Dai dẳng hủ tục tảo hôn ở một vùng quê

Chủ Nhật, 03/05/2015, 10:16
Chuyện về những cậu bé, cô bé đang độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” phải nghỉ học giữa chừng ở nhà để lấy vợ, lấy chồng vẫn thường xuyên diễn ra ở những vùng quê hẻo lánh của các tỉnh Tây Nguyên. Tảo hôn đang làm cho những gia đình trẻ sống trong nghèo khó, tương lai của những đứa trẻ sinh ra không được bảo đảm…

Vượt qua hàng trăm cây số giữa cái nắng đổ lửa của trời Tây Nguyên, chúng tôi tìm đến thôn Cư Dắt, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, nơi được mệnh danh là “làng mắn đẻ” để tìm hiểu về thực trạng tảo hôn của đồng bào nơi đây. Trong ngôi nhà xập xệ của đôi vợ chồng trẻ Giàng Thị Dế (25 tuổi) và Sùng Seo Giáo (26 tuổi) là nơi cư ngụ của 7 con người.

Giàng Thị Dế thật thà cho biết, chị lấy chồng khi vừa bước sang tuổi 15, hơn 10 năm sau đã là mẹ của 5 đứa trẻ, đứa lớn 9 tuổi và đứa nhỏ nhất mới vừa tròn 8 tháng. Vất vả vì đông con nên đã làm cho vợ chồng Dế già hơn tuổi rất nhiều. Những đứa con của họ cứ lớn dần lên một cách tự nhiên, đứa lớn trông đứa bé và chúng chỉ biết theo cha mẹ đi qua những mùa rẫy. Sự nhọc nhằn, vất vả sau 10 năm làm vợ, làm mẹ đã giúp Dế hiểu được nhiều điều. Khi được hỏi sao lại lấy chồng sớm, Dế thở dài: “Trước đây em cũng muốn đi học lắm nhưng nhà đông người nên đành phải nghỉ. Phụ nữ ở đây ai cũng thế cả, không đi học, ở nhà thì phải lấy chồng chứ bố mẹ đâu có cho ở trong nhà mãi”.

Trái ngược với những nỗi niềm của vợ, Sùng Seo Giáo lại rất vô tư với chuyện đẻ nhiều, đẻ dày của gia đình mình. “Đẻ nhiều là do vợ nó đẻ đấy chứ, mình có biết đẻ đâu! Hơn nữa, mình thích con trai, vợ mình lại thích con gái nên cứ phải đẻ đến khi có cả trai, cả gái mới thôi. Ngày xưa, bố mẹ mình đẻ tới 10 đứa con, cuộc sống tuy nghèo nhưng anh em mình vẫn lớn, vẫn lấy vợ, có con và ra ở riêng đó thôi…”.

Rời gia đình Dế, chúng tôi tìm đến nhà chị Sùng Thị Tòng (33 tuổi, trú cùng thôn) khi trời đã xế trưa. Đập vào mắt chúng tôi là những đứa trẻ lem luốc đang ngồi nép mình nhìn mẹ chuẩn bị bữa ăn. Vừa đặt đứa con 10 tháng tuổi xuống giường định nổi lửa thì đứa bé trai chừng 2 tuổi cất tiếng khóc. Sợ đứa nhỏ thức giấc, Tòng vội bế thằng anh lên dỗ dành, nhưng dỗ thế nào nó cũng không chịu nín, mãi đến khi cầm được gói mì tôm bóc dở tiếng khóc mới ngưng.

Vợ chồng Tòng lấy nhau được ngót 20 năm. Sau khi cưới, do cả hai đều còn quá nhỏ nên mãi 5 năm sau Tòng mới có con. Đến nay, vợ chồng Tòng đã có 5 đứa con, đứa đầu 15 tuổi, trong khi đứa út chưa tròn một tuổi. Tôi hỏi Tòng tại sao cuộc sống khó khăn mà vẫn đẻ nhiều, chị cười: “Khi đẻ đến đứa thứ 3, mình thấy khổ quá nên muốn đi đặt vòng để không đẻ nữa, nhưng chồng mình không chịu đưa đi và bảo cứ để đẻ, nhà đông con mới vui…”.

Cuộc sống gia đình khó khăn, nhiều trẻ em ở thôn Cư Dắt, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông không được đến trường.
Những bà mẹ trẻ ở tuổi 15, 16 địu con trên lưng không còn là hình ảnh xa lạ ở cái thôn hẻo lánh này. Tảo hôn, đẻ nhiều, đẻ dày đã và đang là nguyên nhân khiến nghèo đói luôn bám lấy cuộc sống của người dân nơi đây.

Chị Sùng Thị Kiều, cộng tác viên dân số thôn Cư Dắt cho biết, cả thôn có 178 hộ nhưng chỉ khoảng 20 hộ là có từ 1 đến 2 con, còn lại những gia đình khác đều có từ 3 con trở lên, nhiều nhà có đến 12 người con nhưng họ vẫn coi đó là chuyện “bình thường”. Còn chuyện con trai, con gái trong thôn được cha mẹ dựng vợ, gả chồng từ rất sớm đã thành cái nếp rồi, muộn không lấy được vợ, được chồng. “Ngay bản thân em, học xong lớp 9, nghỉ học ở nhà là em được bố mẹ gả chồng ngay. Nhưng vì sợ đẻ sớm không chăm được con nên đến giờ khi em được 23 tuổi và chồng 21 tuổi mới quyết định sinh con”, Kiều thật thà cho biết.

Khi được chúng tôi hỏi Kiều về công việc của cộng tác viên dân số ở thôn có đạt được hiệu quả không, cô tự tin nói: “Có chứ! Trước đây, do cộng tác viên dân số của thôn là đàn ông, họ ngại đi tuyên truyền nên không có kết quả. Từ khi em làm công việc này đến nay, trong 3 năm đã vận động được 2 trường hợp đẻ nhiều đi đình sản. Còn từ đầu năm đến nay, vận động được 13 trường hợp chị em đi đặt vòng”. Rõ ràng, trong khi người dân trong thôn Cư Dắt luôn quan niệm con gái sau 15 tuổi chưa có chồng là ế và chỉ chăm chăm đến chuyện đẻ dày, đẻ nhiều để nhà cửa đông vui… mới thấy việc thuyết phục được chị em đi đình sản, đặt vòng của Kiều thực sự có ý nghĩa, mặc dù những con số này chưa thể làm thay đổi được thực tế đang tồn tại ở nơi đây.

Do thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết xã hội để tự lo cho cuộc sống gia đình nên phần lớn đời sống của những gia đình trẻ này thường lâm vào cảnh khó khăn chồng chất. Chính vì vậy, việc có những giải pháp trước mắt và lâu dài để hạn chế và đi tới xóa bỏ những tập tục lạc hậu này là vô cùng cần thiết. Để làm được điều này không chỉ riêng ngành dân số mà cần phải có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, các ban, ngành liên quan ở địa phương.

Văn Thành
.
.
.