Hà Nội mở ki ốt dịch vụ công trực tuyến tại các khu nhà cao tầng
- Dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
- Hà Nội ban hành danh mục 375 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4
- Hà Nội đưa vào hoạt động 53 dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực y tế
Chiều 15-2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì họp Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử TP Hà Nội. Theo báo cáo của Sở TT&TT Hà Nội, đến cuối năm 2018, TP đã hoàn thành chuyển đổi các (DVCTT) trên hệ thống cũ (trên hệ thống eSAMs và Cổng dịch vụ công tại địa chỉ https://egov.hanoi.gov.vn) sang Cổng dịch vụ công của TP tại địa chỉ https://dichvucong.hanoi.gov.vn, kết nối hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của TP. Như vậy, hiện nay, Hà Nội đã có 1.055 DVCTT.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, 2019 là năm Hà Nội cần bứt phát, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử. Chủ tịch UBND TP đánh giá cao việc các sở ngành, quận huyện đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp phần mềm để thực hiện đúng lộ trình triển khai 55% dịch vụ công trực tuyến đến ngày 31-12-2018. “Đã có nửa triệu hồ sơ trực tuyến được thực hiện, rõ ràng việc lưu trữ, quản lý đạt hiệu quả cao hơn”, đồng chí Nguyễn Đức Chung đánh giá.
Trước mắt, Hà Nội sẽ triển khai các kiot dịch vụ công trực tuyến tại các toà nhà cao từ 17 tầng trở lên. |
Về mục tiêu 80% dịch vụ công trực tuyến sẽ đạt mức độ 3 và 4 trong năm 2019, Chủ tịch UBND TP nêu rõ, con số này phải là 100% (trong đó 35% phải thực hiện cấp độ 4). Chủ tịch UBND TP phân tích, vướng mắc nhất hiện nay vẫn nằm ở khâu thanh toán thuê dịch vụ.
Theo người đứng đầu TP: “3 năm qua, việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin đã mang lại lợi ích cho người dân và TP nên không có gì phải băn khoăn mà phải dứt khoát thực hiện. Chúng ta cần phải minh bạch, sẵn sàng công khai”. Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo Sở TT&TT chủ trì lắp đặt các ki ốt để phục vụ người dân tham gia dịch vụ công và các tiện ích khác. Trước mắt, cần sớm triển khai ở các tòa nhà từ 17 tầng trở lên...
Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở TT&TT khẩn trương phê duyệt xong khung kiến trúc điện tử phiên bản 2.0; các sở ngành, quận huyện thành lập Ban chỉ đạo tích hợp công nghệ thông tin và cải cách hành chính; tổ chức đào tạo trực tuyến cho cán bộ, công chức, viên chức...
Lãnh đạo sở ngành, các quận huyện chịu trách nhiệm với lãnh đạo TP về việc triển khai số hóa cơ sở dữ liệu. 100% xã phường thị trấn đến 30-6-2019 phải hoàn thành lắp đặt thiết bị để phục vụ họp trực tuyến; lắp đặt camera ở quận huyện phải đảm bảo ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ điều hành thông minh...
Theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TP, Sở Du lịch cần khẩn trương hoàn thành dự án du lịch thông minh; Sở TT&TT và Văn phòng UBND TP lựa chọn một số đơn vị công nghệ thông tin có uy tín để kiểm tra trình độ cán bộ, đảm bảo mỗi công chức, viên chức phải biết tự động cập nhật, nâng cao trình độ, lấy đó làm tiêu chí đánh giá việc có hoàn thành nhiệm vụ hay không.
Tại buổi làm việc, UBND TP Hà Nội cũng công bố Quyết định số 699/QĐ-UBND về thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội và dự thảo quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo. Theo đó, Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội do Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng ban.