Ngày đầu nới lỏng cách ly xã hội:

Nhiều cửa hàng, quán ăn ở Hà Nội chưa mở cửa trở lại

Thứ Năm, 23/04/2020, 18:20
Ngày 23/4, cùng với nhiều địa phương trong cả nước, Hà Nội bước vào ngày đầu tiên được nới lỏng cách ly xã hội. Thời tiết đang trong những ngày mưa nhưng đường phố đã đông đúc trở lại. Tuy nhiên, nếu như các chợ dân sinh và siêu thị sức mua tăng thì trên các tuyến phố trung tâm, vẫn nhiều cửa hàng ăn, quán cà phê vẫn chưa mở cửa trở lại.


Ngược lại không khí nhộn nhịp tại các chợ, trên nhiều tuyến phố trung tâm và đặc biệt là phố cổ Hà Nội, nhiều cửa hàng vẫn đóng cửa. Trên tuyến phố Hàng Ngang – Hàng Đào, số cửa hàng mở lại chỉ chiếm khoảng 50%, nhưng cũng thưa thớt khách, chủ yếu người bán hàng ngồi nói chuyện với nhau. Đặc biệt, khu vực phố Nguyễn Thiện Thuật (phố bán đồ ăn khá nổi tiếng của Hà Nội, bên hông chợ Bắc Qua) vẫn bị chặn barie tại hai đầu phố. Ai mua bán gì cũng đều được dân phòng giữ lại hỏi kỹ mới được cho qua. 

Phố Nguyễn Thiện Thuật vẫn bị chắn rào hạn chế ra vào.
Còn phố Tạ Hiện, một trong những con phố tấp nập khách du lịch nhất của Hà Nội cũng vẫn đóng cửa hoàn toàn do hầu hết đoạn phố này toàn quán bar, vẫn trong diện chưa được mở cửa. Các phố Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Thợ Nhuộm (cũng thuộc quận Hoàn Kiếm) đều vắng vẻ và ít cửa hàng mở cửa trở lại.

Chị Nguyễn Thị Vụ, một tiểu thương chợ Đồng Xuân cho biết, người qua mua trực tiếp tại quầy rất vắng, chủ yếu chỉ giao dịch mua bán online. 

“Khách hàng toàn khách quen, gọi điện đến và tôi chuẩn bị hàng, đưa hàng cho shipper mang tới tận nhà cho khách”, chị Vụ chia sẻ. Các quán trà đá, trà chanh vỉa hè cũng chưa mở cửa trở lại, cộng thêm thời tiết không thuận lợi nên không khí trên các con phố của Hà Nội khá vắng vẻ trừ lúc tan tầm.

Phố Tạ Hiện, các quán bar vẫn đóng cửa theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Trong những ngày cách ly xã hội, rất nhiều người dân Thủ đô bày tỏ mong muốn, khi kết thúc cách ly, việc đầu tiên sẽ làm là ăn một bát phở, uống một ly cà phê. 

Sáng ngày 23/4, khá nhiều người lại “chưng hửng” vì kéo nhau đi mãi mới tìm được một quán phở mở cửa. Thậm chí, hình ảnh tràn ngập trên mạng xã hội Facebook sáng ngày 23/4 là những bát phở nghi ngút khói. 

Chủ đề ăn phở sau ngày đầu cách ly gây sốt khắp các trang mạng xã hội. Thậm chí,  từ khoá “quán phở nào mở cửa” cũng được tìm kiếm nhiều nhất. 

Các quán phở nổi tiếng như Phở Thìn trên phố Lò Đúc, phở Bát Đàn, phở Lý Quốc Sư… cũng đều chưa mở cửa trở lại. Còn các quán cà phê, mặc dù đã được mở cửa trở lại nhưng khách cũng không ồn ào, đông đúc. Đặc biệt, không xảy ra tình trạng lấn chiếm bày ghế tràn ra vỉa hè như thường thấy.

