Nông dân đồng bằng sông Cửu Long phấn khởi sau chỉ đạo thu mua lúa của Thủ tướng

Thứ Sáu, 22/02/2019, 09:05
Sau chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 2 ngày qua, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo đã thu mua lúa cho nông dân tại các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhiều nông dân trồng lúa tại Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ… phấn khởi cho biết giá lúa bắt đầu tăng nhẹ. Thương lái bắt đầu thu mua nhiều hơn, với mức giá tăng nhẹ từ 50 đến 300 đồng/kg, tuỳ từng nơi…

Vụ lúa Đông Xuân 2018 – 2019, vùng ĐBSCL xuống giống khoảng 1,6 triệu héc ta, năng suất dự kiến đạt khoảng 11 triệu tấn. Đến thời điểm này, toàn vùng đã thu hoạch được khoảng 40% diện tích, dự kiến gần cuối tháng 2 sẽ bước vào giai đoạn thu hoạch rộ… Ghi nhận của PV Báo CAND sáng 21-2, giá lúa IR 50404 được mua tại ruộng trên các cánh đồng ở Cần Thơ và Hậu Giang, dao động từ 4.400-4.500 đồng/kg.

Mức giá này tăng cao hơn vài ngày trước đó, khoảng 200-300 đồng/kg. Dọc theo tuyến QL61C, đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) và huyện Châu Thành A (Hậu Giang), lúa chín vàng rực trên cánh đồng. Thương lái và nông dân vẫn đang thỏa thuận giá lúa theo hướng tăng nhẹ.

Những hộ đã nhận tiền cọc của thương lái cách nay 3 ngày, giá lúa là 4.300 đồng/kg đối với giống  IR50404. Còn trong ngày 21-2, thương lái thu mua tận đồng với giá 4.400-4.500 đồng/kg. Nông dân Trần Văn Tám (56 tuổi, ngụ xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, Hậu Giang), cho biết: “Năm nay gia đình ông xuống giống 16 công (1.000m2/công) lúa, với mong muốn sẽ thắng lợi ở vụ đầu năm, nhưng năng suất không đạt. Giá lúa cũng thấp hơn năm ngoái.

“Khi mới xuống giống, thương lái đến thỏa thuận đặt cọc 5.300 đồng/kg. Tuy nhiên, chúng tôi không nhận vì nghĩ giá lúa sẽ lên cao. Trước Tết Nguyên đán, giá lúa khoảng 5.000 đồng/kg, rồi giảm dần đến nay chỉ còn 4.300 đồng/kg. Sau khi Chính phủ có chỉ đạo về đảm bảo thu mua lúa cho người dân nên giá lúa nhích lên được 200 đồng/kg. Đồng lúa của tôi còn hơi xanh nên đợi được, chứ mấy đồng xung quanh đã bán từ tuần trước”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - Trương Cảnh Tuyên cho biết, các sở, ngành liên quan của tỉnh đề nghị Ban giám đốc các HTX và nông dân cố gắng đàm phán với DN, thống nhất về mức giá thu mua hợp lý. Bởi, trong làm ăn thì giá cả thị trường luôn biến động thất thường nên cần có sự chia sẻ lẫn nhau, từ đó mới duy trì tính hợp tác lâu dài. Riêng Phòng Nông nghiệp và kinh tế các địa phương cần rà soát, nắm bắt lại tình hình hợp đồng bao tiêu lúa giữa nông dân và doanh nghiệp.

Anh Trần Văn Hào (ngụ xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) cho biết, lúa tươi loại thường đang có giá 4.300 đồng/kg, còn lúa thơm là 5.200 đồng/kg, giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với năm trước. Theo nhiều nông dân, đầu vụ có thương lái vào tận ruộng hỏi đặt cọc mua lúa giá từ 4.800-5.000 đồng/kg nhưng nhiều người không bán, vì ai cũng kỳ vọng giá cao hơn. Tuy nhiên, đến vụ thu hoạch này, họ kêu bán rất khó. “Dù rất lo lắng nhưng nông dân trồng lúa cũng yên tâm, vì Thủ tướng Chính phủ đã có những quan tâm, chỉ đạo kịp thời. Mong rằng sẽ có những chuyển biến tích cực trong vài ngày tới”, anh Hào phấn khởi nói.

Nông dân tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân.

