Thị trường bán lẻ trước Tết:

Hàng hóa dồi dào, sức mua chậm

Thứ Tư, 11/02/2015, 09:08
Chỉ còn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng thị trường bán lẻ hàng hóa hầu như vẫn chưa có biến chuyển. Bỏ ra một số vốn không nhỏ để trữ hàng Tết, nhiều người kinh doanh như đang “ngồi trên đống lửa” vì sức mua đang rất ảm đạm.

Không khí nhộn nhịp, sôi động mua sắm Tết của nhiều năm trước đã không còn xuất hiện trong vài năm trở lại đây.

Ngay cả chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, nơi bán buôn hầu hết các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết cũng không tấp nập như mọi năm.

Đa số các tiểu thương ở đây đều ngán ngẩm, bởi so với cùng thời điểm năm ngoái, lượng hàng bán ra năm nay chưa bằng 1/4.

Chị Thuận, chủ quầy Tiến Thuận tại chợ Đồng Xuân cho biết, mọi năm, các mặt hàng như hạt điều, sen sấy, mứt các loại… đều xuất ra mỗi ngày vài tạ. Nhưng đến thời điểm này, chị mới bán “túc tắc” xấp xỉ một tạ/ngày.

Vò tờ báo “đốt vía”, một tiểu thương gần đó than thở: Từ sáng chưa bán được gì, toàn người đi khảo giá với “bốc lên đặt xuống”.

Thời điểm cận Tết cũng là thời điểm “nở rộ” các hội chợ hàng tiêu dùng.

Cũng như mọi năm, ngoài những hội chợ “Nhà nước” tại Triển lãm Giảng Võ hay Trung tâm Hội chợ nông nghiệp thì các diễn đàn dành cho các bà nội trợ cũng đua nhau mở các “hội chợ” nho nhỏ.

Chị Diệp, một chủ shop online có tiếng trên diễn đàn Lamchame kể: Hội chợ vào ngày chủ nhật (8/2) tưởng đông khách hàng, hóa ra toàn “người xem”.

Theo chị Diệp, mọi năm, hội chợ của diễn đàn này khá đông khách vì hội chợ tổ chức khá quy củ, quy tụ những shop bán hàng online có uy tín. Nhưng năm nay, mang 7 thùng hàng ra thì buổi chiều xếp về đúng 6 thùng.

Người đi hội chợ vẫn đông nhưng chủ yếu là nếm thử, xin card rồi hẹn đến cửa hàng mua. Và đến hôm nay, những khách “hẹn đến mua” cũng chưa thấy quay lại cửa hàng.

Bánh kẹo ê hề, người mua vắng bóng.

Sức mua yếu khiến nhiều người kinh doanh không dám bỏ tiền ra trữ hàng.

Chị Thủy, một nhân viên văn phòng làm thêm bán hàng online trên các mạng xã hội cho biết, chị bán hoa quả, mọi năm các loại quả bán rất chạy như bưởi năm roi, thanh long ruột đỏ, nho Ninh Thuận...

Năm nay, khách hàng thân thiết của chị vẫn đặt mua hàng, nhưng số lượng mua đều rút bớt đi.

“Kinh tế khó khăn, người dân bỏ tiền ra mua thứ gì cũng phải tính toán, không “phóng tay” như trước được nữa. Hàng họ ế ẩm chán lắm”, chị Thủy uể oải.

Cũng như chị Thủy, những người bán hàng “tay ngang” khác cũng đều dè chừng, chỉ dám trữ số lượng hàng bằng 1/3 năm trước.

Theo nhiều người bán hàng, năm nay giá cả các mặt hàng phục vụ Tết không có đột biến, thậm chí nếu khéo mặc cả còn nhập được hàng giá “mềm” hơn năm ngoái nhưng tâm lý sợ tồn kho đã khiến thị trường đã trầm lắng lại càng èo uột thêm.

Nhiều chủ cửa hàng hy vọng, sau lễ ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), số lượng người mua sẽ tăng lên.

Không chỉ các tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ, các siêu thị cũng “ngại ôm” hàng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, doanh nghiệp này đã dành hơn 1.200 tỷ đồng dự trữ hàng hóa, chỉ tăng 10% so với Tết Nguyên đán 2014. Tuy nhiên, đại diện Hapro cũng đang lo lắng khi sức mua hiện nay yếu.

"Tính tới thời điểm hiện nay, sức tiêu thụ rất là căng. Nhu cầu mua chưa tăng, trong khi giá cả thì vẫn giữ nguyên", ông Vượng giãi bày.

Lý giải cho nguyên nhân cung đang yếu hơn cầu, ông Vượng cho rằng, vài năm gần đây, sức mua đã chậm lại do chủ yếu là nguồn cung ứng hàng hóa đã dồi dào, thời gian nghỉ dài nên người mua hàng đã "giãn" thời gian mua hàng. Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Hapro vẫn lạc quan: “Hy vọng sau 23 tháng Chạp âm lịch, sức mua sẽ tăng lên”.

Chi Linh
.
.
.