Phố Hàng Ngang - Hàng Đào, 2 tuyến phố sầm uất nhất của Hà Nội có đến 50% các cửa hàng vẫn đóng cửa.

Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên hết cách ly xã hội, tại 28/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội, hàng hóa tại các chợ, siêu thị dồi dào, sức mua có phần tăng lên. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục được duy trì. 

Tại các chợ truyền thống, chợ cóc người dân đi chợ cũng đông hơn, các quầy hàng đã mở cửa trở lại. Giá các mặt hàng tương đối ổn định, trong đó rau muống 10.000 - 15.000 đồng/mớ, rau cần 10.000 đồng/mớ, rau ngót 7.000- 8.000 đồng/mớ, cà chua 22.000 - 30.000 đồng/kg tùy loại, bí xanh 15.000-20.000 đồng/kg, khoai tây 15.000-17.000 đồng/1kg; hành tây 20.000 đồng/1kg… trứng gà 27.000 đồng/10 quả, trứng vịt 25.000 đồng/10 quả, tôm lớt 150.000 đồng - 230.000 đồng/kg tùy loại, tôm đồng 230.000 đồng/kg, cua đồng 150.000 đồng/kg…

Thịt lợn từ 110.000 - 170.000 đồng/kg, trong đó, thịt vai và sườn thăn là 170.000 đồng/kg, sườn sụn 180.000 đồng/kg, thịt chân giò 150.000 đồng/kg…

Theo ghi nhận, sức mua tại các chợ dân sinh, chợ truyền thống có phần tăng hơn do ngày hôm nay là ngày đầu tháng âm lịch, nhiều người có nhu cầu mua hoa, trái cây, xôi, giò, thịt, cá…

Trong khi đó, tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội vẫn đang thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá nhân dịp lễ 30-4, 1-5. 

Tại siêu thị Big C Thăng Long, chương trình giảm giá có tên “Thực đơn sống khỏe” kéo dài từ hôm nay tới ngày 6-5 với nhiều mặt hàng thực phẩm được giảm giá như vai bò Mỹ, cá ba sa, gà ta CP, tôm he đông lạnh, thịt hàu sữa…; siêu thị Vinmart với chương trình "Vui lễ lớn, mừng non sông", giảm giá nhiều sản phẩm phở, mì, trái cây, nước mắm, sữa tắm… 

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm rau, củ, quả cũng được giảm giá theo chương trình trợ giá từ 30-50% diễn ra nhiều ngày qua. Tại siêu thị Co.opmart cũng chạy nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sâu thu hút người tiêu dùng, kích cầu mua sắm. Lượng người mua sắm tại nhiều siêu thị vì thế có chiều hướng tăng hơn những ngày trước. 

Trong ngày đầu tiên thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, công tác phòng, chống dịch vẫn tiếp tục được thắt chặt. Tại các siêu thị, nhân viên bảo vệ tiếp tục duy trì đo thân nhiệt, hỗ trợ người dân sát khuẩn tay, nhắc nhở việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Tại các chợ, đa số người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, song vẫn có người chủ quan, đeo khẩu trang không đúng cách và chưa giữ khoảng cách an toàn khi mua sắm.

Theo báo cáo của lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Các siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng lượng dự trữ hàng hóa nên nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tương đối đầy đủ. Trong công tác kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của lực lượng QLTT từ 12h00 ngày 22/4 đến 12h00 ngày 23/4 đã kiểm tra, giám sát: 32 vụ việc; xử lý: 7 vụ, với số tiền phạt là 78,2 triệu đồng. 

Lũy kế từ ngày 31/1 đến ngày 23/4, lực lượng QLTT đã kiểm tra, giám sát 8.445 vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 4,33 tỷ đồng. 

Trong thời gian tới, lực lượng QLTT tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, dung dịch diệt khuẩn, vật tư y tế.



Nhóm PV KT-PL
.
.
.