Gỡ những “nút thắt” trong bảo hiểm nông nghiệp

Thứ Bảy, 10/09/2016, 06:33
Thực tiễn triển khai hoạt động thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) cho thấy đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc triển khai BHNN. Là chính sách nhằm ổn định sản xuất, đời sống của người dân, góp phần thực hiện tốt an sinh xã hội. 


Các địa phương được lựa chọn làm thí điểm với các sản phẩm, như: cây lúa, vật nuôi, thuỷ sản… là những mặt hàng sản xuất nông nghiệp quan trọng của địa phương; phù hợp với điều kiện, đặc thù sản xuất nông nghiệp, phân bố dân cư và yêu cầu phát triển kinh tế. Đến nay, có trên 300.000 hộ nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN; trong đó, trên 7.400 hộ tham gia bảo hiểm thủy sản.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thí điểm BHNN cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế nhất định. Cụ thể, BHNN là loại hình bảo hiểm mới, rất phức tạp, lần đầu làm thí điểm, chưa có nhiều kinh nghiệm; địa bàn triển khai BHNN rất rộng, trải dài trên 20 tỉnh, thành phố; thiên tai dịch bệnh xảy ra nhiều, đa dạng, mỗi địa phương mỗi khác.

Do vậy, cơ chế, chính sách mặc dù đã được Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT thường xuyên rà soát, đánh giá và sửa đổi bổ sung kịp thời để đáp ứng thực tế, nhưng không phải đã phù hợp hết nhu cầu, đặc trưng riêng có của từng địa phương.

Thu hoạch tôm nuôi tại Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Theo ông Phạm Xuân Phong, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Bảo Minh, trong giai đoạn triển khai thí điểm BHNN, hộ nghèo được miễn 100% phí bảo hiểm và hộ cận nghèo được miễn 90%. Điều này vô tình tạo sự ỷ lại trong một bộ phận người dân. Nhiều hộ suy nghĩ “đã có bảo hiểm lo” nên không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nuôi thủy sản, dẫn đến bị thiệt hại rất lớn.

Thủy sản phải được nuôi đúng quy trình kỹ thuật để bảo đảm chất lượng và tránh phát sinh dịch bệnh. Đây là cơ sở để cấp hợp đồng bảo hiểm và giải quyết bồi thường bảo hiểm. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định, doanh nghiệp bảo hiểm nhận thấy có nhiều trường hợp hộ nuôi thủy sản không đúng quy trình kỹ thuật đưa ra…

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết: “Nông nghiệp nói chung và thuỷ sản nói riêng là ngành gặp nhiều rủi ro, đặc biệt là ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu. Thực tế, vốn liếng của bà con rất ít nên rất cần bảo hiểm để được yên tâm.

Việc triển khai chương trình này đã góp phần to lớn vào việc ổn định sản xuất các sản phẩm có ưu thế của các địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai trên đã phát sinh nhiều bất cập, như: quy trình kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản chưa phù hợp với thực tế; tập quán canh tác của người dân; công tác kiểm tra, giám sát cũng như sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan còn nhiều hạn chế…

Tại hội nghị: “Đánh giá việc triển khai thí điểm BHNN đối với thủy sản”, vừa được tổ chức tại TP Cần Thơ, lãnh đạo các Sở NN&PTNT các tỉnh, thành ĐSBCL cho rằng, quy trình nuôi thuỷ sản thực hiện theo quy định của các công ty bảo hiểm đưa ra là chưa phù hợp, nhiều khi không thể đáp ứng được.

Cụ thể, đối với thuỷ sản, quy trình nuôi phải có cống cấp và thoát nước riêng biệt; đảm bảo nước được khử trùng trước khi thả con giống; các chỉ tiêu nguồn nước cũng phải đạt tiêu chuẩn… nhưng thực tế các ao nuôi tôm, cá đều có chung 1 đường dẫn nước ra vào.

Ngoài ra, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng với các công ty bảo hiểm còn nhiều khó khăn. Mặc dù có thành lập Ban chỉ đạo, nhưng việc phân công trách nhiệm lại khác nhau. Có địa phương giao cho Sở Tài chính chủ trì, có địa phương lại giao cho Sở NN&PTNT chủ trì…

Ông Phạm Xuân Phong cho biết thêm, thời gian tới nên bỏ tiêu chí hộ nghèo được miễn 100% phí đóng bảo hiểm. Vì Nhà nước vẫn hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo, nhưng phải trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro với công ty bảo hiểm. Điều này là để bà con nâng cao trách nhiệm của mình với con tôm, con cá thả nuôi.

Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng đồng tình với quan đểm trên: “Việc bắt buộc hộ nghèo phải tự chi trả một tỷ lệ nhất định phí bảo hiểm là để họ có trách nhiệm hơn trong việc kiểm soát, quản lý rủi ro, vì thời gian qua đã có biểu hiện trục lợi từ việc đền bù bảo hiểm thủy sản”.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, nếu được Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai BHNN, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan họp bàn đưa ra mức mà hộ nghèo phải đóng khi tham gia bảo hiểm cũng như các vấn đề liên quan.

“Phải thành lập tổ thẩm định, giám sát để có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan trong vấn đề xác định mức độ thiệt hại. Từ đó làm căn cứ cho công ty bảo hiểm chi trả cho người tham gia bảo hiểm, nhằm tránh tình trạng trục lợi như thời gian qua” – ông Trần Thanh Nam khẳng định.         

Trong 3 năm (2011, 2012, 2013) triển khai thí điểm BHNN có 304.017 hộ nông dân/tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia BHNN.

Trong đó, có 233.361 hộ nghèo; 45.944 hộ cận nghèo; 24.711 hộ thường (8,1%). Có 236.397 hộ, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm cây lúa; 60.133 hộ tham gia bảo hiểm vật nuôi; 7.487 hộ tham gia bảo hiểm thủy sản. Tổng giá trị được bảo hiểm của cả chương trình thí điểm là 7.747,9 tỷ đồng; trong đó, bảo hiểm cây lúa 2.151 tỷ đồng, bảo hiểm vật nuôi 2.713,2 tỷ đồng và bảo hiểm thủy sản là 2.883,7 tỷ đồng.

Tổng doanh thu phí BHNN sau 3 năm triển khai thí điểm là 394 tỷ đồng. Tổng số tiền giải quyết bồi thường bảo hiểm đến thời điểm 20/6/2014 là 701,8 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường bảo hiểm là 178,1%).

Trong đó, chủ yếu bồi thường BH thủy sản với tổng số tiền đã bồi thường là 669,5 tỷ đồng (306%); bồi thường bảo hiểm cây lúa 19 tỷ đồng; bồi thường bảo hiểm vật nuôi 13,3 tỷ đồng…

Đức Văn
.
.
.