Hà Nội nan giải trước tình trạng chưa mưa đã ngập?

Thứ Bảy, 05/08/2017, 08:24
TP HCM đang ráo riết xây hầm điều tiết chống ngập để hạn chế tình trạng ngập úng nghiêm trọng. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Hà Nội cũng nên xây hồ hoặc làm hầm để chứa nước, thoát ngập bởi hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố đã quá tải, không để đáp ứng tốc độ phát triển của đô thị.



Đầu tư 11.000 tỷ đồng nhưng trung tâm thành phố vẫn ngập trắng

Những cơn mưa lớn, kéo dài dồn dập chừng nửa tiếng đã khiến nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội rơi vào cảnh ngập mênh mông nước. Không chỉ khu vực trung tâm nội đô cũ mà ngay cả những đô thị mới ở phía Tây như quận Nam Từ Liêm, quận Hà Đông cũng rơi vào cảnh chưa mưa đã ngập. Dù so với những năm trước đây, nước rút nhanh hơn song người dân vẫn đặt dấu hỏi về hiệu quả của Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn II vừa mới hoàn thành cuối năm 2016.

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng, với các trận mưa có lượng lớn hơn 50mm - 100mm/2 giờ thì nội thành Hà Nội xuất hiện 18 điểm úng ngập cố hữu. Tuy nhiên, với những trận mưa cấp tập trong thời gian ngắn như sáng 17-7 hoặc chiều tối 19-6, số điểm bị nước ngập lớn hơn rất nhiều. Thậm chí, ngay cả khu vực trung tâm như hồ Hoàn Kiếm cũng ngập trắng. 

Thực tế này gây bức xúc cho người dân nội thành bởi Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn II ngốn gần 11.000 tỷ đồng vừa mới hoàn thành vào cuối năm 2016. 

Giải thích về tình trạng “cứ mưa lớn là ngập ở nội thành Hà Nội”, Ban QLDA Thoát nước Hà Nội, nay là Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình cấp, thoát nước và môi trường Hà Nội cho biết, mục tiêu của dự án là chống ngập úng cho đô thị lõi của Hà Nội trong lưu vực sông Tô Lịch (có ranh giới từ sông Tô Lịch đến sông Hồng), với diện tích lưu vực là 77,5 km². Chu kỳ bảo vệ được tính toán là 10 năm đối với sông và mương thoát nước, ứng với lượng mưa là 310mm/2ngày (giai đoạn I là 172mm/2ngày), chu kỳ 5 năm đối với hệ thống cống ứng với lượng mưa là 70mm/giờ. 

Giải pháp làm hầm chống ngập được cho là không khả thi với Hà Nội.

“Lượng mưa đạt tới gần 100mm trong 2 giờ là vượt công suất thiết kế nhiều lần nên không thể tránh được bị ngập cục bộ trong khoảng thời gian ngắn” - vị đại diện chủ đầu tư nói.

Mặc dù đại diện chủ đầu tư dự án  thoát nước Hà Nội giai đoạn II cho rằng, công suất thoát nước ứng với lượng mưa là 310mm/2 ngày của dự án thoát nước giai đoạn II là tương thích với con số quy định tại đồ án Quy hoạch Thoát nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, song nhìn vào quy hoạch này, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam đặt câu hỏi: “Quy hoạch tới năm 2030, vậy tại sao chưa đến năm 2020 mà khu vực trung tâm Hà Nội vẫn ngập khi có mưa lớn kéo dài 2-3 giờ đồng hồ? Dự án thoát nước giai đoạn II chỉ là một giải pháp, còn Quy hoạch thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn 2050 phải bao gồm một loạt các giải pháp dài hơi, khả thi. Những giải pháp ấy phải được nghiên cứu, bàn bạc cụ thể, rồi mới lập kế hoạch và triển khai”.

Có nên xây siêu hầm ngầm thoát nước?

Liên quan đến ý kiến cho rằng, Hà Nội có thể xây hồ hoặc siêu hầm ngầm tích nước chống ngập cho khu vực nội thành, GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, đây là giải pháp không khả thi đối với khu vực Hà Nội và cả khu vực đồng bằng Bắc bộ. Bởi Hà Nội nằm trên vùng phù sa cổ, dưới sâu lòng đất không phải chỉ là đá với đất mà là lớp trầm tích dạng than bùn. Do vậy, nếu làm hầm ngầm để tích nước chống ngập sẽ như một quả bom bên dưới, có thể gây lún sụt, vỡ bất kỳ lúc nào bởi tính ổn định không cao. Đó là chưa kể, chi phí để làm hầm ngầm chống ngập rất tốn kém, trên thế giới không phải nước nào cũng làm được. 

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, thay vì ý tưởng đào hồ, làm hầm ngầm, giải pháp tối ưu cho thoát nước ở Hà Nội và khu vực đồng bằng Bắc bộ là tiêu thoát ra sông, hồ sẵn có. “Chúng ta có một hệ thống sông, hồ chằng chịt như vậy, tại sao không cải tạo, khơi thông để tiêu thoát nước. Nội thành Hà Nội cũng có nhiều dòng sông tiêu thoát nước như Tô Lịch, Kim Ngưu, Nhuệ nhưng nơi thì bị lấn chiếm, nơi chưa được khơi thông thành ra ùn ứ, nước không tiêu thoát kịp…”.

Còn theo KTS Trần Huy Ánh, quy hoạch đô thị hiện nay chia theo địa bàn, tư duy quy hoạch manh mún, quá trình triển khai quy hoạch lại chắp vá nên không thể giải quyết triệt để vấn đề của một đô thị với hàng triệu dân. Hiện tại, Hà Nội đang thiếu kịch bản, chiến lược thoát nước bài bản, có kiểm soát. Các khu đô thị sẽ phải đối mặt với vấn đề ngập úng lâu dài khi khí hậu ngày càng khó khăn, khắc nghiệt hơn.

Ngoài ra, nền của các khu đô thị mỗi nơi một mức, nên nước sẽ chảy từ khu này sang khu kia. Quy luật thoát nước là từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây nhưng kịch bản để vận dụng dòng chảy tự nhiên một cách hiệu quả thì hiện chưa có. 

“Tới bây giờ hoạt động thoát nước trong nội thành Hà Nội vẫn phụ thuộc vào dòng chảy tự nhiên của sông Kim Ngưu. Đây vẫn là dòng sông chủ lực để thoát nước. Nếu chúng ta khơi thông dòng chảy, sẽ giải quyết được những vấn đề cơ bản. Cộng thêm hệ thống hồ điều hòa ở những lưu vực khác nhau giúp điều tiết nước”, KTS Trần Huy Ánh phân tích. 

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, các hồ, giếng chứa nước, hệ thống cống thoát nước dọc theo các phố cần được nạo vét thường xuyên để tạo độ chênh dòng chảy, khi xảy ra ngập nước sẽ tiêu thoát tốt hơn, bởi thực tế nước thải đã đầy cống, thêm nước mưa chắc chắn là tắc cống.

Ngọc Yến
.
.
.