Hải Dương trở thành địa phương thứ 7 có dịch tả lợn Châu Phi
- Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi
- Thành lập nhiều chốt kiểm dịch ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi
Lợn nhiễm bệnh được đem tiêu huỷ. |
Rạng sáng 2-3 các cơ quan chuyên môn thú y Trung ương và địa phương hoàn thành việc chôn tiêu hủy 90 con lợn của gia đình ông Hoàng Văn Chinh đồng thời tiến hành lấy mẫu, cho tiêu hủy lợn tại hai trại kế bên để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, tổ chức tiêu độc, sát trùng, lập vành đai, chốt kiểm soát dịch bệnh theo đúng quy định.
Tính đến thời điểm này, các tỉnh, thành xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi sau khi Cục Thú y bao gồm: Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam và Hà Nội.
Hải Phòng tích cực ngăn chặn dịch
Ngày 2/3 Chi cục chăn nuôi và thú y Hải Phòng cho biết, tính đến ngày 1/3/2019, dịch tả lợn Châu Phi ngoài việc xảy ra tại các hộ chăn nuôi thuộc huyện Thủy Nguyên, đã phát hiện xảy ra tại huyện Tiên Lãng.
Tổng số lợn tiêu hủy tính đến thời điểm hiện tại là 424 con. Trong đó, có 46 con lợn nái, 299 con lợn thịt, 79 con lợn con theo mẹ; trọng lượng lợn tiêu hủy là 19.529kg.
Theo thống kê, hiện đàn lợn tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm tại Hải Phòng có số lượng rất lớn, lên đến hàng chục ngàn con.
Để nhanh chóng khoanh vùng, khống chế dịch bệnh có thể lây lan ra diện rộng, các địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp, thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố.
Theo đó, Chi cục Chăn nuôi & Thú y thành phố đã phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các địa phương thành lập các chốt kiểm dịch động vật kiểm soát chặt chẽ không cho vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch.
Giám sát chặt chẽ đàn lợn trên địa bàn các xã có dịch và các xã nằm trong vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm; phát hiện, xử lý kịp thời các đàn lợn có dấu hiệu mắc bệnh. Kiểm tra, thực hiện khử trùng tiêu độc các hố tự chôn hủy lợn bệnh của hộ chăn nuôi và khu vực xung quanh; tiến hành khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, nơi chôn hủy lợn bệnh 1 lần/ngày liên tục trong 7 ngày; khu vực xung quanh 2 lần/tuần, liên tục trong 3 tuần.
Thông báo cho các hộ, các thôn, xã xung quanh về tình hình dịch bệnh trên đàn lợn. Yêu cầu các hộ chăn nuôi tạm ngừng nuôi mới lợn; theo dõi, giám sát đàn lợn nuôi, báo cáo ngay cán bộ thú y cơ sở, chính quyền địa phương khi phát hiện lợn có dấu hiệu bị bệnh, nghi bị bệnh, thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định…
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, giúp người dân hiểu đúng được tính chất nguy hiểm của bệnh, không giấu dịch, không bán chạy lợn bệnh, không vứt xác lợn bừa bãi ra ngoài môi trường, không buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn, sản phẩm từ lợn mắc bệnh; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tới tận các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nơi kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn nhằm phát hiện sớm, báo cáo kịp thời các trường hợp mắc bệnh, nghi mắc bệnh về Chi cục Chăn nuôi & Thú y để có các biện pháp xử lý kịp thời; khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hành động ngăn chặn, ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên toàn địa bàn thành phố.
Tại Sóc Trăng
Ông Quách Văn Tây, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng, cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của bệnh DTLCP tại các tỉnh phía Bắc thời gian qua, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tập trung triển khai các biện pháp chủ động phòng chống bệnh”.
Một đàn heo trên địa bàn huyện Châu Thành (Sóc Trăng). |
Theo ông Tây, Sóc Trăng đã đưa ra một số giải pháp phòng chống dịch trong thời gian tới như: Đối với trường hợp chưa xảy ra dịch bệnh như hiện nay, cần tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về dấu hiệu nhận biết bệnh, các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP cho các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn.
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển heo nhập vào tỉnh để ngăn chặn xử lý kịp thời các trường hợp vận chuyển heo không rõ nguồn gốc; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc heo nhập vào các lò mổ, thực hiện kiểm dịch, giám sát tình hình dịch bệnh tại các cơ sở giết mổ động vật tập trung.
Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện tiêu độc sát trùng của các chủ cơ sở giết mổ tại các lò mổ tập trung; Triển khai tháng tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn huyện trong tháng 3; Tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Tại Bạc Liêu
Trạm kiểm dịch động vật Ninh Quới, huyện Hồng Dân luôn có cán bộ túc trực 24/24h để kiểm soát số lượng heo xuất, nhập tỉnh. Sau khi kiểm tra giấy phép vận chuyển heo, cán bộ Thú y tiến hành phun hóa chất tiêu độc, sát trùng từng chiếc xe chở động vật mới cho đi qua. Đây là 1 trong 2 trạm kiểm dịch động vật trọng yếu trên địa bàn Bạc Liêu với số lượng động vật xuất, nhập tỉnh mỗi ngày rất lớn.
Các đàn heo ở Sóc Trăng đang được theo dõi chặt chẽ, nhằm phòng tránh dịch tả lợn Châu Phi. |
Ông Nguyễn Văn Nghiêm, Phó Trưởng trạm kiểm dịch động vật Ninh Quới, cho biết: “DTLCP là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra. Đã có 20 quốc gia trên thế giới ghi nhận xuất hiện dịch bệnh này. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài heo, kể cả heo hoang dã, ở mọi lứa tuổi và có tỷ lệ chết đến 100%. Vi rút gây ra bệnh DTLCP có sức đề kháng cao trong môi trường. Heo khỏi bệnh có khả năng mang vi rút trong thời gian dài, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu để xảy ra dịch".
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Bạc Liêu cho biết, trước tình hình bệnh DTLCP lây lan nhanh chóng, mặc dù chưa phát hiện ổ dịch nhưng Bạc Liêu không loại trừ khả năng DTLCP có thể xâm nhập vào địa bàn. Vì vậy, cùng với nỗ lực của ngành chức năng, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh cho đàn heo, thông báo ngay cho ngành chức năng nếu thấy heo có biểu hiện của bệnh để kịp thời xử lý.
Còn ông Quách Văn Tây khuyến cáo, khi có heo bệnh chết nghi mắc bệnh DTLCP, người chăn nuôi phải báo ngay cơ quan chuyên môn gần nhất, cụ thể là trạm chăn nuôi và thú y tại địa phương hoặc báo ngay đến Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và có biện pháp xử lý…