Vụ lúa Đông Xuân 2018 - 2019, tỉnh Đồng Tháp xuống giống được 205.000 ha và thu hoạch rộ vào đầu tháng 3-2019. Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giá lúa tại Đồng Tháp tăng từ 50-100 đồng/kg. Cụ thể, giá lúa tươi IR50404 được thu mua dao động quanh mức 4.500-4.550 đồng/kg. Lúa hạt dài, lúa thơm cũng tăng nhẹ 100-150 đồng/kg. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Tháp làm việc với các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhu cầu thu mua lúa tiếp cận vốn, phát huy hệ thống kho sấy lúa tại các HTX, hỗ trợ nông dân tạm lưu tại kho. Các DN tiếp tục hỗ trợ người nông dân. Trước mắt tập trung các hợp đồng đã ký kết bao tiêu với nông dân.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, 2 ngày nay giá lúa có nhích lên từ 100-200 đồng/kg. Lãnh đạo Sở Công thương cho biết, tính đến cuối tháng 1-2019, Vĩnh Long xuất khẩu được 1.000 tấn gạo (từ hợp đồng năm 2018 chuyển sang).

Trước tình hình giá lúa giảm và bán khó, nhiều địa phương đã đề xuất các giải pháp mua tạm trữ và hỗ trợ tín dụng. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long đã có công văn gửi chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn về việc cho vay thu mua lúa, gạo vụ Đông Xuân 2019. Vụ Đông Xuân 2018-2019, tỉnh Vĩnh Long xuống giống gần 55.000 ha. Đến thời điểm hiện tại đã thu hoạch được gần 9.000 ha, ước năng suất 6,7- 6,8 tấn/ha. Tổng sản lượng toàn vụ, ước đạt trên 367.000 tấn, hiện còn khoảng 300.000 tấn trên ruộng. Từ 25-2 đến 15-3 là thời điểm nông dân thu hoạch rộ, đến cuối tháng 3 sẽ thu hoạch dứt điểm.

Tại các huyện như Cái Bè, Tân Phước, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy (Tiền Giang), nông dân đã bước vào thu hoạch lúa. Nhiều hộ đã phơi khô trữ lại trong nhà, chờ thương lái thu mua. “Gia đình tôi có hơn 10 công đất trồng lúa. Vụ Đông Xuân năm nay, gia đình thu hoạch hơn 6 tấn. Hiện đã thu hoạch xong nhưng tiền công thu hoạch lúa, tiền vận chuyển, phơi sấy, vật tư… vẫn còn nợ. Hai hôm nay giá lúa có tăng nhẹ nhưng so ra vẫn rất thấp so với cùng kỳ.

Đây được xem là vụ chính của năm nên người dân kỳ vọng rất nhiều”, ông Nguyễn Ngọc Tam (ngụ huyện Cai Lậy) nói. Còn tại ấp An Hòa 2 (xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), nhiều nhà nông thu hoạch xong. Chỉ ra đống lúa đang ở ngoài ruộng, anh Trần Giang Thành cho biết: “Ở đây bà con chủ yếu làm giống lúa Đài Thơm 8, hiện nay giá chỉ còn 4.600 đồng/kg mà vẫn chưa bán ra vì giá chưa được như năm rồi. Năm nay, chi phí đầu tư tăng, năng suất giảm. Chúng tôi chỉ mong Nhà nước có những giải pháp bền vững giúp bà con tiêu thụ lúa”. 

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Ngọc Nam đã có công văn gửi các DN, đề nghị chủ động thực hiện các giải pháp như: thu mua dự trữ lưu thông theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP, đẩy mạnh tiến độ giao hàng các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết, nhanh chóng thu mua đối với HTX, hộ dân đã hợp đồng.

Theo ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty lương thực Tiền Giang, sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, công ty cũng bắt đầu mua lúa của nông dân, trong hợp đồng của cánh đồng lớn, với giá cao hơn giá ngoài thị trường. Lãnh đạo Công ty lương thực Tiền Giang cho rằng, dù mua cao hơn bên ngoài nhưng số lượng chỉ khoảng vài trăm héc ta nên cũng không thể kéo giá lúa mặt bằng chung của khu vực lên cao...

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho rằng, mô hình cánh đồng lớn sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết giữa DN với nông dân theo tiêu chí của Bộ NN-PTNT là rất đúng đắn vì có chất lượng gạo hàng hoá đồng nhất để xuất khẩu. Bên cạnh đó, diện tích lúa nông dân được bao tiêu, họ khỏi phải lo đầu ra như việc giá lúa giảm hiện nay.

“Nhưng số DN tham gia cánh đồng lớn rất ít do họ không có vốn làm. Mỗi năm, DN xuất khẩu khoảng 160.000 tấn gạo nhưng thực tế chỉ bao tiêu được 1/3 trong số đó cho nông dân. Hơn nữa, rất ít ngân hàng cho vay theo chuỗi liên kết. Vì vậy, Chính phủ chỉ đạo làm sao để DN có vốn thu mua cho toàn bộ diện tích lúa Đông Xuân ở ĐBSCL, để giá lúa không tụt giảm và gạo Việt Nam không bị giảm giá trị khi xuất khẩu”, ông Bình kiến nghị.

Trần Lĩnh – Văn Vĩnh
.
.
.