Giữ mạch nguồn cho châu thổ Cửu Long
Nhờ nguồn nước dồi dào, lượng phù sa lớn, khí hậu thuận lợi… nhiều năm qua ĐBSCL là vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất cả nước; đóng vai trò tiên phong trong bảo đảm an ninh lương thực Quốc gia cũng như xuất khẩu nông, thủy sản đáng kể ra thế giới.
Mỗi năm, sông Mê kông chuyển về ĐBSCL từ 450-475 tỷ m3 nước và tải theo khoảng 160 triệu tấn phù sa. Nếu chia khối lượng nước của sông Mê kông cho khoảng 20 triệu dân vùng ĐBSCL thì mỗi người có thể nhận từ 25.000-30.000m3 nước (gấp 5-6 lần lượng nước nội địa trung bình cho mỗi đầu người Việt Nam). Tuy nhiên, những năm gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy tài nguyên nước ở ĐBSCL đang bị suy kiệt về số lượng, chất lượng và chế độ dòng chảy theo mùa…
Tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi cho chiến lược qui hoạch phát triển vùng châu thổ Cửu Long. |
Theo nhận định của các nhà khoa học, việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy nước về ĐBSCL; giảm lượng phù sa; giảm nguồn lợi thủy sản; xâm nhập mặn sâu vào nội đồng… Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu (BĐKH) là yếu tố tác động lên nguồn nước ở ĐBSCL.
Các kịch bản phát thải khí nhà kính đều cho thấy, trong tương lai nhiệt độ khu vực có xu thế gia tăng dần khiến khô hạn nghiêm trọng hơn. Lượng mưa đang thay đổi thất thường, sự phân bố lượng mưa theo tháng đang có dấu hiệu biến động khác với những quy luật nhiều năm trước. Hiện tượng nước biển dâng đang diễn ra làm đe dọa tài nguyên nước không chỉ riêng cho các tỉnh ven biển mà cả vùng nước trong nội vùng ĐBSCL.
Th.s Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng công tác BĐKH Cần Thơ cho rằng, cần nhìn nhận lại ô nhiễm nguồn nước không chỉ do hoạt động công nghiệp mà có 2 nguồn không được quan tâm nhiều, đó là ô nhiễm từ nông nghiệp và từ sinh hoạt. Tất cả các nguồn ô nhiễm đều đi xuống nguồn nước.
Cụ thể, việc đẩy mạnh các hình thức thâm canh, tăng vụ trong sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc khiến nguồn nước bị nhiễm dư lượng các loại nông dược, thuốc bảo vệ thực vật, các chất hữu cơ chưa phân hủy; tập quán cất nhà, họp chợ, chăn nuôi bên sông, kênh, rạch. Hầu hết các tỉnh, thành trong vùng đều có hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà máy ven sông lớn nhưng chưa chú trọng xử lý nước thải công nghiệp càng làm chất lượng nước suy thoái tới mức báo động…
PGS-TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu về BĐKH, Trường ĐH Cần Thơ cho biết: “Hiện nay hầu hết nguồn nước mặt trên các sông rạch vùng châu thổ Cửu Long bị ô nhiễm. Mặc dù đã xác định được những nguyên nhân khiến cho chất lượng nguồn nước mặt trên các sông, rạch bị ô nhiễm, nhưng chúng ta không thể chặn tất cả các nguồn gây ô nhiễm nguồn nước được mà việc chúng ta cần làm lúc này là siết chặt lại các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các dự án.
Buộc nhà đầu tư hoàn thành các hạng mục xử lý chất thải trong quá trình sản xuất muốn thải ra môi trường phải đạt tiêu chuẩn theo quy định mới cho phép hoạt động. Hạn chế phát triển các tuyến dân cư dọc những tuyến sông; hoàn thành hệ thống xử lý nước thải ở đô thị, khu, cụm công nghiệp; tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm nước. Đối với các vùng ven biển khuyến khích người dân dự trữ nước mưa để hạn chế khai thác nước ngầm.
Tập trung đầu tư phát triển năng lượng tái tạo để giảm dần các nhà máy nhiệt điện… Xa hơn là quản lý sử dụng nguồn nước sông Mê Kông phải tạo ra khung pháp lý đối với các nước trên lưu vực sông Mê Kông, việc này khó nhưng phải làm để giảm áp lực nguồn nước đối với cùng ĐBSCL”.
Cũng theo ông Tuấn, cần ngưng ngay việc mở rộng diện tích đê bao, chỗ nào trồng lúa không hiệu quả dần bỏ đê bao. Phải có những điều chỉnh lịch thời vụ kịp thời, đẩy mạnh nghiên cứu tìm ra các giống cây con mới có thể chịu đựng khô hạn, nhiễm mặn tốt hơn. Trong canh tác nông nghiệp, biện pháp tưới tiết kiệm nước sẽ là một giải pháp giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và phù hợp với sự suy kiệt nguồn nước.
Phát triển kinh tế là điều cần thiết, nhưng các địa phương cũng cần phải tính toán cái được cái mất, nếu cứ chú trọng vào phát triển kinh tế mà không quan tâm đến môi trường, cái lợi mang lại không đủ để giải quyết hậu quả về môi trường từ phát triển kinh tế gây ra. Điều lưu ý là khi thực hiện dự án có liên quan đến môi trường thì phải tham vấn cộng đồng trước khi đưa ra quyết định có cho đầu tư hay không, đừng để xảy ra sự cố về môi trường rồi lại tìm cách đối phó.
Theo quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL, dự báo nhu cầu sử dụng nước đến năm 2020 khoảng 1,97 triệu m3/ngày; đến 2025 khoảng 2,65 triệu m3/ngày và đến năm 2030 khoảng 3,27 triệu m3/ngày. Trong khi đó, nước không phải tài nguyên vô hạn. Vì vậy, việc quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước là cần thiết, đảm bảo sự phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL.
Trong bối cảnh nguồn nước bị tác động nghiêm trọng, nếu không có giải pháp hiệu quả thì nguy cơ người dân châu thổ Cửu Long phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt và sản xuất. Một trong những yếu tố cốt lõi, là thay đổi nhận thức của cộng đồng: “Nước không là tài nguyên vô hạn”.
TS Dương Văn Ni (Trường ĐH Cần Thơ), chia sẻ: “Không có nước không có đồng bằng. Thành công đầu tiên trong bảo vệ nguồn nước phải đến từ con người. Bởi khi con người hiểu sâu sắc về vấn đề sẽ dẫn đến hành vi đúng đắn. Từ đó, có thể bàn bạc, xây dựng những mô hình thành công trong quản lý tài nguyên nước. Luật chỉ xử lý khi hành vi đã xảy ra.
Do vậy, thông qua tăng cường tuyên truyền, tác động vào ý thức mỗi người dân cùng giữ gìn, bảo vệ nguồn nước. Với định hướng đúng đắn kết hợp cùng tài nguyên bản địa và yếu tố con người sẽ dẫn đến mô hình thành công, bền vững”…