chung, dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau khi áp dụng vào thực tiễn.
Chưa rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về tảo hôn và làm đầu mối điều phối hoạt động giảm thiểu tảo hôn. Thiếu cơ sở dữ liệu về tảo hôn phục vụ quản lý và nghiên cứu. Hôn nhân trẻ em không được đề cập đến trong bất kỳ cuộc thảo luận nhóm nào liên quan đến các vấn đề cần giải quyết tại cộng đồng. Trong khi một số phong tục đang bị biến tướng theo chiều hướng xấu như tục “kéo vợ” của người Mông, “đi sim” của người Vân Kiều.
Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, theo các chuyên gia, thay đổi nhận thức là vấn đề mấu chốt, nên cần đầu tư về kinh tế, giáo dục, y tế... để nâng cao dân trí. Cần mở cuộc điều tra quy mô quốc gia về tảo hôn nhằm cung cấp thông tin cho việc hoạch định chính sách.
Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương chỉ rõ: Chính phủ cần tham vấn các tổ chức quốc tế, LHQ tại Việt Nam, các cơ quan nghiên cứu và tổ chức xã hội dân sự, trong đó chú trọng thay đổi các chuẩn mực xã hội nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.
Cần có các giải pháp can thiệp cho trẻ em gái để ngăn chặn tình trạng bỏ học giữa chừng, khuyến khích tạo điều kiện để các em được đi học trung học chuyên nghiệp, học nghề, bố trí việc làm...