Hàng Tết Việt vẫn chiếm ưu thế

Thứ Sáu, 13/02/2015, 09:55
Sau ngày ông Công, ông Táo, giá thực phẩm, hàng hóa đã bắt đầu tăng. Mặc dù đến thời điểm này, tốc độ mua sắm Tết vẫn chưa tăng mạnh như mọi năm, nhưng các mặt hàng như rượu, đồ uống, trái cây nhập khẩu, thịt các loại đã tăng. Mặc dù sức mua chưa cao nhưng những mặt hàng Việt năm nay chiếm ưu thế và được người tiêu dùng quan tâm hơn.

Theo ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thì năm nay sức mua của người dân đối với các loại bánh, mứt, kẹo tương đối chậm và ế ẩm hơn so với mọi năm.

Nếu trước đây, bắt đầu từ rằm tháng Chạp, phố Hàng Buồm, Hàng Giầy, chợ Đồng Xuân tấp nập người mua thì năm nay giảm hẳn. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, tới thời điểm này, giá nhiều mặt hàng bánh, mứt kẹo, rượu ngoại, nước uống các loại đã tăng.

Chị Nguyễn Thị Nga, nhân viên bán hàng rượu, bánh kẹo tại phố Hàng Buồm cho biết, các loại bánh mứt kẹo đã tăng giá từ 5-10%, riêng mặt hàng bia, rượu, nước ngọt tăng 15% so với thời điểm cách đây 1 tháng.

Cũng qua khảo sát của chúng tôi, nếu như vài năm trước, ở những "phố bánh kẹo" của quận Hoàn Kiếm bày bán khá nhiều hàng của Trung Quốc thì nay hầu như vắng bóng.

Hầu hết hàng hóa ở đây đều có nguồn gốc, xuất xứ trong nước sản xuất như: Kinh Đô, Hải Hà, Bánh mứt kẹo Hà Nội hoặc của các cơ sở sản xuất tư nhân ở Xuân Đỉnh, La Phù, Hoài Đức, Hoàng Mai...

Theo ông Lưu Bách Chiến thì qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 2 phát hiện rất ít bánh kẹo của Trung Quốc không có hóa đơn chứng từ, hầu hết là hàng Việt, chỉ có một số của Malaysia, Thái Lan...

Giá hàng hóa trong siêu thị hầu hết vẫn giữ nguyên.

Chị Nguyễn Thị Nga phân bua: "Khách hàng họ không mua bánh, kẹo, mứt của Trung Quốc nữa, mình nhập về chỉ có ế".

Những ngày này lượng rượu ngoại tiêu thụ trên thị trường đang tăng mạnh do nhu cầu làm quà biếu cao.

Giá rượu ngoại, đặc biệt là rượu vang và rượu mạnh như Chivas 18, Chivas 21, Ballantines mỗi cửa hàng bán một giá khác nhau, thậm chí chênh nhau vài chục nghìn tới vài trăm nghìn một chai.

Chúng tôi tới một cửa hàng rượu trên phố Dã Tượng, quận Hoàn Kiếm, khi hỏi tem của chai rượu vang, nhân viên bán hàng nói: "tem thì khó gì, thích loại gì cũng có". Nhân viên vào trong mang ra một mớ tem, bảo khách dán lên chai rượu.

Ông Lưu Bách Chiến cảnh báo: “Để tránh mua phải rượu giả, rượu kém chất lượng, rượu dán tem quay vòng hoặc tem của rượu này dán vào rượu kia thì khách hàng nên vào những cửa hàng lớn, có thương hiệu”.

Giá bánh kẹo, rượu, bia tại nhiều siêu thị hiện vẫn giữ nguyên. Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội thì hàng hóa trong siêu thị không những không tăng mà tại siêu thị còn có nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi, bình ổn để người dân mua sắm đón Tết.

Theo bà Nguyễn Thanh Huyền, đại diện siêu thị Big C thì từ ba tháng trước, siêu thị đã yêu cầu nhà cung cấp cam kết không tăng giá bán.

Nhờ đó, Big C đã triển khai được chương trình khóa giá, tức không tăng giá sản phẩm mà khách hàng còn được hưởng lợi bởi nhiều chương trình khuyến mãi của siêu thị cho tới qua Tết.

Qua tìm hiểu của chúng tôi tại một số chợ ở Hà Nội, giá thịt lợn ở chợ Ngọc Hà hiện đã tăng 10.000đ/kg lên 100.000đ/kg.

Chợ Thành Công, giá tôm sú tăng 30.000đ/kg, thịt lợn tăng 10.000đ/kg, thịt gà tăng 10.000 – 15.000đ/kg.

Chị Hợp, bán thịt lợn tại chợ Làng Hồ, phường Bưởi, quận Tây Hồ cho biết, hiện tăng mạnh nhất là thịt chân giò, tai, mũi vì nhiều người mua để làm giò xào.

Gần Tết giá lợn hơi mua tại chuồng đã tăng từ 5.000 đến 10.000đ/kg, hiện ở mức 55.000 - 65.000đ/kg nên tiểu thương buộc phải tăng giá bán.

Trần Hằng
.
.
.