Hà Nội: Phương án nào đối phó với mưa ngập?

Thứ Tư, 18/03/2009, 14:46

Hà Nội chuẩn bị bước vào mùa mưa bão mới của năm 2009. Hình ảnh một Hà Nội ngập sâu trong nước cách đây chưa lâu vẫn làm cho nhiều người dân Thủ đô lo ngại khi nghĩ đến mùa mưa năm nay. Hà Nội đã có những biện pháp như thế nào để đối phó với mùa mưa sắp tới? Đó là câu hỏi đang được rất nhiều người dân quan tâm.

Hà Nội đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước

Theo ông Bùi Hữu Đoan, Cục phó Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, TP Hà Nội đang thực hiện giai đoạn 2 của quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước. Để xây dựng quy hoạch tổng này, tổ chức JICA của Nhật Bản đã nghiên cứu tài liệu thống kê tình trạng mưa từ năm 1955 đến năm 1995 của Hà Nội.

Giai đoạn 1 của quy hoạch đã được tiến hành từ năm 1995 đến năm 2000 trên phạm vi lưu vực sông Tô Lịch bao gồm 4 quận nội thành của Hà Nội là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và một phần thuộc 2 huyện Thanh Trì, Từ Liêm với diện tích lưu vực là 77,5km2. Nội dung của giai đoạn 1 là  tập trung vào cải tạo các hồ nội thành Hà Nội, tăng thể tích điều hoà nước mưa đồng thời xây dựng kè và đường dạo xung quanh các hồ Giảng Võ, Thanh Nhàn 1, 2 và hồ Thiền Quang; cải tạo sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét...; xây dựng Trạm bơm Yên Sở với công suất 45m3/s.

Giai đoạn 2 của quy hoạch đã tiếp tục khởi công từ cuối năm 2008, dự kiến năm 2012 sẽ hoàn thành. Nội dung giai đoạn 2 là nâng công suất Trạm bơm Yên Sở từ 45m3/s lên 90m3/s. Đặc biệt là hoàn chỉnh các sông mương nội đô như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu, mương Hoàng Liệt, mương Thanh Liệt với tổng chiều dài khoảng 32km; cải tạo, nâng cấp dung tích chứa nước cho các hồ nội thành như Hào Nam, Đống Đa…; cải tạo, xây dựng mới các cống thoát nước trong lưu vực đáp ứng yêu cầu về chu kỳ ngập lụt là 5 năm, xây dựng hệ thống cống bao để thu gom nước thải khu vực nội thành cũ; xây dựng trạm xử lý nước thải tại Công viên Thống Nhất nhằm cải thiện chất lượng nước và bổ sung trạm xử lý nước thải tại phường Trần Phú, quận Hoàng Mai.

Mục đích của dự án là chống ngập úng cho lưu vực sông Tô Lịch với chu kỳ úng ngập là 10 năm đối với sông và mương thoát nước, chu kỳ 5 năm đối với hệ thống cống. Bên cạnh đó, dự án cũng nghiên cứu các phương án cải thiện môi trường và cảnh quan đô thị, tăng cường năng lực cho công tác quản lý, vận hành hệ thống thoát nước thành phố.

Quan trọng nhất vẫn là sự ứng phó kịp thời của các cơ quan chức năng

Tuy nhiên, cũng theo ông Bùi Hữu Đoan, các dự án cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước Hà Nội trong thời gian qua chưa giải quyết một cách tổng thể vấn đề thoát nước thành phố. Các dự án mới dừng lại ở mức cải tạo hệ thống thoát nước mưa cho 4 quận nội thành. Hệ thống thoát nước vẫn là hệ thống thoát nước chung, chưa tách ra nước thải để xử lý.

Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ngập úng trên địa bàn Thủ đô như các hệ thống thoát nước Hà Nội được xây dựng, cải tạo phục vụ cho lưu vực sông Tô Lịch  chưa hoàn chỉnh với chu kỳ ngập úng là 10 năm; Trạm bơm Yên Sở mới đảm bảo cho chu kỳ 5 năm với cường độ mưa 172mm/2 ngày. Trận mưa lịch sử cuối năm 2008 có cường độ lớn hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, trong tính toán hệ thống mương, cống thoát nước có những thông số rất quan trọng từ năm 1995 đến nay đã có nhiều thay đổi. Ví dụ, vào những năm đó, mật độ xây dựng thành phố còn thấp, có nhiều khu vực trống, do vậy hệ số dòng chảy được chọn là 0,7-0,75 tương đương với hệ số thấm là 0,3-0,25. Đến nay, do tốc độ bê tông hoá thành phố, xây nhà, đường, các khu vui chơi… thì hệ số dòng chảy của Hà Nội hiện nay là 0,9 - 0,95. Có nghĩa là nước mưa hầu như không còn khả năng thấm xuống đất khi mưa. Nhiều hồ tự nhiên, khu vực đất trũng bị lấp để lấy đất xây dựng, các hồ còn lại, hệ thống mương cống bị bồi lấp.

Trước câu hỏi tại sao sau trận mưa lũ lịch sử, Hà Nội lại không thực hiện ngay một quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước tương xứng với lượng mưa lớn như vậy. Lý giải về vấn đề này, ông Bùi Hữu Đoan cho rằng, việc đầu tư để xây dựng một hệ thống cống thoát nước tốn kém mà hàng chục năm mới gặp một lần như vậy phải được tính toán cẩn thận liên quan đến vấn đề an toàn và kinh tế của dự án. Có nên đầu tư dự án chống úng ngập, thoát nước cho Hà Nội với chu kỳ chống úng ngập mà 50 năm mới gặp một lần? Nếu trong năm 2009, Hà Nội tiếp tục xảy ra tiếp một trận mưa lũ như vậy, việc đối phó kịp thời và nhanh chóng sẽ giúp Hà Nội khắc phục được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Bộ Xây dựng đã đề xuất những nhiệm vụ cần thực hiện trong giai đoạn tới: TP Hà Nội cần tổ chức triển khai lập quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP Hà Nội theo địa giới hành chính mới. Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội sẽ phối hợp rà soát các dự án hạ tầng đã và đang triển khai, đánh giá hiệu quả của các dự án, đề xuất các dự án ưu tiên cũng như biện pháp triển khai, đẩy nhanh tiến độ các dự án đảm bảo thoát nước cho Thủ đô

T.Huyền - N.Hương
.
.
.